Iran găm nhiều vũ khí chủ lực sẵn sàng tung ra nếu căng thẳng leo thang

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Cuộc tấn công bằng loạt 300 tên lửa và UAV của Iran vào Israel cuối tuần qua mới chỉ là ’đòn cảnh cáo’ đầu tiên nếu so với những gì mà Iran còn ém kỹ cho những lần tấn công tiếp the
Iran găm nhiều vũ khí chủ lực sẵn sàng tung ra nếu căng thẳng leo thang
Máy bay không người lái (UAV) cảm tử Shahed của Iran (Ảnh: Sutter Stock).

Chọc thủng hệ thống phòng vệ của Israel bằng vũ khí cũ

Hãng tin Tasnim cho biết, trong cuộc không kích rầm rộ nhằm vào Israel đêm 13/4 thuộc khuôn khổ Chiến dịch True Promise (Lời hứa Thực sự), Iran mới chỉ tung ra các loại vũ khí cũ cùng một số loại tên lửa được nâng cấp đầu đạn.

Nhưng Iran đã vạch rõ bản đồ phòng vệ của Israel gồm các cơ sở quân sự và tình báo mà Tel Aviv và các đồng minh thường tuyên bố là không thể chọc thủng dù Iran đã báo trước thông tin về vụ tấn công này tới 72h.

Cụ thể, IRGC đã nắm được thông tin về những điểm mạnh nhất của hệ thống phòng không và tên lửa của Israel bao gồm cả những hệ thống do các đồng minh là Mỹ, Anh, Pháp và Jordan giăng ra thông qua quá trình thử nghiệm tấn công chiến thuật bằng hàng loạt làn sóng không kích dồn dập sử dụng các loại vũ khí tối tân.

Vụ tấn công của Iran đêm 13/4 mở đầu bằng loạt không kích sử dụng UAV cảm tử Shahed-136 có khả năng phóng đến mục tiêu với vận tốc khoảng 185km/h. Loại vũ khí này được đánh giá là có tiếng ồn lớn và rất dễ bị phát hiện bởi hệ thống động cơ turbin cánh quạt đơn giản.

Tuy nhiên, mục đích chính của làn sóng tấn công đầu tiên này chỉ là nhằm phân tán sự chú ý của Israel và đồng minh buộc họ phải dành thời gian tìm kiếm và đánh chặn Shahed-136 trong đêm khiến cho họ không còn thời gian tấn công phản kích Iran.

Iran còn sở hữu loại UAV cảm tử Shahed-238 - phiên bản động cơ phản lực nâng cấp từ Shahed-136 – với tính năng nổi bật là tốc độ bay cực nhanh lên đến 500km/h (một số nguồn thậm chí còn ước tính lên đến 800km/h) và được phủ một lớp hấp thụ tín hiệu radar giúp Shadhed-238 dễ dàng tiếp cận mục tiêu mà không bị mạng lưới tên lửa và phòng không đối phương phát hiện và đánh chặn.

Sau làn sóng UAV cảm tử phủ đầu, Iran đã tiến hành ngay làn sóng tấn công thứ hai bằng việc kích hoạt tên lửa hành trình tầm xa đất đối đất thông minh Paveh với khả năng thay đổi lộ trình tấn công mục tiêu giữa hành trình bay.

Một quả tên lửa Iran phóng đi trong cuộc tập trận đầu năm 2024 (Ảnh: AP)

Paveh có thể được phóng từ bệ phóng di động và được trang bị động cơ phản lực có tầm bắn lên đến 1.000km (một số nguồn khác là 1.650km) với vận tốc hành trình vào khoảng từ 700-900km.

Ngoài ra, tên lửa hành trình Paveh còn khả năng liên lạc với các tên lửa khác. Tính năng được đánh giá là vô cùng thông minh này của Paveh đặc biệt có hiệu quả trong trường hợp cần một hay nhiều tên lửa thu hút phòng không đối phương để một hoặc nhiều quả tên lửa khác lao vào tiêu diệt mục tiêu. Iran có sử dụng một số tên lửa Paveh trong cuộc không kích Israel hồi cuối tuần qua.

Nắm trong tay hàng loạt tên lửa tối tân nhất

Trong làn sóng tấn công thứ 3 đêm 13/4, Iran đã triển khai các loại tên lửa đạn đạo có thể đánh vào không phận Israel chỉ sau vài phút. Tuy nhiên, theo hãng tin Tasnim, IRGC đã giấu đi "những con bài" quan trọng nhất bao gồm các loại tên lửa tối tân như Sejjil, Khorramshahr, Kheibar Shekan 2 hay loạt tên lửa siêu thanh mới Fatah.

Thay vào đó, nước Cộng hòa Hồi giáo lựa chọn sử dụng các loại tên lửa tấn công có tầm bắn và hỏa lực "đủ dùng" như Dezful, Qiam-2, Rezvan, Kheibar Shekan 1, Emad và Qadr. Đây là các loại tên lửa có tầm bắn từ 1.000-1.950km và chỉ có Dezful và Kheibar Shekan được trang bị động cơ nhiên liệu đẩy lỏng.

Hệ thống Vòm Sắt của Israel được đánh giá là khó lòng chống đỡ các loại tên lửa hiện đại mà Iran còn ém trong kho vũ khí (Ảnh: AP).

Cũng theo Tasnim, do khoảng cách giữa Iran và Israel là không quá xa, quân đội Israel và các đồng minh sẽ không thể đánh chặn tên lửa Iran trong quá trình tăng tốc hoặc trong giai đoạn giữa hành trình bay đến mục tiêu dù có sử dụng hệ thống lá chắn tên lửa phức tạp đi chăng nữa.

Trong số các hệ thống phòng thủ tên lửa của Israel và các đồng minh, chỉ có Aegis được cho là có thể đánh chặn tên lửa Israel ngoài không gian với điều kiện phải nhận được đầy đủ dữ liệu từ radar. Những hệ thống phòng không khác như Patriot, THAAD, Arrow-2 và 3, David’s Sling và Vòm Sắt không đủ khả năng đánh chặn tên lửa từ xa.

Bên cạnh đó, Tasnim dẫn nhận định từ giới quân sự độc lập cho thấy, những quả tên lửa đạn đạo mà Iran sử dụng trong cuộc không kích Israel "chứa đầu đạn phân mảnh siêu nhỏ" khiến cho hệ thống phòng không Israel và Mỹ càng thêm khó khăn khi muốn đánh chặn.

"Trong nhiều video được công bố, khi tên lửa bốc cháy hoặc bị bắn hạ dường như những mảnh đầu đạn lóe sáng, bắn tung theo nhiều hướng khác nhau. Những đầu đạn bị phân mảnh này có chức năng thu hút thiết bị tầm nhiệt của tên lửa phòng không hoặc hệ thống tầm nhiệt dưới mặt đất" buộc phía phòng thủ phải kích hoạt lượng lớn tên lửa phòng không và mất đi khả năng phòng thủ cần thiết, hãng tin Tasnim cho biết.

Ngoài ra, trong quá trình quan sát hình ảnh trước khi những đầu đạn bị phân mảnh, bao gồm giai đoạn tên lửa tăng tốc và đổi hướng khi lao vào mục tiêu, các chuyên gia quân sự nhận thấy Iran có sử dụng một số phương thức đẩy nhanh tốc độ của tên lửa.

Với những phân tích nêu trên, Tasnim kết luận, Israel sẽ "cần vài tháng thậm chí là vài năm để nâng cấp năng lực phòng thủ tên lửa. Iran vẫn chưa lộ hết những "lá bài tẩy" như tên lửa Kheibar Shekan 2, Fattah 1, Fattah 2 và Khorramshahr 4 trong khi vẫn đang nhanh chóng cải tiến năng lực tấn công bằng cách tối ưu hóa đầu đạn.

Hãng tin Tasnim cũng cảnh báo nếu tình hình Trung Đông tiếp tục leo thang căng thẳng, Iran hoàn toàn có thể sử dụng chiến thuật đêm 13/4 nhưng thậm chí với quy mô lớn hơn nhiều. Lần này Iran sẽ phóng một loạt tên lửa lỗi thời để gây rối loạn hệ thống phòng không Israel trước khi tung các loại tên lửa tối tân vào hủy diệt mục tiêu khiến Israel không thể phòng thủ.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật