Mười tầng địa ngục xét xử các vong linh

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Phật giáo cho rằng có các tầng địa ngục với mục đích trừng ác, khuyến thiện, răn đe hành vi của con người trong thế giới thực tại.
Mười tầng địa ngục xét xử các vong linh
Sách Các tầng địa ngục theo Phật giáo. Ảnh: N.N.

Trong cuốn Hội hè lễ tết của Người Việt, học giả Nguyễn Văn Huyên cho rằng ngày rằm tháng 7 là ngày lễ của người chết, đồng thời khẳng định đây là một ngày lễ dân gian lớn theo tín ngưỡng Phật giáo.

Ông cũng cho biết, theo tín ngưỡng của người Việt Nam thì con người có 2 nhóm linh hồn: “ba hồn” và “bảy phách” hay “vía”. Đàn bà có nhiều hơn đàn ông hai “phách”. Những linh hồn này tồn tại trong thân thể. Con người tiếp nhận hồn khi sinh hoặc thụ thai. Còn khi chết thì hồn bỏ đi.

Nhưng cái chết không phải là sự kết thúc hẳn, nó chỉ là điểm cuối của một thời kỳ nằm trong chuỗi dài vô tận của những kiếp luân hồi đạo Phật. Nhưng trước khi hóa kiếp, hồn người chết phải bị mười Diêm vương xét xử, tương ứng với đó là mười tầng địa ngục. Những cảnh khủng khiếp ở địa ngục được vẽ ở chùa lớn và được truyền bá trong nhân dân bằng tranh dân gian, khiến mọi người đều khiếp sợ.

Các tầng địa ngục trong tư liệu hơn 100 năm trước

Vậy mười vị Diêm vương được học giả Nguyễn Văn Huyên đề cập trên là những vị nào và mười tầng địa ngục (mười điện) là những tầng/điện nào? Cuốn Các tầng địa ngục theo Phật giáo (nguyên bản tiếng Pháp Les Enfers Bouddhiques: le Buoddhisme Annamite, Chamuel, Paris, 1895) của Léon Riotor và G. Leofanti - một tư liệu được ghi chép theo lối khảo tả từ góc nhìn phương Tây hơn trăm năm trước - cho chúng ta biết cụ thể điều này.

Theo PGS.TS Trần Trọng Dương (trong lời tựa bản dịch sách) từ thời Lê Trung Hưng đến thời Nguyễn, địa ngục trong thế giới quan Phật giáo tiếp tục tiếp thu từ các nguồn kinh tạng Bắc truyền. Theo đó, địa ngục được bản địa hóa theo hai hướng. Thứ nhất là sự gia tăng số lượng các Đại địa ngục (tám lên mười). Thứ hai là lược bỏ địa ngục lạnh (Phật giáo Ấn Độ có tám địa ngục nóng, tám địa ngục lạnh). Thứ ba, là quá trình Đạo giáo hóa bằng các tên gọi của các Minh Vương trong các tầng địa ngục.

Đạo giáo cho rằng, các Minh Vương vốn tiền thân là các vị Thiên Tôn, sau đó tư tưởng này được bổ sung vào kinh điển Phật giáo. Diêm Vương (Diêm La vương) vốn là thần Dạ Ma (Yama, Tử thần, thần chết, chúa cõi u minh) thời Phệ Đà của Ấn Độ, sau được tiếp thu vào Phật giáo, khi truyền vào Trung Quốc thì đã hòa kết với Đạo giáo mà hình thành nên Diêm La thập điện, còn gọi là Thập điện Diêm Vương hay Thập điện Minh Vương.

Nếu giai đoạn đầu mới vào Trung Quốc, 16-18 tầng địa ngục chỉ được cai quản bởi một vị Diêm La, thì ở giai đoạn sau đã tiếp xúc với văn hóa Đạo giáo 10 tầng địa ngục được cai quản bởi 10 vị Diêm Vương. Tức là một tầng được hình dung là một “điện” - một tiểu triều đình nơi âm ty.

Tinh thần trừng ác, khuyến thiện

Trong Các tầng địa ngục theo Phật giáo có mười hai phụ bản thể hiện hình ảnh Thập điện Diêm Vương. Theo đó, hình ảnh các vị Diêm Vương đều được vẽ theo hình ảnh của các vị vua trên trần thế, có vương hiệu, cung điện riêng, có chức năng nhiệm vụ đặc thù.

Tranh vẽ Ngạ Quỷ trừng phạt các vong linh làm điều xấu. Ảnh: P.G.

Thập điện Diêm Vương, gồm các vị sau: Đệ nhất điện Tần Quảng Vương trông coi địa ngục dưới núi Ốc Tiêu. Đệ nhị điện Sở Giang Vương, trông coi địa ngục Hoạt Đại và địa ngục Hàn Băng. Đệ tam điện Tống Đế Vương, trông coi địa ngục Hắc Thằng. Đệ tứ điện Ngũ Quan Vương, trông coi địa ngục Hợp Đại (địa ngục hợp lại thành to lớn) và huyết trì. Đệ ngũ điện Diêm Ma (La) Vương, trông coi địa ngục Khiếu Hoán. Đệ lục điện Biện Thành Vương, trông coi địa ngục Đại Khiếu Hoán và Uổng Tử Thành. Đệ thất điện Thái Sơn Vương, trông coi địa ngục Nhiệt Não. Đệ bát điện Đô Thị Vương, trông coi địa ngục Đại Nhiệt Não. Đệ cửu điện Bình Đẳng Vương, trông coi địa ngục A tỳ Địa Ngục (tức Địa Ngục Vô Gián). Đệ thập điện: Chuyển Luân Vương trông coi địa ngục chuyển luân.

Mười điện này được hình dung có các tiểu ngục, thường mỗi điện có 16 địa ngục với các hình phạt tương ứng. Các hình phạt gồm hai kiểu: Các khốc hình tra khảo tội nhân vốn lấy từ nguyên mẫu dân gian, và các hình phạt diều mổ, chó ăn vốn lấy từ hiện thực tự nhiên.

Về mặt lý: các tội nhân bị chuyển qua từng điện, để phán xét, định tội, trải qua các hình phạt khác nhau, theo từng kiếp đoạn trải hết tội hình ở điện này, sẽ chuyển đến điện ngục dưới cho đến hết.

Theo một cách diễn giải khác, Tần Quảng Vương trừng trị những kẻ trộm cắp và những kẻ làm sai bổn phận. Sở Giang Vương trừng trị những kẻ thèm muốn vợ người khác, Tống Đế vương trừng trị những kẻ phạm thượng. Ngũ Quan Vương trừng trị những con người tệ bạc. Diêm La Vương trừng trị những kẻ dâ‌m đãng. Thái Sơn Vương trừng trị những kẻ ngoại tình và loạ‌ּn luâ‌ּn. Biện Thành Vương trừng trị kẻ vu khống. Bình Đẳng Vương trừng trị những kẻ đốt nhà; Đô Thị Vương trừng trị những kẻ đạo đức giả, Chuyển Luân Vương trừng trị những kẻ nói dối và những kẻ tàn ác…

Tóm lại, địa ngục là một khái niệm thuộc thế giới quan Phật giáo, được hình thành trên cơ sở thuyết luân hồi, luật nhân quả, thuyết báo ứng. Địa ngục được vẽ ra nhằm mục đích trừng ác, khuyến thiện, mang tới hy vọng của con người vào những kiếp lai sinh tốt đẹp hơn, nhưng thực chất là để răn dè hành vi của con người trong thế giới thực tại.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật