Thông tin với Báo vào những ngày cuối tháng 8/2024, lãnh đạo Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) cho biết, qua công tác kiểm tra và rà soát tiến độ của các đơn vị có liên quan cho thấy, tính đến ngày 20/8/2024 mặt bằng thi công tại 12 dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2021- 2025 đang triển khai được các địa phương bàn giao 99,8%. “So với tiến độ Chính phủ yêu cầu, công tác này đang bị một số địa phương thực hiện chậm. Điển hình như tại tỉnh Hà Tĩnh vẫn còn 11/14 vị trí; Quảng Trị còn 02/03 vị trí; Bình Định còn 06/61 vị trí; Phú Yên còn 73/82 vị trí; Khánh Hòa còn 17/20 vị trí; Hậu Giang còn 05/07 vị trí... Các vị trí mặt bằng bị chậm di dời, giải phóng chủ yếu là đường điện cao thế”, lãnh đạo Cục Quản lý đầu tư xây dựng nói.
Tuy nhiên, đánh giá về công tác thi công tại hiện trường và tiến độ các dự án, lãnh đạo Cục Quản lý đầu tư xây dựng cho rằng, trên cơ sở tổng hợp báo cáo của các Ban Quản lý dự án (QLDA - đại diện chủ đầu tư) về tiến độ và khối lượng thi công, thì tính đến thời điểm 20/8, có 6 dự án thành phần hoàn thành tuyến chính đúng dịp 30/4/2025. 6 dự án này bao gồm: Vân Phong - Nha Trang, Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng, Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh, Vạn Ninh - Cam Lộ.
Đề cập đến sản lượng thực hiện cụ thể tại các dự án trên, lãnh đạo Cục Quản lý đầu tư xây dựng cho biết, sản lượng thực hiện đến nay là khoảng 47.208 tỷ đồng - đạt 48,9% giá trị hợp đồng. Trong đó, một số dự án triển khai đáp ứng tiến độ yêu cầu và có sản lượng thực hiện cao đạt trên 52% (sản lượng chung 12 dự án) so với giá trị hợp đồng gồm: Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng, Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh, Vạn Ninh - Cam Lộ, Chí Thạnh - Vân Phong, Vân Phong - Nha Trang; riêng hai dự án Vũng Áng - Bùng đạt 62,8%, dự án Vân Phong - Nha Trang đạt 67% giá trị hợp đồng.
Do tiến độ thi công nhanh, nhiều đoạn dự án Bùng - Vạn Ninh đã trồng cỏ hoàn thiện cả mái đường
Giảm áp lực cho QL1A, cụ thể hóa 3.000 km vào năm 2025
Dọc các tỉnh miền Trung bắt đầu từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị, hiện có 5 dự án thành phần đang thi công trình điều kiện rất khó khăn, trong đó có thời tiết nắng nóng và mưa nhiều. Tuy nhiên đến nay cả 5 dự án gồm Bãi Vọt- Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng, Vũng Áng - Bùng, Bùng- Vạn Ninh, Vạn Ninh - Cam Lộ đều có khối lượng thi công vượt trên mức trung bình (52%) của cả 12 dự án cao tốc đang thi công.
Tại dự án cao tốc Vũ Áng - Bùng và Bùng - Vạn Ninh với tổng chiều dài hơn 104 km, đi qua các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị là hai trong số “top 6” dự án có tiến độ tốt nhất, được các Sở GTVT tại các tỉnh này đánh giá, việc thi công và hoàn thành sớm hai dự án cao tốc sẽ giúp địa phương - nơi dự án đi qua giảm quá tải về mật độ xe trên QL1A, cùng với đó mở rộng không gian phát triển kinh tế - xã hội cho cả 3 tỉnh.
Còn Cục Quản lý đầu tư xây dựng cho rằng Đánh giá về công tác thi công tại dự án cao tốc Vũng Áng - Bùng và Bùng - Vạn Ninh, Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) cho rằng, cả hai dự án được khởi công tháng 1/2023, chỉ sau hơn 1 năm thi công đến giữa tháng 8 khối lượng xây lắp đều đạt và vượt so với kế hoạch. Điều này ngoài giúp cho cao tốc Bắc Nam đoạn qua các tỉnh miền Trung sớm thông tuyến, còn giúp Chính phủ, Bộ GTVT cụ thể hóa Nghị quyết của Quốc hội là đến năm 2025 cả nước có 3.000 km cao tốc.
Trao đổi với PV Báo , lãnh đạo Ban Quản lý dự án 6 (Ban 6 - Bộ GTVT) cho biết, với nguồn nguyên vật liệu đã chuẩn bị sẵn và mặt bằng được giải phóng xong cơ bản, nếu thời tiết ủng hộ như hiện nay thì chỉ trong 1 đến 2 tháng nữa là hai dự án sẽ hoàn thành việc thi công trên tuyến chính. Tiếp đến, hai dự án chuyển sang làm các công việc đảm bảo an toàn giao thông, hoàn thiện hạ tầng như lối lên xuống, kết nối tại các nút giao, ốp mái taluy, trồng cỏ, lắp đặt các thiết bị bờ lan can, dải phân cách giữa, cột biển báo, đèn chiếu sáng…
Với tiến độ dự án, lãnh đạo Ban 6 cho hay, Ban đang cùng với các nhà thầu quyết tâm thông xe tuyến chính cả hai dự án vào dịp 30/4/2025 (vượt tiến độ 6 tháng - PV).
Công nhân tranh thủ thi công cả đêm để đẩy nhanh tiến độ dự án
Để đạt được kết quả Bộ GTVT đánh giá là dự án thi công nhanh (lọt top các dự án có tiến độ tốt nhất) và giúp cả hai dự án có kế hoạch thông xe sớm so với kế hoạch, lãnh đạo Ban 6 chia sẻ, từ việc khảo sát kỹ địa hình thi công và thực tiễn kinh nghiệm các triển khai các dự án cao tốc Quốc gia trước đây như ở Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt… giải pháp được Ban 6 đúc rút ra là Ban Giám đốc và người được giao nhiệm vụ tại Ban 6 phải sát sao công việc, lập trình giải pháp thi công khoa học ngay từ đầu. Với bước khảo sát, thiết kế phải có phương án hướng tuyến cụ thể, phù hợp; với nguồn vật liệu phải xác định được các mỏ/nguồn vật liệu khả thi, đáp ứng đủ theo sản lượng yêu cầu, thậm chí huy động ngay về công trường khi có thể; giám sát, kiểm soát chặt chẽ nguồn kinh phí tạm ứng cho các nhà thầu.
Cụ thể, với hai dự án Vũng Áng - Bùng và Bùng - Vạn Ninh, vật liệu đất đắp được chủ đầu tư có phương án huy động ngay từ ban đầu, thậm chí huy động tại chỗ nên khi công trình thi công tổng thể, cần số lượng lớn trên tất cả gói thầu công trường hai dự án đã không gặp khó khăn về đất đắp. Với nguồn kinh phí tạm ứng của cho các nhà thầu, chủ đầu tư không chỉ ký xác nhận việc giải ngân, mà sau đó cũng phải theo dõi quá trình “thanh khoản” nguồn tiền này. Mục đích để làm sao nguồn tiền của dự án được sử dụng đúng việc, đúng mục đích, tránh việc khi dự án/công trường cần thì nguồn chi cho vật liệu, nhân công, máy móc bị chậm, bị thiếu… “Sở dĩ Ban 6 chia sẻ được các thông tin này là tại hai dự án trên thời gian qua, Ban cũng phải họp với nhà thầu, thậm chí cả ngân hàng một số lần để điều chỉnh và gần như gỡ để nguồn vốn dự chi đúng thời điểm” - lãnh đạo Ban 6 chia sẻ.