Phụ nữ trong hội họa Đồng Nai

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Phụ nữ từ lâu là đề tài, cảm hứng khơi nguồn những sáng tạo bất tận cho nghệ thuật, trong đó có hội họa.
Phụ nữ trong hội họa Đồng Nai
Một tác phẩm của họa sĩ Lâm Văn Cảng, giảng viên Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai

Những sáng tạo của nhiều thế hệ họa sĩ Đồng Nai về phụ nữ không chỉ tái hiện vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam trên nhiều chất liệu khác nhau mà còn mang đến cho công chúng yêu nghệ thuật những cảm xúc đa chiều, phong phú.

* Tôn vinh vẻ đẹp phụ nữ

Nhắc đến đề tài phụ nữ trong hội họa ở Đồng Nai, không thể không nhắc đến những sáng tác của các họa sĩ: Hồ Hiếu, Lâm Văn Cảng, Trần Chí Lý, Dương Quốc Định… Với những nét vẽ sắc sảo, màu sắc sinh động trên nền các chất liệu như: sơn mài, sơn dầu, màu nước, gốm... chân dung của người phụ nữ hiện lên vừa nền nã, mực thước vừa hiện đại, cá tính, phóng khoáng. Tất cả mang đến cho người xem cảm giác tự hào, tôn vinh vẻ đẹp của phụ nữ Việt Nam.

Đam mê hội họa, có duyên với đề tài người phụ nữ, họa sĩ Hồ Hiếu - người con của xứ Huế nhưng sinh sống và làm việc trên quê hương Đồng Nai hơn 45 năm đã giới thiệu đến công chúng hàng chục tác phẩm về phụ nữ trên chất liệu sơn dầu và acrylic. Hiện tại, họa sĩ Hồ Hiếu đang là giáo viên mỹ thuật của Trường THCS Nguyễn Trãi (xã Phú Cường, H.Định Quán). Phụ nữ trong sáng tác của ông mang màu sắc tươi tắn, bình dị, mộc mạc nhưng sâu lắng.

“Nhiều người nói rằng, sáng tác truyền cảm hứng lớn nhất của tôi là tranh về phụ nữ. Đó là hình ảnh của những thiếu nữ trong trang phục áo tứ thân bên lũy tre làng; là hình ảnh những bà, những mẹ, những chị trong áo dài truyền thống đi chợ quê ngày Tết; hay đó là hình ảnh người thiếu nữ bên vườn hoa, thiếu nữ bên cây đàn. Mỗi tác phẩm là một câu chuyện gợi những cảm xúc về cuộc sống lao động thường ngày, tình yêu thương dành cho gia đình… của người phụ nữ” - họa sĩ Hồ Hiếu chia sẻ.

Khác với tranh của họa sĩ Hồ Hiếu, hình ảnh người phụ nữ trong tranh họa sĩ Trần Chí Lý (giảng viên Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai) lại đầy ắp cảm xúc cá nhân. Trên nền chất liệu giấy dó truyền thống, những cô gái bước ra từ tranh của ông không lung linh, thướt tha mà hư ảo, gợi nên những suy tư về thân phận mong manh, cô đơn, yếu đuối. Họ thường chỉ đứng một mình với sự ưu tư, trăn trở lấp đầy không gian.

“Tôi tôn thờ tinh thần tự do trong nghệ thuật. Bởi chỉ có tự do mới giúp nghệ thuật phác họa nên những cá tính, những khuôn mặt, những diện mạo mới mẻ. Tôi thường sử dụng hai màu sắc (trắng và đen) kết hợp cùng với cách vẽ trừu tượng nhằm gợi suy tưởng cho người xem. Ngoài giấy dó, tôi còn thể hiện hình ảnh người phụ nữ trên nhiều chất liệu khác như: sơn mài, acrylic… để làm mới cho những đứa con tinh thần của mình” - họa sĩ Chí Lý bộc bạch. 

Phụ nữ trong tranh của họa sĩ Lâm Văn Cảng cũng rất mới mẻ, hiện đại và nhiều màu sắc. Họ tự tin phô diễn một cách tự hào những đường nét gợi cảm trên c‌ơ th‌ể mình. Có thể kể đến những tác phẩm như: Thiếu nữ và hoa sen; Giấc mơ xanh; Khoe sắc; Làng hoa; Nắng có còn xuân; bộ tranh Vườn xuân; bộ tranh Cạm bẫy… Phần lớn những tác phẩm của họa sĩ Lâm Văn Cảng sau khi hoàn thành đều được ông giới thiệu rộng rãi trên mạng xã hội, được công chúng đón nhận và đánh giá cao.

* Đưa hơi thở đương đại vào tranh

Với những tìm tòi, lao động nghệ thuật nghiêm túc, các họa sĩ ở Đồng Nai đã mang đến hàng trăm tác phẩm đề tài về người phụ nữ đa dạng về phong cách, đưa hơi thở đương đại vào tranh. Theo họa sĩ Lâm Văn Cảng, đưa hơi thở đương đại vào tác phẩm là cách mà nhiều họa sĩ, nghệ sĩ hôm nay lựa chọn. Dù sử dụng bất cứ chất liệu gì, bố cục như thế nào thì những tác phẩm về phụ nữ gần gũi, quen thuộc trong cuộc sống hiện đại vẫn luôn thu hút người xem và thưởng lãm.

Một tác phẩm của họa sĩ Hồ Hiếu, giáo viên Trường THCS Nguyễn Trãi (xã Phú Cường, H.Định Quán)

Bởi thế, họa sĩ Lâm Văn Cảng thường xuyên lựa chọn hình ảnh phụ nữ căng tràn sức sống, tươi trẻ kèm theo các loài động vật đặt vào những bối cảnh khác nhau. Nhìn vào tranh của ông, người xem nhận ra ngay sự ám ảnh về không gian, thời gian, có cảm giác thực mà hư, hư mà thực. Ở đó tiềm ẩn những cuộc tranh đấu, sự cô đơn và ước muốn về một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Cùng với những họa sĩ có tên tuổi trong giới mỹ thuật, các họa sĩ trẻ ở Đồng Nai cũng vẽ nhiều tranh về chân dung phụ nữ đa sắc màu và đa ý niệm hơn. Họ đã thoát khỏi những mô típ cũ, không ngại thể hiện những góc nhìn mới về người phụ nữ trong cuộc sống hôm nay.

Trong mỗi tác phẩm, họa sĩ trẻ Lê Vân luôn lấy cảm hứng từ cuộc sống đời thường, những công việc lao động quen thuộc để bộc lộ nhiều trăn trở về cuộc sống. Chị cho rằng, vẽ tranh về đề tài gì cũng đều cần sự khám phá không mệt mỏi, vẽ về phụ nữ  cũng như thế. Các tác phẩm về phụ nữ hôm nay vẫn đẹp như thuở xưa, chỉ khác là các họa sĩ đã mang theo hơi thở đương đại, thể hiện nhiều góc, nhiều chiều và nhiều khía cạnh.

Mỗi họa sĩ đều có phong cách, trường phái và sự thể hiện khác nhau. Điều này phụ thuộc khá nhiều vào thời đại, nhân sinh quan, sự cảm nhận, thấu hiểu và cả tài năng của người nghệ sĩ. Dưới bàn tay và khối óc tài hoa của mình, các họa sĩ, nghệ sĩ ở Đồng Nai đã, đang và sẽ tiếp tục sáng tạo thêm nhiều tác phẩm mới về phụ nữ, chờ đợi người xem thưởng thức, chạm đến và cảm nhận bằng trái tim mình.         

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật