Theo NASA, ngày 8/1/2014, một thiên thạch tên IM1 đã thắp sáng bầu trời gần đảo Manus, ngoài khơi bờ biển Papua New Guinea.
Thời điểm đó, các nhà khoa học nghĩ rằng thiên thạch này có thể để lại các mảnh vụn giữa vùng biển Nam Thái Bình Dương. Nếu thu thập được chúng có thể tiết lộ thêm về nguồn gốc của vật thể đá này.
Vì vậy, mùa hè năm ngoái nhà vật lý thiên văn kiêm thợ săn người ngoài hành tinh Avi Loeb cùng các đồng nghiệp thực hiện chuyến thám hiểm để tìm kiếm vết tích từ thiên thạch.
Avi Loeb tìm thấy những quả cầu kim loại. Ông cho rằng chúng là tàn tích của thiên thạch liên sao và chứa dấu hiệu của công nghệ ngoài hành tinh.
Loeb mô tả các đặc tính dị thường khác nhau của các quả cầu kim loại, tập trung vào 5 quả cầu đặc biệt chứa 3 chất như berili, lanthanum và uranium tỷ lệ cao chất. Ông cũng gọi 5 quả cầu này là "quả cầu BeLaU".
Kể từ đó, ông và những người khác suy đoán rằng, những quả cầu kỳ lạ này có thể là bằng chứng của công nghệ ngoài hành tinh.
Tuy nhiên, tuyên bố này vấp phải sự chỉ trích, phản đối từ cộng đồng khoa học. Họ cho rằng nó thiếu bằng chứng thuyết phục.
Giờ đây, một nghiên cứu mới đã khẳng định, các quả cầu này thực chất là sản phẩm thải từ quá trình đốt than công nghiệp trên Trái đất.
Tác giả chính của nghiên cứu, Patricio A. Gallardo, nhà vật lý tại Đại học Chicago, cho biết các quả cầu này là sản phẩm ô nhiễm từ các nguồn trên mặt đất. Ông khẳng định có sự thống nhất giữa ba nguyên tố berili, lanthanum, uranium cùng chất niken sinh ra trong tro than từ quá trình đốt than công nghiệp.
Patricio A. Gallardo nói: “Việc phân tích thành phần hóa học cho thấy tính nhất quán của chất thải tro than từ quá trình đốt than trong các nhà máy điện và động cơ hơi nước”.
Ông cũng so sánh phát hiện này với cuộc thám hiểm hải quân ở Vịnh Mexico năm 1976. Tại đây các chuyên gia tìm thấy các quả cầu từ tính số lượng lớn từ các nguồn nhân tạo trong nước biển.