Bịt “lỗ hổng” để ngăn chặn SIM rác

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trên thực tế, hiện nay vẫn còn việc một người đứng tên SIM điện thoại cho cả nhà với nhiều lý do.
Bịt “lỗ hổng” để ngăn chặn SIM rác
SIM rác vẫn liên tục làm phiền khách hàng trong thời gian vừa qua.

Sau quy định chuẩn hóa việc đăng ký thuê bao, nhiều người dùng vẫn tiếp tục gặp phải tình trạng nhận cuộc gọi tư vấn về các loại dịch vụ khác nhau, gồm cả cuộc gọi từ số di động và số điện thoại cố định.

Bỗng nhiên “sở hữu” nhiều sim

Dù Bộ TT&TT đã tiến hành các đợt kiểm soát nghiêm ngặt về chuẩn hóa thông tin và kiểm soát hoạt động bán sim tại các đại lý, nhưng tình trạng các tin nhắn, cuộc gọi quảng cáo, lừa đảo vẫn không giảm đi, thậm chí còn trở nên tinh vi hơn. Người dùng vẫn phải đối mặt với cuộc gọi từ các đầu số di động lạ mà họ không kịp phản ứng, với hậu quả chủ yếu là gây rối và lừa đảo.

Anh Đình Trung sinh sống tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, đã sử dụng cú pháp TTTB Số CCCD và gửi tới số 1414, phát hiện rằng một số điện thoại lạ đang được đăng ký với thông tin từ số CCCD của anh trên cùng một nhà mạng mà anh đang sử dụng. Ngay sau đó, anh Trung đã liên hệ với tổng đài chăm sóc khách hàng của nhà mạng để báo cáo vấn đề này.

Khách hàng Phạm Thị Liên, nhân viên văn phòng cũng gặp tình trạng tương tự. Ngoài hai số điện thoại đang dùng, chị Liên đã rất bất ngờ khi phát hiện mình có số điện thoại thứ ba. Sau khi thử gọi tới số lạ để kiểm tra thì chỉ nhận được thông báo “Thuê bao quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được”, nhắn tin nhiều ngày không thấy hồi âm.

“Mình có người em trước làm bên kinh doanh SIM số. Do đại lý ép doanh số liên tục mà thời buổi này SIM số đã bão hòa rồi, lấy đâu ra doanh số nữa. Có lẽ cũng vì thế nên mới có tình trạng này”, chị Liên chia sẻ.

Để đảm bảo an toàn, chị Liên đã trực tiếp ra điểm giao dịch của nhà mạng để hủy thông tin SIM lạ dính đến mình. Theo thông tin do nhân viên điểm giao dịch cung cấp, số điện thoại lạ được đăng ký cùng ngày chị Liên mua chiếc SIM đang thực dùng hiện tại.

Trên thực tế, hiện nay vẫn còn việc một người đứng tên SIM điện thoại cho cả nhà với nhiều lý do. Chẳng hạn, cha mẹ lớn tuổi chỉ cần một số điện thoại để nghe gọi với con cái ở xa, con nhỏ được cha mẹ đứng tên mua SIM mới... Tuy nhiên, khi thông tin cá nhân bị dùng để đứng tên một số điện thoại lạ thì người dùng phải hết sức thận trọng, bởi các rủi ro khôn lường.

Đã có trường hợp chủ thuê bao của một nhà mạng lớn bị công an triệu tập để lấy lời khai, do thông tin cá nhân của người này bị dùng đăng ký cho số điện thoại trong đường dây cờ bạc trực tuyến. Việc chứng minh không liên quan tới số điện thoại lạ và cam kết không khó, nhưng rõ ràng điều này gây ra không ít phiền phức và hệ lụy về pháp lý cho nạn nhân.

Theo một đại lý bán sim, việc người dùng vẫn bị các tin nhắn, cuộc gọi làm phiền vì việc chuẩn hóa thông tin chưa ngăn chặn hiệu quả vấn đề sim rác. Mặc dù, một số đại lý đã tuân thủ quy định về việc chuẩn hóa thông tin khi đăng ký thuê bao, tuy nhiên, họ vẫn tiếp tục thu thập thông tin, bao gồm số căn cước công dân và tên của khách hàng từ các nguồn mà họ có thể mua bán dữ liệu.

Sau đó, họ sử dụng thông tin này để kích hoạt các sim và sau đó bán lại cho người khác mà không yêu cầu việc xuất trình giấy tờ tùy thân. Điều này dẫn đến việc sử dụng các sim trôi nổi, được coi là “sim rác”, để phục vụ cho mục đích như phát tán tin nhắn lừa đảo.

Mạnh tay xử lý

Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) Nguyễn Phong Nhã.

Theo ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT), thời gian qua, nhiều người dùng di động phản ánh về tình trạng thông tin cá nhân của bản thân "tự dưng" đứng tên nhiều số máy lạ. Điều này đã gây tâm lý hoang mang, không biết phải xử lý ra sao bởi các nhà mạng vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể.

Trước tình trạng trên, Bộ TT&TT đã phối hợp cùng các doanh nghiệp viễn thông triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để ngăn chặn, hạn chế tình trạng cuộc gọi/tin nhắn rác từ SIM rác đã kích hoạt sẵn.

Có thể kể đến, lãnh đạo Bộ TT&TT đã chỉ đạo Cục Viễn thông phối hợp cùng các nhà mạng thay đổi cú pháp nhắn tin để kiểm tra thông tin thuê bao qua đầu số 1414. Theo đó, với cú pháp mới, để tra cứu thông tin về lượng SIM đang sở hữu, chủ thuê bao sẽ phải cung cấp kèm theo số căn cước công dân. Điều này nhằm bảo mật thông tin thuê bao cho người sử dụng.

Sau 1 thời gian triển khai, thống kê cho thấy, đã có 6 triệu lượt tin nhắn đến tổng đài 1414, kèm theo số giấy tờ để kiểm tra thông tin thuê bao. Đồng thời, trong tháng 3/2024 vừa qua, Cục Viễn thông cho biết khoảng 1,62 triệu giấy tờ, tương ứng 7,9 triệu SIM thuộc diện thuê bao có từ 4 - 9 SIM.

Theo ông Nhã, nhiều người dùng sau khi kiểm tra thông tin thuê bao qua tin nhắn 1414 mới phát hiện mình có nhiều SIM đang hoạt động, nhưng không phải do mình sử dụng.

“Đến nay, đã có khoảng 200 thuê bao không chính chủ đã bị khóa sau khi khách hàng phản ánh đến nhà mạng, cho thấy việc vào cuộc tích cực của các nhà mạng nhằm chuẩn hóa thông tin thuê bao”, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết kết quả.

“Ngoài trả về danh sách thuê bao, tra cứu 1414 còn cung cấp thông tin liên quan đến cá nhân. Do đó, để bảo đảm bí mật thông tin cá nhân, hiện chỉ cho phép tra cứu thông tin trong từng nhà mạng”, đại diện Cục Viễn thông giải thích.

Rà soát thuê bao là một trong những biện pháp giúp ngăn chặn SIM không chính chủ, một trong những nguyên nhân của SIM rác và cuộc gọi rác.

Theo văn bản của Bộ gửi đến nhà mạng, SIM tồn kênh nếu đang bị khóa một chiều, có dấu hiệu kích hoạt sẵn phải chuyển trạng thái về SIM không có thông tin thuê bao.

Đến 15/4, doanh nghiệp viễn thông sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu trên thị trường còn xuất hiện SIM được phát triển mới không đúng quy định.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật