Tin liên quan
Trong mấy này qua, Nga và Ukraine liên tục có thiệt hại lớn trên bầu trời; vào ngày 21/10, Bộ Quốc phòng Nga thông báo, lực lượng phòng không của họ đã bắn hạ 7 chiếc chiến đấu cơ MiG-29 của Ukraine trong một ngày, khi quân đội Nga vẫn chưa hoàn toàn bình phục từ cuộc tấn công của Ukraine vào sân bay của họ.
Dù Bộ Quốc phòng Nga không nói rõ nguyên nhân khiến MiG-29 Ukraine bị bắn rơi, nhưng các chuyên gia quân sự chỉ ra rằng, đó có thể là một cuộc phục kích trên không, khiến phi công chiến đấu của Ukraine bất ngờ và không có thời gian để phòng thủ.
Đồng thời, một số nhà quan sát quân sự bày tỏ nghi ngờ về tuyên bố này của Nga và suy đoán rằng, những tin tức này là không chính xác. Trong khi tình báo Anh thì cho rằng, máy bay chiến đấu tàng hình Su-57 của Không quân xuất kích, đã gây bất ngờ cho MiG-29 của Ukraine.
Tuy nhiên một số chuyên gia lại cho rằng, MiG-29 của Ukraine bay rất thấp để tránh radar Nga phát hiện, khi đến gần mục tiêu sẽ nâng cao độ cao rồi thả bom lượn để bom đạt tầm bay tối đa. Nhưng khi MiG-29 lộ diện sẽ bị đe dọa, nhất là khi bị radar đối phương phát hiện.
Mục đích sử dụng bom lượn của MiG-29 và các loại máy bay chiến đấu khác là để tránh xa tầm bắn của hệ thống phòng không đối phương. Tuy nhiên, nếu đối thủ bí mật di chuyển hệ thống phòng không đến gần điểm phóng hơn, có thể bắn hạ những chiếc máy bay này.
Thông tin Nga bắn hạ 7 máy bay chiến đấu của Ukraine, hiện vẫn chưa được Không quân Ukraine thừa nhận. Tất nhiên, nếu được xác nhận, đây có thể là bước lùi lớn đối với Không quân Ukraine, vốn đang “mòn mỏi” chờ đợi những chiếc F-16 tiên tiến của NATO.
Máy bay chiến đấu MiG-29 giống như Su-24, Su-25 và Su-27, hiện là trụ cột của Không quân Ukraine và đều là những máy bay do Liên Xô sản xuất và chưa được nâng cấp gì lớn. Hiện số lượng máy bay MiG-29 chính xác trong kho vũ khí của Kiev, vẫn không rõ ràng.
Tuy nhiên, các thông tin liên quan cho biết, khi quân đội Nga phát động tấn công vào tháng 2 năm ngoái, Ukraine chỉ có khoảng 50 máy bay MiG-29 trong kho vẫn trong tình trạng có thể sử dụng được. Sau đó, số máy bay này đã được đưa ra khỏi kho, để chiến đấu với Không quân Nga.
MiG-29 hiện vẫn là là lực lượng máy bay chiến đấu chủ lực tuyệt đối của Không quân Ukraine, và các nguồn tin tình báo mở cho biết, lực lượng Không quân Ukraine đã mất 22 máy bay chiến đấu MiG-29 trong chiến đấu; có thể nói là một tổn thất nặng nề.
Để tận dụng hết số MiG-29 đưa vào chiến đấu, Ukraine đã tận dụng những thân máy bay đã bị loại biên từ lâu trong kho niêm cất. Một số thân máy bay được tân trang lại và tận dụng phụ tùng từ số MiG-29 của Slovakia và Ba Lan tặng. Nhiều cải tiến đã được Ukraine thực hiện, để MiG-29 có thể sử dụng vũ khí của phương Tây.
Một phi công lái máy bay MiG-29 của Ukraine cho biết: Hiện tại với những chiếc máy bay chiến đấu cũ như MiG-29, chúng tôi chỉ có thể kiềm chế kẻ thù; nhưng với máy bay chiến đấu F-16, chúng tôi có thể kiểm soát trên không, trên biển và trên mặt đất.
Hiện sự chú ý của thế giới bên ngoài đang tập trung vào F-16, nhưng chưa biết bao giờ mới được chuyển giao cho Ukraine. Và Không quân Ukraine sẽ vẫn phải phụ thuộc vào MiG-29; còn giới chuyên gia cho rằng, giống như xe tăng Challenger 2 hay Leopard 2, máy bay F-16 cũng nhanh chóng bị đánh bại ở chiến trường khốc liệt như Ukraine.
Còn ở phía bên kia, những tổn thất mà phi đội trực thăng Nga phải gánh chịu trong cuộc tấn công bất ngờ bằng tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) mới nhất của Ukraine, đã trở thành chủ đề thảo luận giữa các nhà phân tích quân sự.
Thông tin do Bộ Quốc phòng Anh đưa ra cho thấy, tổn thất của Không quân Nga là rất lớn. Thông tin tình báo được Bộ Quốc phòng Anh công bố cho thấy, hai sân bay Nga đã bị tấn công trong tuần vừa qua và quân đội Nga có khả năng thiệt hại 14 máy bay trực thăng.
Tên lửa ATACMS mà Ukraine mới nhận của Mỹ đã tấn công vào cả hai sân bay. Các nguồn tin cho biết, trước cuộc tấn công bằng tên lửa của Ukraine, các tuyến phòng thủ của Nga đang dựa nhiều vào trực thăng vũ trang. Giờ đây, số trực thăng vũ trang của quân đội Nga đã bị dàn mỏng. Tuy nhiên, thông tin của tình báo Anh chưa được xác nhận.
Một trong những sân bay bị tên lửa ATACMS của Ukraine tấn công là căn cứ tiền phương Berdyansk ở phía Nam. Đây là trung tâm hậu cần với khả năng tấn công và phòng thủ. Nếu được xác nhận, những tổn thất này có thể ảnh hưởng đến khả năng của Nga trong việc tiến hành nhiều hoạt động dọc theo tuyến đường này.
Cuộc tấn công bằng tên lửa ATACMS của Ukraine, có khả năng buộc Quân đội Nga một lần nữa phải di chuyển các căn cứ tác chiến cũng như các nút chỉ huy và kiểm soát ra xa tiền tuyến, từ đó làm tăng gánh nặng cho chuỗi bảo đảm hậu cần.
Ngày 17/10, Tổng thống Ukraine Zelensky thông báo, quân đội nước này đã sử dụng tên lửa ATACMS để tấn công các sân bay Nga ở vùng Luhansk và thành phố cảng Berdyansk ở tỉnh Zaporozhye. Số tên lửa ATACMS được Ukraine sử dụng có tầm bắn khoảng 160 km.
Quân đội Ukraine tuyên bố, trước cuộc tấn công, quân đội Nga đã triển khai nhiều trực thăng Mi-28, Mi-24 và Ka-52 tại sân bay Berdyansk. Tên lửa ATACMS của Ukraine tấn công sân bay Berdyansk hôm 17/10 có khả năng gây hư hại nghiêm trọng cho máy bay Nga; đây là đòn giáng mạnh vào lực lượng Không quân Nga.