Nhà văn Hồ Huy và những trang tản văn quyến rũ!

Kem Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tản văn của Hồ Huy hấp dẫn người đọc bởi anh chịu khó tìm tòi những điều mới lạ trong lối viết. Sự quyến rũ, bay bổng của câu chữ, của hình ảnh, giầu chất thơ và chất nhạc! Tôi có cảm giác Hồ Huy đã mang theo cả hơi thở và nhịp điệu của âm nhạc, cùng sắc màu của hội họa vào từng trang viết của mình.
Nhà văn Hồ Huy và những trang tản văn quyến rũ!
Ảnh minh họa

Nhiều nhà văn cho rằng viết tản văn không khó nhưng để viết được tản văn thật hay, thật hấp dẫn thì không dễ chút nào. Là một người yêu thích đọc và viết tản văn, tôi cũng đồng ý với quan điểm ấy. Tản văn muốn hay cần có giọng điệu riêng và một vốn đời sống phong phú.

Trước đây, tôi đã đọc một số tản văn của Hồ Huy được đăng tải trên các trang mạng, tôi thấy khá thú vị trước một giọng điệu, một lối viết giàu cảm xúc, giàu thi ảnh và nhạc điệu. Tôi nhận thấy ở Hồ Huy có một sự đồng điệu và bay bổng về cách cảm, cách nghĩ và lối viết tản văn gần với mình. Có thể, giữa chúng tôi đã từng có một cái duyên văn chương từ trước như Hồ Huy từng nói. Sau này, đọc những bài tản văn của Hồ Huy viết gần đây và đặc biệt, sau khi đọc xong cả tập tản văn của Hồ Huy với tựa đề “ Tháng mười bẻ nắng sau lưng chiều”, tôi thấy yêu thể loại tản văn nhiều hơn.(Tôi sẽ dành một bài viết khác cho “Tháng mười bẻ nắng sau lưng chiều “ sau khi đọc kỹ hơn vào một dịp khác).

Tản văn của Hồ Huy hấp dẫn người đọc bởi anh chịu khó tìm tòi những điều mới lạ trong lối viết. Sự quyến rũ, bay bổng của câu chữ, của hình ảnh, giầu chất thơ và chất nhạc! Tôi có cảm giác Hồ Huy đã mang theo cả hơi thở và nhịp điệu của âm nhạc, cùng sắc màu của hội họa vào từng trang viết của mình. Anh có chút máu lãng tử của người đi nhiều, biết nhiều và giàu lòng trắc ẩn. Huy không quá chú trọng vào những chi tiết câu chuyện nhưng lại mang được sự tài hoa và dấu ấn riêng trong lối viết, để thổi hồn vào mỗi bài tản văn. “Xa xa khơi, xôn xao đời cát đời nắng. Gió còn ngồi trên lưng chiều mà đủng đỉnh heo may. Cây đèn biển chòng chành màu mắt em say, khóe mắt ai cay. Chẳng biết tự khi nào tôi gọi đó là mắt biển.”( Mắt biển )

Mỗi câu chuyện trong tản văn của Huy đều mang theo một thông điệp nào đó để gửi đến độc giả. Hồ Huy đã ghi được dấu ấn riêng của mình về một cách viết trẻ trung và khác lạ vào thể loại tản văn tuy dễ viết nhưng rất khó để hay, làm lay động trái tim người thưởng thức. Đó là điều rất quan trọng cho một người cầm bút để hướng đến sự chuyên nghiệp lâu dài trong cõi văn chương. Tôi đã nghĩ thế khi đọc Huy và đã ngồi đọc kỹ gần hết những bài viết giới thiệu về từng tác giả tiêu biểu mà Hồ Huy đã dành cho bạn bè trên trang TẢN VĂN HAY - Trang văn trên fb do anh sáng lập và phụ trách, hiện đang rất hot với con số 10.000 thành viên tham gia.

Được biết Hồ Huy học chuyên văn từ nhỏ nên rất ham đọc sách. Bằng sự nỗ lực không ngừng cùng với nhiều trải nghiệm cá nhân, đi nhiều, đọc nhiều, gặp nhiều, và cảm xúc luôn được thăng hoa. Hồ Huy đã thành công trong việc viết nên những áng văn hay, những bài tản văn thật mượt mà, bay bổng và đặc biệt luôn mới lạ và ngập tràn cảm xúc. Anh đã chọn cho mình con đường viết tản văn và cùng với nhóm quản tri viên trẻ trung, thông minh đã duy trì và phát triển trang TẢN VĂN HAY khá đình đám! Tôi cũng vì đam mê TVH mà đã nhập vào đội ngũ của anh một cách tự nguyện.

 

Huy đã trải lòng trong một bài tản văn hay gần đây:

“Trở thành một sỹ quan hàng hải, chu du đó đây trên những con tàu, đôi khi tôi chợt nhận ra rằng: thế giới này thật bé nhỏ, chỉ có những ngọn hải đăng, chỉ có những con mắt của biển là luôn mở to, thật to để dẫn dụ những con tàu về bến, để yêu thương những người đàn ông trở về với những người đàn bà của mình". ( Trích trong tản văn Mắt Biển.)

Hồ Huy còn dành nhiều trang tản văn cảm thông chia sẻ để viết về hình ảnh những người phụ nữ. Từ hình ảnh “Người đàn bà của đất “ suốt đời vất vả với nghề làm gốm xứ ở Ninh Thuận, cho đến “ Người đàn bà cười “ ở tận Pattaya trong đêm của những quán cà phê, với hình ảnh cô Mây ngoan hiền, tiếp cho đến “ Người đàn bà trong vũ trường” trong những quán Bar và bóng tối bụi bậm, nhơ nhớp! Xin đừng quên “Những buổi chiều quên nắng “! Và xin đừng quên ánh nắng vừa được thắp lên của những người đàn bà Tày tận nơi Mẫu Sơn xa xôi, hoang vu tuyết phủ!

Đọc “TỰ TÌNH VỚI ĐIẾM CANH “, ta mới thấy hết được cả một tấm lòng sâu nặng và những ân tình với làng quê của tác giả Hồ Huy.“Điếm canh làng Việt, một thứ quê hương đã tựa lưng vào những vui buồn, đã âm ỉ những mùa nắng cạn, đã thơi thới những mùa mưa giông, đã trông chừng những mùa mắt anh mắt em ngập ngừng. Thương nhớ “. Những câu văn đầy thương mến, dưới ngòi bút của tác giả Hồ Huy, điếm canh hiện lên thật đẹp và nên thơ, dẫu chỉ là một cái điếm canh đê - nơi rất dễ bị người đời bỏ quên.

“ Điếm canh chỉ như một dấu chấm xanh nhỏ nhoi vậy đấy, mà điếm canh đã như một nốt nhạc in lên khuông đời em, in lên khuông đời tôi, ngân nga và tha thiết. Điếm canh là một kiến trúc công cộng được xây dựng khá phổ biến ở nông thôn, ra đời trong quá trình hoàn thiện đơn vị cư trú cơ bản ở nông thôn Việt truyền thống: làng, xã. Chỉ một thôi điếm canh mà ngôi làng xanh lên bờ bãi. Chỉ một thôi điếm canh mà triền đê ngọt ngào mãi mãi. Chỉ một em, chỉ một tôi, chỉ một dòng sông lở bồi và ở đâu tự bao giờ bồi hồi điếm canh trong mắt ai xanh?”

Trong tản văn “ Người Đàn Bà Say Trăng”và “Phù sa đàn bà “thì người ta mới càng thấy tản văn của Huy phiêu hết cỡ và cứ như thể đôi cánh chim ấy đang bay lên trong đêm trăng chỉ vì một chữ tình. Và cũng dễ hiểu thôi, bởi anh là một người giàu tình cảm và luôn say mê cái đẹp!

“Người ta muốn làm một gã hoạ sĩ gàn dở, nghiêng cây cọ mà khua lên trời,đóng khung, một chữ ĐẸP”!

Tản văn của Huy đẹp trong từng câu và nhịp điệu chữ mang đậm hơi thở thi ca.

Huy từng viết về những thứ xa xưa mà rất giản dị như cái điếm canh ở những vùng quê Bắc bộ, như một gửi gắm tâm sự với quê hương của mình: “Có gì mà lạ đâu, điếm canh vẫn như những con mắt nhân gian của anh, của em, của muôn vàn nương náu hồn quê, tình quê mà thao thức dòng đời. Điếm canh cũng chính là con mắt của lịch sử, chứng kiến những đổi thay, ghi dấu những tốt xấu, ám ảnh những trái ngang buồn thương còn vương mai sau đời sau ngày sau, ai nắm tay nhau”.

Hồ Huy có một lối viết bay bổng và ảo diệu. Hình ảnh Hà Nội tháng sáu với những vạt nắng non và những cơn mưa đầu mùa thật đặc biệt:

“Hà Nội tháng sáu của những vạt nắng non, của những cơn mưa đầu mùa chớm hạ. Của Em và Tôi.Tháng sáu về, có lẽ là khoảng thời gian đẹp nhất của mùa hạ. Tháng sáu với tiếng ve râm ran trên đường sấu cổ thụ Phan Đình Phùng. Tháng sáu của những cơn mưa về ngang phố, của sen đầu mùa, của em ngày tóc chấm ngang vai. Tháng sáu của nắng vàng loang nỗi nhớ, và có những nỗi niềm chỉ mình ta nhớ. Để bất chợt tháng sáu về trong ta lại bật mầm kí ức". Hồ Huy luôn biết cách sử dụng những từ ngữ và hình ảnh khi nhấn nhá, khi sử dụng điệp ngữ. Độc giả cũng như đang bay theo anh, cứ lâng lâng theo từng giai điệu của chữ:

"Sấu rơi đường khuya, mưa rơi đường khuya, nhớ rơi đường khuya, buồn rơi đường khuya, tôi rơi đường khuya, em còn đường khuya?".

Tôi tâm đắc hơn cả khi đọc những bài viết của anh về miền núi Tây Bắc và Tây Nguyên, trong đó “ Những con mắt Hà Giang” tôi cho là một tản văn xuất sắc.

“ Những con mắt cao nguyên, những con mắt Hà Giang, những con mắt của đất trời rạo rực tam giác mạch, con mắt của em khi nhìn về phía anh khiến cho cao nguyên đá thêm một lần buông xuống chiếc áo trầm tư mà say đắm khiêm nhường“!

Pà Thẻn mùa thoi đưa- Cũng là một ví dụ tiêu biểu khi Huy viết về miền núi và đồng bào dân tộc, luôn có những tìm tòi:

“Ngước lên trời cao, những vì sao như muôn ngàn đốm lửa hồng tần ngần choàng vào bờ vai người ấm áp. Ở đâu bập bùng, nơi đâu ngập ngừng, con thoi đưa đẩy những buồn vui của người Pà Thẻn nương náu những vùng yêu thương.Tôi lại đi và đi, vùng cao cứ như một phép bùa chú nhiệm màu khiến đôi chân tôi mấy bận xoắn xuýt những cung đường Tây Bắc, những nụ cười vắng mặt, những lời yêu sâu mắt, những hoang vu còn ngày đêm dìu dặt trong hơi thở của người Pà Hưng”.

Đọc những tản văn hay của Huy luôn mang đến cho người ta những cảm xúc tinh tế, nhẹ nhàng. Tản văn hay mang thông điệp cuối cùng được Huy đưa ra chính là những vẻ đẹp chân thiện mỹ và giá trị nhân văn. Đọc “ Cái bóng của hoàng hôn “ để ta thấy hiểu hơn, thương hơn những “ hoàng hôn bóng mẹ - hình cha"! Tôi cho rằng đó mới chính là thứ hoàng hôn quan trọng nhất. Hoàng hôn của mỗi đời người. Hình ảnh cây đèn biển chính là thứ ánh sáng ấm áp vẫy gọi của từng căn nhà và ở đó có

người vợ đang mong chờ anh trở về nhà sau những chuyến đi biển.

“Đừng quên khi bạn ra đi thì luôn có ánh sáng từ căn nhà bạn gọi bạn trở về. Và không ai khác người vợ của bạn, người mà mỗi chiều thắp lên khói bếp vấn vương, thắp lên cả những ánh sáng ngàn năm tơ vương, ấy chính là một cây đèn biển khổng lồ…”.

Bôn ba mãi rồi cũng đến lúc anh muốn dừng chân nơi bến đỗ cuộc đời . Một người thủy thủ thực sự nôn ba, từng lênh đênh trên sóng biển, từng trải nghiệm nhiều niềm vui nỗi buồn, giờ thì anh đã chọn quay về với đất liền.

“Tôi chọn Vũng Tàu là nơi trú ngụ, cho những ngày dài còn mưa thương nắng, cho những đêm sâu rối bời tìm đâu, cho yêu thương cúi đầu, cho ánh mắt ngẩng đầu, cho những bước chân đừng khi nào lầm lạc. Thu như đang lên con dốc em quên, tay như như đang lay bờ vai ai thiền, ngoài hiên trầm ngâm phố, ngoài mây trầm ngâm sương và con đường chạy lên ngọn hải đăng Vũng Tàu quanh co vấn vương”.

Viết về những cơn mưa tháng năm mang theo nhiều giai điệu của cuộc sống. Giai điệu mưa được Huy “tấu “lên cùng tiếng đàn ghi ta:

“Hà Nội mưa, ừ thì mưa, mưa cho lên chưa một vạt chiều thẫm, mưa cho như xưa một cánh sen hồng, mưa tần ngần dắt phố, vào những câu chuyện của mình. Mưa ơi còn rơi? Cánh chuồn lạc phố, Hà Nội long lanh…như màu áo em xanh…

Những cơn mưa trong tôi không ngừng lên khơi, buông lơi thành phố, chơi vơi thành phố, trầm ngâm thành phố, tháng Sáu về ướt dầm Hà Nội. Ký ức bừng tỉnh trong mưa, song thưa, sen hồng một đóa, mắt mưa một thủa, như một con phố dài tự kỷ, tôi đón những ngày mưa về chưa”?

Tản văn “Tháng Sáu Hà Nội, em và những cơn mưa“:

“Tháng Sáu, niềm cô đơn ùa về phố, từng đàn chim bay đi thiên di trong một giấc ngủ dài mộng mị. Tháng Sáu giọt guitar ngân nga rơi từ căn gác cổ nhà ai buồn bã xo vai lăn dài xuống phố. Tháng Sáu long lanh mắt màu lá me xanh, tháng Sáu, Hà Nội, em và những cơn mưa”.

Đọc tản văn “Những người thiên cổ “, lại là một lát cắt đẹp khác về nỗi nhớ quê hương.

“Những bụi nắng sau cơn mưa phùn đã lốm đốm nở sau chái bếp. Hoa xoan tím te tím tái nhạt nhòa ở đâu đó bên những bờ vắng dậu thưa. Con sông quê vẫn đằm mình nhớ thương ngày tháng cũ. Bóng dáng những người thiên cổ như quê hương bằn bặt ráng chiều”. Đó là nỗi nhớ quê hương xứ sở và cội nguồn:

“Chiều đã như chiều tự bao giờ. Quê hương trong tôi luôn là những buổi gió còn ngồi trên lưng chiều mà hổn hển buồm ngược buồm xuôi. Bà tôi ngồi nơi đầu bến, chờ ông tôi về những mẻ cá mẻ tôm xanh xanh mắt lưới.”

Trong tản văn “Những đôi môi cười “ là tràn đầy thi vị, cảm giác cứ như ta đang đọc một bài thơ dài vậy.

“Con đường em nắng. Con đường em mưa. Con đường em gió. Con đường ban trưa. Này con đường vắng. Nào đâu mù tối. Này con mắt lội, đợi lời thiết tha? Này đôi môi hoa. Xin đừng, khép lửa. Nụ cười. Bay xa. Môi cười, xinh hoa.”Hình ảnh những “nụ mưa “ hiện lên rất đẹp!“Bây giờ đã vãn mùa khô, dọc những con đường chớm hạ đã trổ những nụ mưa đầu mùa chỉ chờ thế mà xanh non trên những búp lá bằng lăng, hay những ve mắt lom dom xanh của những tán phượng đã vào kỳ hối hả.”

Chú thích ảnh

Nơi Huy chọn làm bến đỗ là Vũng Tầu- đó là “Thành phố đi về phía biển “-

“Vũng Tàu vẫn nghiêng mình thở dài bên bờ cát, bên những bản tin đại dịch Covid 19, bên những lứa đôi ngang qua đây không còn mê say, không còn tay trong tay, không còn quên ai hay, không còn mơ cơn say, không còn lưng chừng mảy may nhíu mày nheo mắt. Biển sầm sập như người đàn bà giận chồng cài then cửa mà đứng sau vòm đêm bật khóc, vài con mòng mộng du ngã vào những ngờ vực trăng treo.”

Trong tản văn “chu‌yện tìn‌h Cơ Tu” đã nói ở trên, tôi gặp lại một lối viết, một cách nghĩ giản dị, giàu hình ảnh , đậm chất của đồng bào dân tộc:

“Khi cha mẹ sinh ra anh, anh thấy mặt trời trước khi em biết tắm nước suối. Anh chờ em lớn, em biết dệt vải. Anh chờ em, thương em như con trâu đợi cỏ non mọc. Anh đi qua nhiều buôn nhiều rẫy, anh uống nước nhiều nguồn. Anh đã gặp mười cô gái trẻ, anh đã quen trăm cô gái xinh đẹp, nhưng không có thể lấy được hồn anh như em đã lấy. Anh muốn la lớn cho cả núi cả suối biết: anh sẽ chết nếu không lấy được em”.

Viết về sắc đỏ của hoa Phượng vĩ Hà Nội trong tháng năm đầu hạ, để nhớ tới hoa Phượng đỏ của Hải Phòng và sự liên tưởng bay bổng của Huy:

“Những dấu lặng chói chang dành riêng cho mùa hạ, tưởng như nhiệt thành và yêu thương chẳng bao giờ lụi tàn. Ngước mắt nhìn lên, tháng năm bừng cháy, ngoái đầu nhìn lại nẻo đường réo rắt thanh xuân.

Hải Phòng đó những ngày buông lửa, cơ man non tơ biếc biếc trên da thịt mùa hè, nhiều người lầm tưởng phượng gian díu với loài ve trỗi lên bản tình ca màu đỏ, rạc nắng, rạc gió, rạc những đôi mắt học trò nhìn sâu vào đâu. Giá như không có mùa phượng vỹ, người ta chẳng đủ một khát vọng mùa hè”.

Đọc tản văn hay cũng thú vị như khi người ta ngắm nhìn một cô gái đẹp. Mới nhìn qua mà người ta đã có thiện cảm thì họ rất dễ bỏ qua những hạn chế hay những thiếu sót của “người đẹp “! Mà người đẹp dẫu ngoan hiền nào cũng khó tránh khỏi những thiếu sót. Văn đẹp cũng có sức quyến rũ lắm chứ! Tôi chưa có may mắn được gặp bạn ấy ở ngoài đời, nhưng ta cứ đọc văn là biết người thôi! Hy vọng tới đây, Hồ Huy sẽ tiếp tục sáng tạo để dâng đời những đứa con tinh thần của mình. Bạn đọc có quyền hy vọng vào những trang Tản Văn Hay của Huy - những đứa con tinh thần dày dặn, đẹp đẽ và khỏe khoắn của anh. Chúc Huy luôn vững bước trên con đường mình đã chọn. “Con đường em nắng, con đường em mưa, con đường em gió, con đường ban trưa. Này con đường vắng. Nào đâu mù tối. Này con mắt lội, đợi lời thiết tha..."! 

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật