Hội họa Việt Nam bước vào giai đoạn bùng nổ về lượng và chất

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Triển lãm đặc biệt ’Họa duyên tương ngộ’ của cố họa sĩ Trần Phúc Duyên khai mạc tối qua (21.7) tại bảo tàng tư nhân Quang San đã thu hút sự quan tâm của giới mỹ thuật và truyền thông. Trong năm 2023, trước sự kiện này, nhiều triển lãm mỹ thuật và hội họa cũng ra mắt công chúng.
Hội họa Việt Nam bước vào giai đoạn bùng nổ về lượng và chất
Triển lãm đặc biệt “Họa duyên tương ngộ” của cố họa sĩ Trần Phúc Duyên tại bảo tàng tư nhân Quang San - Ảnh: TL

Với các sự kiện triển lãm hội họa diễn ra liên tục, nhiều người am hiểu trong lĩnh vực nhận định mỹ thuật Việt đang có một sự phát triển rất đáng ghi nhận.

Một ngày nhiều hơn 1 tháng

Theo nhiều nhà nghiên cứu mỹ thuật, nếu như trước đây, tại Hà Nội và TP.HCM, tính trung bình mỗi tháng có 1 triển lãm mới ra mắt, thì trong năm 2023, mỗi ngày có đến khoảng 7 triển lãm mở cửa đón công chúng. Sự gia tăng về số lượng cuộc triển lãm cho thấy các họa sĩ đã lao vào sáng tác bằng nguồn năng lượng dồi dào. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho hội họa và mỹ thuật Việt Nam, bởi vì muốn có đủ tranh để triển lãm cho công chúng thưởng thức thì nghệ sĩ phải có đam mê và lao động sáng tác đều đặn. Tại các cuộc triển lãm này, tài năng của họ sẽ được đánh giá, góp ý để hoàn thiện hơn.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi chia sẻ: “Thế giới nhìn vào hội họa Việt, họ chỉ đánh giá cao các họa sĩ thời Đông Dương. Tranh của các danh họa thời ấy vẫn đang được các nhà sưu tập săn lùng trên sàn đấu giá quốc tế, và giá trị ngày càng tăng. Họa sĩ đương đại của Việt Nam chưa có chỗ đứng ngang bằng với thế hệ tiền bối thời Đông Dương, nhưng cũng đã xuất hiện nhiều gương mặt ấn tượng như Lê Kinh Tài, Lương Lưu Biên, Nguyễn Hướng Dương, Anh Đào và vài cái tên khác. Phần còn lại đang nỗ lực tìm cho mình hướng đi. Tôi nghĩ đây là điểm quan trọng cho sự phát triển của một nền mỹ thuật của quốc gia. Dù họ cần thời gian để thẩm định nhưng điều quan trọng là thế hệ trẻ đang vận động. Sức sống của hội họa Việt hiện tại mạnh mẽ và sôi động hơn nhiều so với nhiều thập kỷ đã qua”.

Cũng theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi, tại Đông Nam Á, Việt Nam là quốc gia đầu tiên có trường mỹ thuật vào thời Đông Dương, tức đầu thế kỷ 20. Xét về thời gian, Việt Nam có xuất phát sớm hơn hẳn các quốc gia còn lại. Thế nhưng, chiến tranh đã khiến mối bận tâm của toàn xã hội hướng vào những lĩnh vực khác, thưởng thức hội họa được xếp vào thứ yếu. Vì thế, mà hội họa Việt đã giậm chân tại chỗ nếu không muốn nói là đã lùi lại. Trong khi đó tại Singapore, Indonesia, Thái Lan... dù các trường dạy mỹ thuật ra đời sau, nhưng vì họ không bị chiến tranh nên sự phát triển của họ nhanh và tân tiến hơn.

Giờ đây, nền mỹ thuật Singapore được đánh giá là đứng đầu Đông Nam Á. Việt Nam nhờ kinh tế phát triển hơn trước nên sự quan tâm đến mỹ thuật và hội họa đã được phục hồi, chú trọng hơn. Nhiều gallery tư nhân xuất hiện, lực lượng nghệ sĩ tăng lên. Các họa sĩ Việt không chỉ nỗ lực thể hiện bản thân trong nước, mà còn cố gắng giới thiệu mình ra thế giới bằng cách tham gia các triển lãm quốc tế, hay đăng ký các kỳ lưu trú ở các nước. Nếu tình hình này ổn định và duy trì, trong tương lai không xa, hội họa Việt đương đại sẽ có vị trí trong khu vực và thế giới.

Vai trò của bảo tàng tư nhân và giới doanh nhân

Nhiều năm qua, dù có nhiều gallery tư nhân mới xuất hiện nhưng cũng nhiều gallery đóng cửa. Đó là quy luật hoạt động rất bình thường nếu so với nhiều lĩnh vực khác. Nhưng một dấu ấn độc đáo mà giới mỹ thuật rất phấn khích đó là sự ra đời của các bảo tàng mỹ thuật tư nhân.

Bảo tàng mỹ thuật tư nhân, nơi mà bất kỳ ai hứng thú muốn xem tác phẩm phải bỏ tiền mua vé vào cửa, đã hoạt động tại nhiều nước từ rất lâu. Tại Việt Nam, vì hoàn cảnh khách quan nên gần đây hai bảo tàng tư nhân mới chính thức xuất hiện đó là Đức Minh và Quang Sang. Tại bảo tàng Đức Minh treo nhiều tranh giá trị thời Đông Dương, tiêu biểu như các tranh sơn mài của Nguyễn Gia Trí. Tại bảo tàng Quang San cũng có nhiều tranh Đông Dương quý hiếm mà tiêu biểu là các tác phẩm của Nguyễn Tường Lân, Vũ Văn Thu... và mới đây là Nguyễn Phúc Duyên.

Sự hiện diện của hai bảo tàng tư nhân này tạo điều kiện cho công chúng tiếp cận được với những tác giả lớn, điều mà trước đây chưa có được. Việc cả hai nơi tổ chức những buổi workshop cũng tạo cầu nối cho người sáng tác gặp gỡ trao đổi.

Các cuộc triển lãm nghệ thuật diễn ra thường xuyên hơn cùng với sự ra đời của các bảo tàng tư nhân hay giới doanh nhân sưu tập tranh... là tín hiệu vui của thị trường mỹ thuật Việt Nam - Ảnh: TL

Theo nhiều người am hiểu, sự hiện diện của những bảo tàng tư nhân giúp nâng cao ý thức cho công chúng việc giảm thiểu cơ hội sử dụng tranh giả, gia tăng khát khao muốn sở hữu tranh thật. Cụ thể hơn, tại các bảo tàng mỹ thuật tư nhân này chỉ treo tranh thật, nói về giá trị thật của tác phẩm, trân trọng sự sáng tạo nghiêm túc, đã tác động ít nhiều đến công chúng.

Bên cạnh đó, ngày nay có rất nhiều chủ dự án tòa nhà cao cấp quan tâm đến yếu tố mỹ thuật góp phần tăng giá trị cho thiết kế nội thất. Nhiều dự án nhà ở cao cấp đã tổ chức hội thảo về mỹ thuật và họ chú trọng vào việc treo tranh như một sự thể hiện nét văn minh và lịch lãm của gia chủ. Thậm chí nhiều doanh nhân thực sự yêu thích hội họa đã tham gia vào thị trường tranh bằng sở thích sưu tập cá nhân.

Ngô Lực là một trong những họa sĩ đắt show vẽ tranh cho các resort hoặc khách sạn cao cấp. Những gì Ngô Lực chia sẻ trên trang cá nhân cho thấy rằng không hề có ranh giới trong việc sáng tác một tác phẩm để triển lãm và một tác phẩm được đặt hàng cho khách sạn cao cấp. Cả hai đều là sự sáng tạo dựa trên xúc cảm của chủ thể sáng tạo. Nhiều bức tranh treo tường ở các tòa nhà cao cấp đạt giá trị thẩm mỹ rất lớn. Đây cũng là môi trường thúc đẩy hội họa Việt phát triển.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật