Tin liên quan
Theo Reuters, phát biểu bên lề cuộc họp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 15/10 tại Marrakech (Moroco), Bộ trưởng Tài chính Ukraine Serhiy Marchenko cho biết Kiev hiện phải “nỗ lực gấp đôi để thuyết phục các đối tác tiếp tục hỗ trợ" cho Ukraine.
"Tôi nhìn thấy rất nhiều sự mệt mỏi. Tôi nhìn thấy rất nhiều điểm yếu của các đối tác của chúng tôi. Họ muốn quên đi cuộc chiến này, nhưng nó vẫn diễn ra trên quy mô toàn diện", ông Marchenko nói.
Bộ trưởng Tài chính Ukraine Serhiy Marchenko. Ảnh: Reuters
Quan chức này đã chỉ ra các yếu tố đang khiến chính phủ phương Tây giảm mối quan tâm trong việc hỗ trợ Ukraine, bao gồm "sự biến động địa chính và bối cảnh chính trị nội bộ ở các nước". Trong đó, ông đề cập đến các cuộc bầu cử vào năm tới ở Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).
Ông cũng thừa nhận rằng cuộc xung đột mới bùng phát giữa Israel và Phong trào Kháng chiến Hồi giáo (Hamas) tại Dải Gaza đang làm phân tán sự quan tâm của phương Tây. Nhiều bên đã bày tỏ lo ngại xung đột này có thể lan rộng trong Trung Đông, làm gián đoạn toàn bộ nền kinh tế toàn cầu, vì khu vực này không chỉ là nhà cung cấp năng lượng quan trọng mà còn là trung tâm vận chuyển hàng hóa quan trọng.
Theo Reuters, khi cuộc chiến với Nga tiếp tục kéo dài, Ukraine cần đảm bảo sự hỗ trợ tài chính của phương Tây để bù đắp khoản thiếu hụt ngân sách ước tính 43 tỷ USD vào năm 2024. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán viện trợ giữa Kiev và các đối tác trong tuần qua đã bị lu mờ bởi cuộc xung đột tại Trung Đông.
Dòng người Palestine tại Dải Gaza mang theo đồ đạc để chạy trốn đến các khu vực an toàn hơn, ngày 13/10. Ảnh: EPA-EFE
Nhận xét của quan chức Ukraine được đưa ra trong bối cảnh Quốc hội Mỹ hôm 30/9 thông qua dự luật ngăn chặn chính phủ đóng cửa nhưng không bao gồm viện trợ bổ sung cho Ukraine. Trong khi đó, Mỹ vốn là quốc gia viện trợ quân sự lớn nhất cho Kiev với ước tính lên tới 44 tỷ USD, bao gồm xe tăng, tên lửa và các loại đạn dược.
Do vậy, động thái này đã dấy lên lo ngại rằng sự ủng hộ trong hai đảng chính trị lớn của Mỹ đối với Ukraine đang giảm dần, mặc dù Tổng thống Joe Biden khẳng định Washington sẽ tiếp tục ủng hộ Ukraine.
Lầu Năm Góc cảnh báo rằng các hạn chế về ngân sách có thể ảnh hưởng đến cả khả năng Mỹ cung cấp viện trợ cho Kiev và bổ sung kho vũ khí của chính mình. Hiện tại, cơ quan này chỉ còn 1,6 tỷ USD để bổ sung kho vũ khí gửi tới Ukraine. Tuy nhiên, chính quyền ông Biden có quyền gửi tới Kiev số vũ khí trị giá 5,4 tỷ USD.
Trong khi đó, Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby hôm 11/10 cảnh báo rằng Washington sắp cạn tiền để viện trợ cho Ukraine nếu Quốc hội không nhanh chóng phê chuẩn nguồn ngân sách bổ sung.
Nếu các yêu cầu về các khoản tài trợ không được đáp ứng, Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ buộc phải trì hoãn hoặc cắt giảm cung cấp cho Ukraine những khí tài quân sự "quan trọng và cấp bách" như vũ khí phòng không, đạn dược, máy bay không người lái, các thiết bị phá hủy, trong bối cảnh Nga chuẩn bị tiến hành cuộc tấn công mùa đông.
Các nhà phân tích quân sự nhận định rằng Nga sẽ có lợi hơn so với Ukraine trong cuộc chiến tiêu hao kéo dài. Do đó, Moscow có thể sẽ tìm cách kéo dài cuộc chiến cho đến khi các đồng minh và đối tác của Kiev phải mệt mỏi và quay lưng.
Mặc dù vậy, Bộ trưởng Tài chính Ukraine Serhiy Marchenko cũng thông báo rằng: "Chúng tôi đã có một số cam kết, chẳng hạn như 5,4 tỷ USD từ chương trình của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Chúng tôi đang mong đợi các cam kết từ Nhật Bản, Anh. Tất nhiên, chúng tôi cũng dựa vào các đối tác và đồng minh chính của mình là Mỹ và EU".
Ông Marchenko cho biết Ukraine cũng đang tìm cách cơ cấu lại nợ quốc tế và đảm bảo nguồn tài chính mới, song ông không đưa ra khung thời gian bắt đầu các cuộc đàm phán với chủ nợ.
Đầu tuần trước, quan chức này đã viết trên mạng xã hội X (Twitter) rằng Ukraine đã nhận được khoản viện trợ trị giá 1,2 tỷ USD từ Washington, nâng mức hỗ trợ của Mỹ dành cho Kiev trong năm 2023 lên 10,9 tỷ USD. EU cũng đã cam kết viện trợ 18 tỷ Euro (18,9 tỷ USD) cho Ukraine trong năm nay. Ngoài ra, khối này cũng đang nghiên cứu một gói hỗ trợ khác trị giá 50 tỷ Euro (52,6 tỷ USD) sẽ được phân bổ từ năm 2024 đến năm 2027.
Bỉ cũng thông báo rằng nước này sẽ chuyển cho Ukraine khoản doanh thu thuế trị giá 1,7 tỷ Euro (1,78 tỷ USD) được tạo ra từ các tài sản của Nga bị Trung tâm thanh toán bù trừ Euroclear đóng băng.