Có lẽ nhiều chị em cũng như tôi, chẳng mong được gả vào hào môn, kiếm được người giàu nứt đố đổ vách đâu, chỉ mong chồng luôn là chỗ tựa vững chắc cho mình, bố mẹ chồng yêu thương dâu con thế là đủ rồi. Còn kinh tế không có thì hai vợ chồng cùng nhau cố gắng, tôi tin rằng chỉ cần thuận vợ thuận chồng tát biển đông cũng cạn.
Chính vì có suy nghĩ như vậy mà khi được bao nhiêu chàng trai tán tỉnh, nhà giàu có, nhà tầm trung cũng có, tôi lại chọn Khánh – một chàng trai ở vùng quê nghèo khó lên thành phố. Sở dĩ tôi chọn anh vì thấy anh thật thà, có chí hướng, hiếu thảo, yêu chiều tôi hết mực.
Anh không bao giờ tính toán với tôi. Nhớ có lần bị mất máy tính, anh không nói nhiều đã lấy tiền của mình đưa tôi đi mua cái mới luôn dù anh chẳng có được mấy đồng tiết kiệm. Chính hành động đó đã khiến tôi quyết định lấy anh làm chồng.
Nhưng cưới rồi tôi mới vỡ mộng. Anh vẫn yêu chiều vợ, việc nhà chẳng ngại gì nhưng lại nghiện cờ bạc. Anh giấu quá kỹ, tôi sẽ chẳng thể nào phát hiện ra nếu như anh không mắc nợ và về nhà xin tiền trả nợ, bởi sau cưới tôi là người quản tiền trong nhà.
Số nợ lên tới 100 triệu, lãi mẹ đẻ lãi con, không xoay đâu ra tiền nên khi đó anh mới chịu khai. Khỏi phải nói, khi đó tôi đã sốc thế nào. Khi ấy, tôi đã phải vét cạn tiền tiết kiệm của hai đứa để trả nợ cho chồng, đồng thời cảnh cáo anh không được cờ bạc nữa.
Không ngờ anh coi lời tôi nói như gió thoảng qua tai. Sau nửa năm chồng lại về báo nợ 90 triệu nữa. Đợt đó nhiều người khuyên tôi ly hôn lắm. Họ bảo bỏ chồng đi cho nhẹ nợ, chứ cờ bạc là ngấm vào máu rồi, không bỏ được đâu. Cứ “cố đấm ăn xôi” thì mai mốt chồng tôi lại rước nợ về nhà nữa thôi.
Nói thật, lúc đó tôi chỉ muốn bỏ quách chồng đi cho nhẹ gánh. Người ta lấy chồng là để có chỗ tựa, vợ chồng động viên cố gắng làm ăn để có cuộc sống tốt hơn, đằng này tôi lại rước thêm cục nợ vào người.
Nhưng thấy Khánh quỳ xin, hứa lần này sẽ bỏ hẳn cờ bạc tôi lại mủi lòng. Hơn nữa lúc đó nhà tôi đang có chuyện không vui, không muốn bố mẹ thêm buồn phiền nên tôi tính đợi vài tháng nữa mới ly hôn. Tuy nhiên sau chuyến về thăm nhà vợ, tôi đã gạt đi ý định ấy.
Hôm đó về quê, thấy bố mẹ vợ vẫn dùng cái TV cũ, bấm lúc lên lúc không, chồng tôi liền bảo:
- Em lấy lương tháng này của hai vợ chồng mua cho bố mẹ cái TV mới đi. Ông bà có mỗi cái TV để giải khuây mà nó hỏng lên hỏng xuống thế này coi sao được. Em mua cái tầm 10-15 triệu ấy, đừng ham rẻ kẻo được vài bữa lại hỏng phải vác đi sửa.
Nghe chồng nói mà tôi sững sờ. Lương hai vợ chồng 18 triệu, lại còn đống nợ anh mang về, vậy mà giờ anh lại mở miệng nói mua TV cho bố mẹ vợ thản nhiên như không.
Nghe chồng bảo mua TV cho bố mẹ vợ mà tôi vừa tức vừa mừng. (Ảnh minh họa)
Tôi bực vì chồng không biết tính toán, nhưng cũng mừng vì anh biết lo nghĩ, quan tâm tới bố mẹ vợ. Sau cùng, tôi vẫn nghe theo lời chồng cắn răng mua cho bố mẹ chiếc TV mới.
Còn về chuyện Khánh nợ nần, tôi cố giấu nhưng chung quy giấy không gói được lửa, chuyện vẫn đến tai bố mẹ tôi. Ông bà cũng sốc lắm. Hôm đó gọi hai đứa về nhà nói chuyện.
Trước mặt bố mẹ, Khánh hứa từ nay sẽ không dám cờ bạc nữa. Anh còn nói khi nào tôi có đủ sự tin tưởng dành cho anh hoặc trả hết nợ thì mới tính đến chuyện sinh con để tôi đỡ bị áp lực.
Thấy chồng vẫn thương vợ, biết quan tâm đến bố mẹ vợ, cộng thêm sự khuyên nhủ của bố mẹ tôi cũng xuôi, quyết định đánh cược thêm một ván nữa xem sao. Cũng may lần này tôi đã cược thắng.
Từ chuyện đó đến nay đã 5 năm trôi qua rồi. Chồng tôi giờ đây đã tu chí làm ăn, không còn rượu chè cờ bạc như trước nữa. Không những khoản nợ kia đã được trả hết mà vợ chồng tôi còn có nhà, có xe đàng hoàng cùng một đứa con đáng yêu.
Nhìn lại chặng đường đã qua, tôi thấy mình thật may mắn, bởi có phải ai dính vào cờ bạc, lô đề cũng biết quay đầu như chồng tôi đâu. Không biết chặng đường sau này như thế nào, có xảy ra sóng gió gì nữa không nhưng mưa ngày nào mát mặt ngày đó vậy.