Tháp Pôklông Garai, Pô Rô Me và Hòa Lai là 3 tháp Chăm nổi tiếng ở vùng đất Ninh Thuận.
Tháp Pô Klông Garai
Tháp Pô Klông Garai là một quần thể gồm 3 ngôi tháp: Tháp chính thờ tượng vua Pô Klông Garai, tháp cổng ở phía Đông và tháp Thần Lửa chếch phía Nam có mái hình thuyền. Quần thể tháp được bao quanh bởi một khung tường thành vuông góc ở 2 mặt Đông và Nam.
Đây là một công trình có giá trị nghệ thuật kiến trúc xây dựng và điêu khắc các phù điêu như Thần Siva, tượng Bò Thần Nandin, tượng vua... đạt mức hoàn mỹ. Chính vì thế công trình đã được xếp hạng là Di tích Lịch sử Văn hóa Quốc gia vào năm 1979.
Tháp Pô Klông Garai là một quần thể gồm 3 ngôi tháp.
Tháp chính cao hơn 20m, nhiều tầng, đỉnh là một trụ đá nhọn, biểu tượng là một Linga. Ở các góc tháp lên dần đều là các ụ vuông nhỏ, các góc có gắn tượng thú bằng đá và các hình ngọn lửa bằng gạch nung. Tháp gồm một cửa chính ra vào ở hướng Đông, trên cửa là mái vòm, có 2 trụ đá lớn đỡ, mặt trụ đá khắc chữ Chăm cổ, bên trên cửa có phù điêu thần Siva múa, có 6 tay; ba cửa còn lại ở 3 hướng Nam, Bắc, Tây là cửa giả, trụ ốp gạch lồi, lõm vào trong, trên mỗi cửa giả có một tượng thần tư thế thiền.
Từ cửa vào, bên trái có một tượng bò thần Nandin bằng đá, đầu hướng vào trong tháp. Vào trong tháp, có một yonּi cạnh dài 1m47, cạnh ngang 0,94m, trên yonּi là một Linga tròn, phía trên trụ Linga có chạm khắc chân dung vua Pô Klông Garai. Phía ngoài có một sảnh nối sân để cúng tế bằng một tầng cấp.
Thẳng về phía Đông là tháp cổng, cao gần 9m, có 2 cửa thông nhau theo hướng Đông - Tây nên gọi là tháp cổng. Tháp cũng được xây theo nguyên tắc lên dần thu nhỏ.
Phía Nam giữa hai tháp trên là tháp thờ Thần Lửa, cao hơn 9m. Tháp có 3 cửa thông nhau 3 hướng Đông, Bắc và Nam, riêng phía Nam là cửa sổ. Chức năng của tháp là để các tu sĩ Bàlamôn, các thầy cúng bày các vật tế lễ và giữ ngọn lửa tế. Điều đặc biệt là cấu trúc tháp xây mái theo kiểu hình mái nhà (hình giống mái nhà rông ở Tây Nguyên hoặc mái nhà hình thuyền như mặt trên trống đồng).
Công trình đã được xếp hạng là Di tích Lịch sử Văn hóa Quốc gia vào năm 1979..
Ở phía sau tháp chính có 1 miếu thờ tượng Kút hoàng hậu, trong sử ghi tên là Tố Lý. Ở ngoài vòng thành phía Nam quần thể tháp có 1 trụ đá (Linga) cao 2,2m.
Tháp Po Rome
Tháp Po Rome hay còn gọi là tháp Hậu Sanh tọa lạc tại làng Hậu Sanh, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Hiện nay tháp vẫn được người Chăm thường xuyên làm lễ cầu khấn vào các ngày lễ, tết của mình.
Tháp Po Rome hay còn gọi là tháp Hậu Sanh.
Tháp Po Rome được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ 16, được xem như một biểu tượng cho thời kỳ vàng son rực rỡ, ghi dấu về cuộc đời và sự nghiệp của vị vua Chăm Pa độc lập cuối cùng – vua Po Rome. Năm 1992, tháp Po Rome được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia.
Tổng thể kiến trúc tháp Po Rome tương tự phong cách kiến trúc tháp Po Klong Garai, xây dựng theo phong cách “Muộn” – lối phong cách điển hình kiến trúc của Chăm Pa từ sau thế kỷ XIII. Công trình này có rất ít đường nét hoa văn, phù điêu cũng như trang trí chạm khắc so với các cụm tháp Chăm khác. Về tổng thể công trình này bao gồm tháp chính, tháp phụ, một cái miếu.
Tháp chính là một tháp vuông ba tầng, cao khoảng 8m, cạnh đáy rộng gần 8m. Đỉnh nóc là một tảng đá lớn hình tháp, cong bốn mặt, được trang trí bằng những nét khắc vạch. Mặt chính quay về hướng Đông, cấu trúc cổng dạng tiền sảnh, bên trong thân tháp có tượng vua Po Rome được thờ cúng cao khoảng 1,2m.
Ngoài tượng vua, còn có một tượng bán thân nữ mà người Chăm gọi là tượng hoàng hậu Po Bia Sancan người Êđê cao khoảng 0,75m. Nội thất của tháp hẹp và kéo dài theo chiều Đông – Tây, được mở ra một đoạn hành lang nhỏ ở tiền sảnh có trần được lát bằng gỗ.
Tháp Hòa Lai
Trong số những công trình tiêu biển ở Ninh Thuận không thể không kể đến tháp Hòa Lai. Ngôi tháp cổ được cho là một trong những công trình lâu đời nhất của người Chăm còn tồn tại.
Tháp Hòa Lai nằm ven Quốc lộ 1A, thuộc địa phận thôn Ba Tháp, xã Bắc Phong, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận. Tháp được xây dựng vào khoảng thế kỷ 6 đến thế kỷ 9, có kiến trúc nghệ thuật độc đáo của Vương quốc Chăm Pa vùng Panduranga xưa. Tháp Hòa Lai đã được công nhận là Di tích Lịch sử Quốc gia năm 1997.
Tháp Hòa Lai nằm ven Quốc lộ 1A.
Đến với tháp Hòa Lai, bạn sẽ được tận mắt ngắm nhìn nghệ thuật xây dựng và điêu khắc cực kỳ tinh tế của dân tộc Chăm Pa. Ngôi tháp vốn là một tổng thể kiến trúc bao gồm tháp Bắc, tháp giữa và tháp Nam. Hiện nay, ngọn tháp trung tâm chỉ còn lại phần nền do bị phá vỡ nghiêm trọng vào thế kỉ 9. Nơi đây được biết đến là khu di tích cổ có khá nhiều công trình phụ bao quanh tháp nhưng theo thời gian chỉ còn một ít vết tích lưu lại như tường thành, lò gạch…
Nét đặc sắc của cụm tháp Hòa Lai chính là phong cách trang trí hết sức tinh xảo với những đường nét hoa văn bên ngoài mặt tháp chỉ giới hạn ở vòm cửa, các trụ ốp và bộ diềm mái. Mỗi công trình tháp mang trong mình một nét đẹp riêng nhưng lại được xây dựng vô cùng hòa hợp với nhau.
Nét đặc sắc của cụm tháp Hòa Lai chính là phong cách trang trí hết sức tinh xảo với những đường nét hoa văn bên ngoài mặt tháp.
Tháp Bắc được xây bằng gạch, trên tường chạm trổ hoa văn hình mặt chim, thú, lá, hoa… rất ấn tượng. Ở hướng Đông của tháp Bắc chỉ có duy nhất một cửa vào, ba hướng còn lại đều là cửa giả. Bên trong tháp có sẵn các ô hình tam giác để gắn đèn lên mỗi khi cúng tế.
Tháp Nam là ngọn cao nhất, cũng được xây bằng gạch và chạm khắc hoa văn trên tường nhưng chưa hoàn thiện. Toàn bộ thân tháp trông như một khối lập phương đồ sộ nhô lên từ một bệ vuông và nâng đỡ cả một hệ thống các tầng nhỏ hơn.
Trải qua hơn 1.000 năm cùng biết bao thăng trầm lịch sử, vẻ đẹp của tháp Hòa Lai vẫn trường tồn theo năm tháng và giữ nguyên những giá trị nghệ thuật đặc sắc trong lối kiến trúc và điêu khắc của người Chăm xưa.