Chuỗi nóng toàn cầu vẫn tiếp diễn

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Theo cơ quan khí hậu Liên minh Châu Âu Copernicus, Trái đất đã xóa sạch các kỷ lục về nhiệt độ toàn cầu trong tháng thứ chín liên tiếp, mùa đông nói chung và các đại dương trên thế giới vẫn thiết lập các mốc nhiệt độ cao mới.
Chuỗi nóng toàn cầu vẫn tiếp diễn
Các kỷ lục về nhiệt độ toàn cầu tiếp tục bị phá vỡ trong tháng thứ 9 liên tiếp. Nguồn: AP.

Tháng nóng kỷ lục mới

Theo báo cáo của Copernicus, kỷ lục mới nhất về đợt nóng toàn cầu do biến đổi khí hậu bao gồm nhiệt độ bề mặt nước biển, không chỉ nóng nhất trong tháng 2 mà còn vượt qua bất kỳ tháng kỷ lục nào, tăng vượt mốc so với tháng 8/2023. Tháng 2 cũng như 2 tháng mùa đông trước đó, đã vượt xa ngưỡng quy định quốc tế về sự nóng lên trong thời gian dài.

Theo tính toán của Copernicus, nhiệt độ trung bình trong tháng 2/2024 là 13,54 độ C, phá kỷ lục cũ từ năm 2016 khoảng 1/8 độ. Tháng 2/2024 ấm hơn 1,77 độ C so với cuối thế kỷ 19.

Trong Thỏa thuận Paris năm 2015, thế giới đặt mục tiêu cố gắng duy trì mức tăng nhiệt độ ở mức bằng hoặc dưới 1,5 độ C. Số liệu của Copernicus là số liệu hàng tháng và không hoàn toàn giống hệ thống đo lường cho ngưỡng Paris, vốn được tính trung bình trong 2 hoặc 3 thập kỷ. Nhưng dữ liệu của Copernicus cho thấy, kể từ tháng 7/2023 trở đi, mức độ nóng lên đã vượt quá 1,5 độ C.

Các nhà khoa học cho biết, phần lớn lượng nhiệt kỷ lục là do biến đổi khí hậu do con người gây ra, phát thải carbon dioxide và khí mê-tan từ việc đốt than, dầu và khí tự nhiên. Nhiệt bổ sung đến từ hiện tượng El Nino tự nhiên, sự nóng lên của vùng trung tâm Thái Bình Dương làm thay đổi các kiểu thời tiết toàn cầu.

“Với El Nino diễn ra mạnh mẽ kể từ giữa năm 2023, không có gì ngạc nhiên khi thấy nhiệt độ toàn cầu cao hơn mức bình thường, vì El Nino bơm nhiệt từ đại dương vào khí quyển, làm tăng nhiệt độ không khí. Nhưng số lượng kỷ lục bị phá vỡ thật đáng báo động” - nhà khoa học khí hậu Jennifer Francis của Trung tâm Nghiên cứu Khí hậu Woodwell cho biết.

“Chúng tôi nhận thấy “điểm nóng” đang diễn ra ở Bắc Cực - nơi tốc độ nóng lên nhanh hơn nhiều so với toàn cầu, gây ra một loạt tác động những tác động lâu dài và sâu rộng đến nghề cá, hệ sinh thái, băng tan và các mô hình dòng hải lưu bị thay đổi” - bà Francis nói thêm.

Bà Francesca Guglielmo - nhà khoa học khí hậu cấp cao của Copernicus cho biết, nhiệt độ đại dương cao kỷ lục bên ngoài Thái Bình Dương, nơi El Nino tập trung cho thấy điều này còn hơn cả hiệu ứng tự nhiên.

Theo nhà khoa học khí hậu Natalie Mahowald của Đại học Cornell, nhiệt độ cao bất thường này rất đáng lo ngại. Để tránh nhiệt độ cao hơn nữa, chúng ta cần hành động nhanh chóng để giảm lượng khí thải CO2.

Theo bà Francis, nhiệt độ bất thường ở những khu vực đại dương khác là triệu chứng của việc nó bị giữ lại do khí nhà kính tích tụ trong nhiều thập kỷ. Sức nóng đó hiện đang gia tăng và đẩy nhiệt độ không khí vào vùng chưa được khám phá.

El Nino tiếp tục gây tác động

Trong nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Scientific Reports, các nhà khoa học cho biết, El Nino có khả năng làm tăng nhiệt độ toàn cầu và mang lại nhiệt độ kỷ lục từ Amazon đến Alaska vào năm 2024.Các khu vực ven biển của Ấn Độ bên Vịnh Bengal và Biển Đông, cũng như Philippines và Caribe cũng có khả năng phải hứng chịu nắng nóng chưa từng có trong khoảng thời gian đến tháng 6, sau đó El Nino có thể suy yếu.

Tiến sĩ Ning Jiang từ viện Khoa học Khí tượng Trung Quốc ở Bắc Kinh cho biết: “Các đợt nắng nóng dữ dội và bão nhiệt đới, kết hợp với mực nước biển dâng toàn cầu khiến các khu vực ven biển đông dân đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng khí hậu to lớn và cấp bách, thách thức năng lực thích ứng, giảm thiểu và quản lý rủi ro hiện tại của chúng ta”.

Ông nói: “Sự ấm lên sắp xảy ra này làm tăng nguy cơ xảy ra các đợt nắng nóng trên biển quanh năm và làm gia tăng nguy cơ cháy rừng cũng như các hậu quả tiêu cực khác ở Alaska và lưu vực sông Amazon. Biển và các khu vực ven biển đặc biệt dễ bị tổn thương vì đại dương có thể giữ nhiệt nhiều hơn đất liền, nghĩa là điều kiện nóng bức có thể tồn tại ở đó trong thời gian dài hơn”.

Khí hậu Trái đất xoay vòng một cách tự nhiên giữa El Nino và đối tượng mát hơn của nó là La Nina. Điều này thúc đẩy và điều tiết xu hướng cơ bản mạnh mẽ của hiện tượng nóng lên toàn cầu, nguyên nhân là do mức độ carbon dioxide tăng lên từ nhiên liệu hóa thạch trong khí quyển.

El Nino thường đạt cực đại từ tháng 11 năm trước đến tháng 1 năm sau, do đó, nghiên cứu mới đã mô hình hóa tác động của sự kiện này đối với sự thay đổi nhiệt độ không khí bề mặt theo khu vực từ tháng 7/2023 đến tháng 6/2024.

Các nhà khoa học nhận thấy, nhiệt độ kỷ lục ở Amazon có thể xảy ra vào năm 2024, làm tăng nguy cơ cháy rừng. Đồng thời, nhiệt độ kỷ lục ở Alaska sẽ dẫn đến tan chảy sông băng và lớp băng vĩnh cửu cũng như xói mòn bờ biển.

Giáo sư Adam Scaife từ Văn phòng Met và Đại học Exeter ở Anh cho biết: “Nghiên cứu sử dụng các bản ghi nhiệt độ quan sát được và những gì chúng ta biết về El Nino cũng như các tác động khác đối với phần còn lại của thế giới, để suy ra những gì có thể xảy ra vào năm 2024. Nó cần thời gian dài nữa mới trở thành một dự báo hiện đại nhưng nó mang lại bước đi đầu tiên đơn giản và hữu ích cho năm tới”.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật