Sếu đầu đỏ trở về Vườn Quốc gia Tràm Chim sau hơn 2 năm bỏ đi

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Vườn Quốc gia Tràm vừa ghi nhận 4 con sếu đầu đỏ đã trở về vườn di trú sau hơn 2 năm vắng bóng.
Sếu đầu đỏ trở về Vườn Quốc gia Tràm Chim sau hơn 2 năm bỏ đi
Sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim trong những năm trước. Ảnh Trường Sinh

Sáng 8/3, trao đổi với PV Báo , ông Đoàn Văn Nhanh - Phó giám đốc Trung tâm bảo tồn Vườn Quốc gia Tràm cho hay, đã có 4 con sếu đã bay trở về tại phân khu A5 - Vườn Quốc gia Tràm Chim, sau hơn 2 năm sếu không về di trú.

Khoảng 10h30 ngày 7/3, trong lúc kiểm tra các trang thiết bị chữa cháy rừng, nhân viên Vườn Quốc gia Tràm Chim (huyện Tam Nông, Đồng Tháp) đã thấy 4 cá thể sếu đầu đỏ kiếm ăn tại phân khu A5.

Theo ông Nhanh, khoảng tháng 12 năm trước tới hết tháng 4 năm sau là mùa khô ở Đồng bằng sông Cửu Long, trước đây các loài sếu, trong đó có sếu đầu đỏ thường di cư tới Vườn Quốc gia Tràm Chim. Tuy nhiên, hơn 2 năm trở lại đây, sếu đầu đỏ không còn xuất hiện tại vườn quốc gia này.

“Thông thường, trong đàn sếu sẽ có những cá thể tiền trạm trước, trước khi quyết định có cùng cả đàn ở lại khu vực kiếm ăn nào đó tới hết mùa di cư hay không", ông Nhanh nói, và hy vọng thời gian tới sẽ có thêm các cá thể sếu đầu đỏ trở lại vườn.

Hiện, Vườn Quốc gia Tràm Chim cũng đã cử cán bộ chuyên môn theo dõi 24/24 tại bãi ăn khu A5 và các phân khu khác, nơi sếu từng kiếm ăn, để giám sát và có định hướng quản phù hợp. Đồng thời, phân công lực lượng bảo vệ thường xuyên tuần tra xung quanh các tuyến đê nhằm ngăn chặn người dân vào đánh bắt ong, khai thác sản vật làm ảnh hưởng đến môi trường sinh sống của sếu đầu đỏ.

Vườn Quốc gia Tràm Chim bổ sung thêm nguồn thức ăn phụ (lúa) cho sếu khi quần thể sếu đã ổn định, nhằm thu hút các cá thể sếu về ngày một đông hơn. Cùng với đó là thực hiện các biện pháp kỹ thuật nhằm phục hồi hệ sinh thái, tạo điều kiện thuận lợi cho sếu đến kiếm ăn.

Chuồng nuôi nhốt sếu đầu đỏ tại phân khu A5 dự kiến sẽ được đưa từ Thái Lan về trong năm nay. Ảnh: Hòa Hội

Cuối năm 2023, UBND tỉnh Đồng Tháp đã phê duyệt đề án bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim giai đoạn 2022 – 2032, với tổng kinh phí gần 185 tỷ đồng.

Theo đề án, trong vòng 10 năm (giai đoạn 2022 - 2032), sẽ nuôi thả 100 cá thể sếu với tối thiểu 50 cá thể sống sót. Đàn sếu đầu đỏ thả ra có thể tự sinh sản, tồn tại ngoài tự nhiên và sinh sống quanh năm ở Vườn Quốc gia Tràm Chim.

Tỉnh Đồng Tháp đặt mục tiêu trong giai đoạn 2022 - 2028 sẽ tiếp nhận khoảng 30 cá thể sếu 6 tháng tuổi từ Thái Lan về nuôi, chăm sóc và thả về môi trường thiên nhiên. Cơ sở vật chất chuồng trại được hoàn chỉnh để triển khai cả quy trình. Hệ sinh thái Vườn Quốc gia Tràm Chim cũng sẽ được phục hồi thông qua việc điều tiết nước hợp lý và áp dụng các biện pháp nghiên cứu phù hợp, nhằm phục vụ môi trường sinh sống của sếu đầu đỏ.

Giai đoạn 2029 – 2032, tỉnh Đồng Tháp tiếp tục đàm phán với Thái Lan để tiếp nhận thêm 30 cá thể sếu từ 6 tháng tuổi, dự kiến nuôi sinh sản được khoảng 40 cá thể sếu từ đàn bố mẹ ban đầu. Cùng với đó, xây dựng biểu đồ phân bố sếu sinh sống bên trong và ngoài Vườn Quốc gia Tràm Chim.

Cán bộ kỹ thuật của Vườn Quốc gia Tràm Chim có thể tự chăm sóc sếu thành công và cho sinh sản, thả về thiên nhiên; tăng số hộ tham gia (10 hộ) du lịch sinh thái - ruộng vườn kết hợp với xem sếu và các hoạt động liên quan đến sinh thái ruộng vườn.

Sếu đầu đỏ được phát hiện ở Tràm Chim vào năm 1985. Số lượng sếu ghi nhận được ở Tràm Chim có lúc hơn 1.000 cá thể. Từ đó đến cuối các năm 1990, Tràm Chim luôn là nơi có nhiều sếu đầu đỏ nhất trong khu vực hạ lưu sông Mê Kông. Sự hiện diện của sếu đầu đỏ là một trong những lý do quan trọng cho việc hình thành khu bảo tồn đất ngập nước Tràm Chim, tiền thân của Vườn quốc gia Tràm Chim ngày nay.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, số lượng sếu đầu đỏ về Tràm Chim càng lúc càng giảm, chủ yếu do môi trường sinh thái ở vườn thay đổi; nước lũ về ít, không rửa trôi được các bả thực bì, đồng thời giảm lượng thủy sản là thức ăn chính của chim...

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật