Làm gì để trẻ không chán ghét việc học

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Những nghịch lý nơi trường học đã biến những đứa trẻ từ việc tò mò về mọi mặt trở thành một đứa trẻ lãnh đạm và chán ghét việc học.
Làm gì để trẻ không chán ghét việc học
Sách Học thế nào bây giờ? - Vận dụng 8 loại hình thông minh để giúp trẻ học tập tốt hơn. Ảnh: H.H.

Giáo dục hiện nay bị ảnh hưởng bởi quan niệm: “Học phải giỏi toàn diện, môn nào cũng phải đạt điểm cao”. Câu hỏi đặt ra ở đây là “Liệu có sự giỏi toàn diện trong mỗi chúng ta hay không?".

Giúp trẻ cởi bỏ áp lực và xác định mục tiêu học tập

Có lẽ, các bậc làm cha làm mẹ ai cũng mong muốn con mình học giỏi bởi “cách học tập của con em chúng ta ngày nay, sẽ tạo nên nhân loại ngày mai”, nên mọi sự cố gắng, nỗ lực của cha mẹ cũng đều hy vọng con có một tương lai tốt đẹp và đạt được thành công.

Cũng chính vì vậy mà bố mẹ cũng tạo ra áp lực vô hình lên chính đứa con của mình, khiến con phải học một cách quá ôm đồm, nhà - trường học - lớp học thêm là ba điểm tạo thành một vòng tròn khép kín khiến những đứa trẻ bị mắc kẹt ở trong đó làm chúng cảm thấy mệt mỏi, áp lực, rồi tệ hơn là xảy ra điều đáng tiếc.

Vậy đâu là phương pháp để giúp trẻ có thể dễ dàng học tập tốt hơn? Và làm thế nào để trẻ đam mê học tập mà không cảm thấy chán nản?

Đúc kết từ kinh nghiệm giảng dạy và đối mặt với nhiều học sinh thất bại ở trường, tác giả Bruno Hourst đã cho ra mắt cuốn sách Học thế nào bây giờ? - Vận dụng 8 loại hình thông minh để giúp trẻ học tập tốt hơn nhằm giải quyết phần nào những lo ngại của phụ huynh.

Bruno Hourst chỉ ra những tư duy, suy nghĩ và những sai lầm thường mắc phải khi dạy con của các bậc cha mẹ. Tác giả đã đề cập đến thuyết trí đa thông minh của Howard Gardner với 8 loại hình: Trí thông minh ngôn ngữ; trí thông minh về âm nhạc/nhịp điệu; trí thông minh thị giác/không gian; trí thông minh thể chất/vận động; trí thông minh logic/toán học; trí thông minh giao tiếp/xã hội; trí thông minh nội tâm; trí thông minh thiên nhiên.

Cuốn sách không phải là tài liệu về giáo dục gia đình một cách quá chung chung và nhiều lý thuyết hàn lâm khô khan, mà là cuốn cẩm nang được trình bày mạch lạc. Sách cung cấp các bài thực hành bằng việc đưa ra những lời khuyên, những bài tập và những ví dụ, giúp cha mẹ có thể vận dụng một cách dễ dàng tất cả loại hình thông minh ở trẻ để giúp con học tốt. Bên cạnh đó, tác phẩm còn đi kèm nhiều tình huống, các bài thực hành để giáo dục con.

Mục tiêu lớn nhất của giáo dục là để phát triển thế mạnh của mỗi người nhưng chúng ta vẫn hay có thói quen đánh giá học sinh theo một mức điểm sàn nhất định. Nếu trẻ không giỏi môn này thì sẽ bị đánh giá là “tệ”, là “dốt” khiến trẻ bị tự ti, nhụt chí.

Con người không phải ai cũng giống nhau, mỗi người sẽ có một thế mạnh riêng, một khuyết điểm riêng, vì vậy bắt ép một người rèn khuyết điểm hay dạy học theo kiểu phơi bày, chỉ trích điểm yếu... sẽ chỉ khiến trẻ bị ám ảnh, chán nản, không có hứng thú, không xác định được chính mục tiêu của mình, luôn cảm thấy mông lung trong cuộc đời.

Vì vậy, chúng ta tạo ra những thế hệ giỏi toàn diện nhưng lại chẳng có mấy nhân tài thực sự, cái gì cũng biết nhưng lại chẳng hiểu thật sâu. Vấn đề nào cũng có hai mặt, khi trẻ phát triển theo cách giỏi toàn diện thì ngược lại chúng cũng bị ảnh hưởng tới tâm lý, cảm xúc, không biết phát triển theo hướng nào rồi không thấy sự thú vị trong việc học còn khi phát triển theo thế mạnh của mình, trẻ sẽ lấy đó làm động lực, là bàn đạp để tiếp tục cố gắng, phấn đấu và cũng sẽ là cầu nối để có thể phát triển những mặt khác.

Qua đó trẻ sẽ trở thành một người có định hướng riêng, thoả sức sáng tạo theo mình muốn mà không bị đóng khung trước những khuôn mẫu mà gia đình và xã hội đã lập sẵn từ trước.

Tác giả Bruno Hourst. Nguồn: babelio.

Giúp việc học của trẻ trở nên nhẹ nhàng hơn

Là người có kinh nghiệm trong giảng dạy cũng như tiếp xúc với nhiều học sinh thất bại nơi trường học chính vì vậy, tác giả đã thẳng thắn chỉ ra những nghịch lý nơi trường học, điều đã biến những đứa trẻ từ việc tò mò về mọi mặt trở thành một đứa trẻ lãnh đạm và chán ghét việc học khiến chúng cảm thấy trường học như một nhà tù, biến những đứa trẻ ngoan ngoãn trở nên nổi loạn.

Phải chăng nguyên nhân dẫn đến những vấn đề trên cũng là vì danh hiệu “giỏi toàn diện”?

Cuốn sách khuyến khích cha mẹ quan sát trẻ để tìm ra cách học sở trường của con từ đó giúp con có cơ hội vận dụng những loại hình trí thông minh “mạnh” của mình, đem lại nhiều hệ quả tích cực.

Học thế nào bây giờ? - Vận dụng 8 loại hình thông minh để giúp trẻ học tập tốt hơn của Bruno Hourst trang bị cho phụ huynh những công cụ, phương pháp, chỉ dẫn cụ thể nhằm giúp con học bài, làm bài tốt ở nhà, biến khoảng thời gian quý báu bên cạnh con cái thành những thời gian sống động, vui vẻ, hữu ích cho con và cho cả chính các phụ huynh.

Cuốn sách như một người bạn, một người thầy đồng hành cùng cha mẹ, các thầy cô giáo để giúp các con tìm thấy được niềm vui trong học tập và giúp việc học trở nên nhẹ nhàng, có ý nghĩa hơn.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật