Họa sĩ Tào Linh: Tôi theo đuổi lối vẽ cho tôi tự do nhiều hơn

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Vẽ tranh con giáp đã trở thành niềm vui thú của không ít các nghệ sĩ tạo hình mỗi dịp Tết đến, xuân về. Một trong những người vẽ con giáp được nhiều người trong giới chuyên môn nhắc đến là họa sĩ Tào Linh. Anh vẽ nhiều đề tài khác nhau: phố xá, phụ nữ, tĩnh vật, con vật… loại đề tài nào anh cũng tìm ra cách thể hiện rất… khác biệt.
Họa sĩ Tào Linh: Tôi theo đuổi lối vẽ cho tôi tự do nhiều hơn
Họa sĩ Tào Linh.

Xin chào họa sĩ, người nổi tiếng với những bức tranh vẽ người, vẽ phố với bố cục, đường nét và một bảng màu rất đặc dị. Người được tìm đến mỗi năm mới xuân về với những bức tranh con giáp. Năm ngoái 40 bức con mèo, bán hết? Năm nay anh vẽ bao nhiêu bức con rồng?

Họa sĩ TÀO LINH: Cảm ơn chị đã ưu ái, nhưng đầu tiên xin phép được gửi lại chị 2 chữ “nổi tiếng” hay “đặc dị” trên đây vì những thứ đó không phải là tôi, không phải là thứ tôi ham hố, theo đuổi.

Thực tế là những năm vừa qua, mỗi năm, tôi vẽ 40 - 50 bức. Riêng năm Quý Mão thì có hẳn một cuộc triển lãm Happy Cats, 40 bức tranh mèo, bày theo yêu cầu của người sưu tập. Năm nay tôi cũng đã có hơn 30 bức vẽ rồng.

Đối với họa sĩ hiện thực thì năm nay có lẽ bí. Không có một con rồng nào để trực họa. Còn đối với họa sĩ ý niệm như anh thì sao? Khó mà hình dung những tranh con rồng của năm Giáp Thìn?

- Hình tượng con rồng thì ta cũng có, dù ít nhiều có hơi hướng văn hóa Trung Hoa. Nghiên cứu tư liệu, từ rồng Lý - Trần đến rồng Lê - Nguyễn, càng về sau càng tiệm cận với hình tượng con rồng của tàu. Nhưng bên cạnh đó, trong tranh dân gian, đặc biệt là ở tranh thờ của các dân tộc thiểu số, tạo hình con rồng đáng yêu hơn nhiều, gần gũi hơn nhiều. Đây cũng là nguồn cơn cho những bức tranh rồng của tôi năm nay.

Nhưng đúng là, kể cả khi không hứng thú lắm, vẽ để người xem nhận ra con rồng là không khó. Nhưng vẽ sao để người xem thấy được tác giả thì lại là vấn đề. Đây chính là cái khác biệt, hay cái “đặc dị” mà chị nói đến trên đây.

Nhân thể nói tới trường phái, anh đã bao giờ thử hiện thực chưa? Và anh có thấy một tác phẩm hiện thực nào khả dĩ chấp nhận được với con mắt thẩm mỹ của anh?

- Tôi phải thú thật với chị là tôi chưa bao giờ băn khoăn hay hoang mang về cái gọi là “trường phái”. Tôi vẽ như thế này là bởi thứ đó hợp với tạng tính của tôi. Với nó, tôi cảm thấy tự do nhất, thoải mái nhất. Trường phái là thứ có sau, chứ không phải hoặc không nên là thứ có trước tác phẩm. Tuy nhiên, điều này có thể đúng với tôi mà không đúng với người khác chăng?

Tôi thích vẽ và tôi vẽ từ lâu. Hồi mới vẽ, một ông anh - người tôi coi là “mentor” (người hướng dẫn) có khuyến khích tôi học lịch sử nghệ thuật và mỗi giai đoạn, thời kỳ, chép một bức tranh tiêu biểu của thời kỳ đó. Theo cách đó, tôi cũng đã vẽ theo lối hiện thực như chị nói. Nhưng, ngay lập tức, tôi cũng nhận ra là tôi không hứng thú lắm với lối vẽ hiện thực. Tôi theo đuổi lối vẽ nào cho tôi tự do nhiều hơn, cho tôi nhiều cảm xúc hơn.

Tranh Mèo của họa sĩ Tào Linh.

Tranh Rồng của họa sĩ Tào Linh.

Tôi biết Tào Linh sinh ra trong gia đình có cha là họa sĩ, anh trai là nhạc sĩ, chị và em gái là họa sĩ, toàn những người hoạt động nghệ thuật, anh học Bách khoa rồi quay lại với hội họa. Con đường hội họa của một kỹ sư tự động hóa như anh bắt đầu như thế nào?

- Tôi có may mắn sinh ra trong một gia đình có tinh thần hướng thượng và có xu hướng nghệ thuật. Cha tôi là một họa sĩ, nên quanh tôi luôn có nhiều sách để đọc và có sẵn bút, sẵn màu. Mỗi kỳ nghỉ hè cha lại dạy chúng tôi vẽ, bắt đầu từ các bài hình họa. Nhưng tôi cho rằng những bài học đó không mang tính hướng nghiệp mà chỉ là biện pháp để giữ chân lũ con không ra phố nghịch ngợm mà thôi.

Cho đến khi tốt nghiệp đại học, tôi bắt đầu vẽ, như một thú chơi, một thói quen. Tôi vẫn chơi thú chơi đó trong suốt thời gian làm kỹ sư, thậm chí kể cả thời gian làm công trường. Mãi sau này, khi có điều kiện để dành nhiều thời gian hơn cho việc vẽ thì tôi mới nhận thấy là tôi bị hội họa cuốn hút. Vậy là tôi bỏ việc, chỉ để vẽ, cho đến bây giờ.

Tôi đặc biệt thích hội họa của Tào Linh, đã xem nhiều tranh của anh, giai đoạn giấy dó cũng thú vị (anh xử lý rất tinh tế trong loang, nhòe, thấm, chảy), nhưng tôi thực sự thích những tranh sơn dầu của những năm gần đây hơn. Vẫn là bố cục phi lý, bất chấp nguyên tắc về cân bằng thị giác, một bảng màu riêng (phong phú trong tối giản, khúc chiết trong mạch lạc)… nhưng nó “động hơn”, “sâu hơn” và thú vị hơn, anh thì thấy sao?

- Những năm còn đi làm kỹ sư và chỉ vẽ khi có ít thời gian thì vẽ tranh giấy phù hợp hơn, chất liệu gọn nhẹ. Sau này thì tôi vẽ giấy dó, đầu tiên là vẽ bột màu, thuốc nước trên giấy dó và sau này thì chỉ vẽ mực tàu trên dó. Tôi thực sự mê vẽ dó vì giấy dó có những thuộc tính riêng biệt, bản thân mặt dó đã có nghĩa rồi. Vả lại giấy dó hợp với tôi, với những loang nhòe thấm chảy rất phù hợp với tính tự sự, hướng nội, gần như độc thoại, thì thầm.

Bây giờ, sau rất nhiều năm, xen kẽ vào khoảng thời gian giữa các bức sơn dầu, tôi vẫn vẽ giấy dó, như tìm một sự cân bằng về cảm xúc. Nhưng tôi chắc là chị cũng đã nhận thấy rằng, hội họa sơn dầu của tôi là sự tiếp nối từ giai đoạn giấy dó. Điều đó dễ nhận ra, từ đường nét và bố cục, từ tinh thần và cảm xúc. Với sơn dầu, với khả năng biểu cảm rất rộng và mạnh mẽ của nó, một lần nữa, tôi đã khám phá lại bản thân mình, thú vị hơn, nhiều hứng khởi hơn.

Lại nói về cái phi lý, những con mèo trong Happy Cats của anh bày năm ngoái rõ ràng là phi lý về mọi phương diện: hình thể, nét, màu, không gian… nhưng vô cùng hấp dẫn, đem lại sự thú vị cho người xem. Phải là người quan sát mèo kỹ lưỡng và yêu chúng, và nhiều nghĩ ngợi (và dĩ nhiên kèm theo đó là một công năng đặc dị của anh) thì mới vẽ được như thế. Anh giúp chúng tôi có thể hiểu đôi chút về sự nghĩ ngợi ấy không?

- (Cười) Hồi đó đã có người hỏi tôi câu hỏi tương tự. Quả thực là tôi không biết phải trả lời thế nào. Vì thực sự là tôi cứ ngồi xuống và vẽ ra, trực tiếp lên toan, không bao giờ có phác thảo. Tôi yêu mèo, nhà tôi có nuôi hai con mèo. Nhưng nếu tôi bám chấp vào hình ảnh hai con mèo đó, bám chấp vào tình yêu với hai con mèo đó mà tự giới hạn mình thì tôi chỉ vẽ được hai con mèo, một vàng một mướp. Nhưng nếu tôi thả lỏng tâm trí tôi, để con mèo chỉ còn là một cảm xúc, vừa gần gũi vừa độc lập, vừa mềm mại vừa sắc nhọn, vừa hiền dịu vừa quỷ quái… thì tôi sẽ có rất nhiều con mèo để vẽ ra.

Điều đó cũng đúng với chữ chị vừa nhắc đến về sự phi lý trong tranh của tôi, phi lý về bố cục, phi lý về màu sắc. Bởi với tôi, sự phi lý mang lại nhiều cảm xúc, nhiều bất ngờ hơn sự đúng. Với việc vẽ cái phi lý, ta tự giải phóng ta khỏi khuôn khổ tẻ nhạt của cái đúng.

Nhiều họa sĩ tâm sự rằng, vẽ xong bán được thì có động lực vẽ tiếp, không bán được là một khó khăn và đôi khi nó làm tan biến cả những dự tính? Với anh thì sao?

- Khi hoạt động chuyên nghiệp, tham gia nhiều triển lãm, thì đương nhiên, họa sĩ nào cũng phải tính đến việc bán. Bán được thì có động lực vẽ tiếp, không bán được thì khó khăn, như chị nói. Nhưng nếu chỉ như vậy thì sẽ không có nghệ sĩ, là người chỉ thực hành nghệ thuật vì sự thôi thúc bên trong. Đây là chuyện loanh quanh, kiểu quả trứng - con gà. Và cuối cùng lại là chuyện anh cân bằng thế nào để vẫn có thể kiếm sống và làm nghệ thuật. Lại một câu chuyện cá nhân khác.

Với anh vẽ là thiền, thiền động. Thực hành vẽ bản chất là thực hành chánh niệm có phải không? Và có thể diễn giải như thế nào về hiệu quả của nó với đời sống hàng ngày của anh? Hạnh phúc chẳng hạn?

- Chị nhắc đến câu này là câu tôi có nói đến trong bài phỏng vấn cho Art Republik số đầu tiên. Hồi đó tôi có nói thế - Vẽ là thực hành chánh niệm. Dù nói vậy hoàn toàn không sai, nhưng đến bây giờ tôi thấy cũng chẳng cần diễn ngôn to tát như vậy. Vì bây giờ, sau nhiều năm không làm công việc gì khác, chỉ vẽ và vẽ hàng ngày, tôi nhận thấy nó đơn giản hơn nhiều khi tôi có thể liên tục, không cần ra khỏi cửa, không cần gặp ai, mà vẫn cảm thấy tự do, hân hoan, thậm chí không còn phải băn khoăn là ta có đang hạnh phúc hay không.

Một câu hỏi khó, anh có thể không trả lời: Có những cuộc triển lãm gây ra sự ức chế cho không ít người đến thưởng lãm. Họ nói nhìn thấy những cái xấu rất giống như bị ngộ độc thực phẩm. Làm thế nào để tránh được nhỉ? Khi người làm ra nó không tự nhận biết xấu đẹp?

- Thực ra câu hỏi này đâu có khó. Trong tự nhiên, để đảm bảo cân bằng sinh thái, chúng ta kêu gọi gìn giữ sự đa dạng sinh học. Trong xã hội, chúng ta mong muốn sự đa dạng văn hóa bằng cách tôn trọng sự khác biệt về tôn giáo, chủ‌ng tộ‌c. Tôi nghĩ, trong nghệ thuật cũng cần chấp nhận sự đa dạng về thẩm mỹ. Nghệ thuật là cá nhân. thẩm mỹ cũng là cá nhân. Vậy chỉ cần cởi mở, tôn trọng sự khác biệt thì vấn đề này cũng dễ mà. Phải không ạ?

Khi trò chuyện với một người có vốn văn hóa sâu rộng như anh tôi cũng nhận ra được nhiều điều thú vị. Cảm ơn họa sĩ Tào Linh!

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật