Thành phố Lạng Sơn: Khó kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm tài nguyên nước

Star Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Thời gian qua, tình trạng ô nhiễm tại các khu vực sông, suối, hồ… trên địa bàn thành phố Lạng Sơn đã được người dân và báo chí phản ánh. Trên thực tế, việc kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm vẫn còn nhiều khó khăn.
Thành phố Lạng Sơn: Khó kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm tài nguyên nước
Ô nhiễm tại suối Ngọc Tuyền (phường Tam Thanh) gây bức xúc cho nhiều người dân và du khách (ảnh chụp ngày 12/5/2021)

Nhận được phản ánh từ một số người dân, chúng tôi tìm đến khu vực suối Ngọc Tuyền (phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn). Theo nhiều người dân tại đây, đoạn suối chảy qua bị ô nhiễm trong một thời gian dài do hoạt động xả thải từ một số hộ dân, cơ sở kinh doanh trong vùng.

Ông Lưu Kim Giang, nhân viên bảo vệ tại khu di tích động Tam Thanh cho biết: Nước thải và các loại rác thải sinh hoạt gần như ngày nào cũng được xả thẳng xuống suối. Rác thải khiến dòng suối chuyển sang màu đen, bốc mùi hôi thối không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của các hộ dân quanh đây mà còn gây ô nhiễm cho dòng suối, gây ấn tượng không tốt cho nhiều du khách. Mặc dù chúng tôi đã kiến nghị và chính quyền cũng đã tiến hành kiểm tra, rà soát nhưng tình trạng này vẫn chưa được xử lý.

Xem Video: Cuộc sống của người dân quanh hồ nước bị ô nhiễm, đổi màu

//

Không chỉ tại khu vực suối Ngọc Tuyền, một số điểm khác trên địa bàn thành phố Lạng Sơn như: khu vực sông Kỳ Cùng tại khu vực ngầm Thác Trà (phường Chi Lăng), hồ Phú Lộc IV, hồ Phai Loạn, suối Lao Ly… cũng diễn ra tình trạng ô nhiễm trong thời gian dài. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến môi trường sống, hoạt động sản xuất của nhiều hộ dân mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tác động xấu đến môi trường đất, nguồn nước ngầm trên địa bàn.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, các nguồn gây ô nhiễm chủ yếu xuất phát từ các dòng xả thải của các hộ dân, cơ sở kinh doanh và doanh nghiệp thường chảy trực tiếp xuống các sông, suối, hồ. Tuy nhiên, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về gây ô nhiễm tài nguyên nước trên địa bàn còn gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân đầu tiên phải kể đến là do lực lượng cán bộ phụ trách công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên nước tại các phường, xã còn rất mỏng. Theo thông tin từ Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Lạng Sơn, mỗi phường, xã chỉ có một cán bộ phụ trách công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên nước, hầu hết đều do cán bộ địa chính kiêm nhiệm. Do đó, chuyên môn về lĩnh vực tài nguyên nước còn khá hạn chế.

Ông Chu Văn Đông, Phó Chủ tịch UBND phường Tam Thanh cho biết: Một trong những khó khăn trong quản lý tài nguyên nước tại địa phương là do cán bộ phụ trách phải thực hiện khối lượng công việc rất lớn. Cùng với đó, các cán bộ chưa có chuyên môn sâu về lĩnh vực tài nguyên nước; các hoạt động tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ phụ trách còn rất ít.

Một khó khăn nữa là việc xử lý các trường hợp gây ô nhiễm nguồn nước chỉ có thể thực hiện sau khi xác minh có sai phạm từ việc phân tích các chỉ số trong mẫu nước. Trong khi đó, hiện nay, ở các xã, phường vẫn thiếu các trang thiết bị để phân tích, xử lý mẫu nước thải tại chỗ. Phần lớn các vụ vi phạm đều chỉ bị xử lý khi có các hoạt động thanh tra, kiểm tra của cấp tỉnh, thành phố tiến hành.

Tìm hiểu thêm từ Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Lạng Sơn, chúng tôi được biết: hằng năm, phòng không có nguồn kinh phí riêng để thực hiện các công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên nước. Vì vậy, các công tác như: tuyên truyền, kiểm tra chưa thể tiến hành thường xuyên. Thực tế, vẫn còn tình trạng nhiều người dân chưa ý thức được việc xả thải trực tiếp xuống nguồn nước là vi phạm quy định Pháp Luật về bảo vệ môi trường. Tất cả những điều này đã và đang khiến tình trạng ô nhiễm nước tại nhiều điểm trên địa bàn chưa thể xử lý dứt điểm.

Bà Trần Thị Mai Anh, Trưởng Phòng TN&MT thành phố Lạng Sơn cho biết: Để siết chặt quản lý các nguồn gây ô nhiễm tài nguyên nước, đơn vị sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, đặc biệt là đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, đơn vị sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ, yêu cầu các tổ chức, cá nhân phải chú trọng đầu tư các công trình xử lý chất thải đảm bảo theo quy định. Các trường hợp cố tình xả thải gây ô nhiễm môi trường, đơn vị sẽ kiên quyết xử lý nghiêm.

Cùng với các giải pháp trên, hiện nay, Phòng TN&MT thành phố Lạng Sơn đã kiến nghị Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Lạng Sơn khẩn trương đầu tư hoàn thiện các hạng mục xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung trên địa bàn để đấu nối, xử lý nước thải.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, để giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm tài nguyên nước, cần chú trọng công tác quản lý các nguồn gây ô nhiễm trên địa bàn hơn là việc chạy theo, khắc phục khi đã xảy ra ô nhiễm.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật