Bao giờ hết “khát” vắc-xin tiêm chủng mở rộng?

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đó vẫn là câu hỏi mà các ông bố, bà mẹ có con nhỏ đang trong độ tuổi tiêm chủng mở rộng gửi đến ngành Y tế và đòi hỏi cơ quan này cần có biện pháp cụ thể hơn.
Bao giờ hết “khát” vắc-xin tiêm chủng mở rộng?
Ảnh minh họa.

Nguy cơ "dịch chồng dịch" xuất hiện

Các chuyên gia y tế lo ngại, việc thiếu vắc-xin kéo dài khiến cho các loại dịch bệnh truyền nhiễm có nguy cơ quay trở lại trong thời gian tới.

Việc thiếu vắc-xin kéo dài khiến cho các loại dịch bệnh truyền nhiễm có nguy cơ quay trở lại trong thời gian tới.

Ở Nghệ An thời điểm hiện tại, có 2/13 vắc-xin tiêm phòng cho trẻ đang bị thiếu. Đó là vắc xin “5 trong 1” và vắc xin DPT. Cụ thể, vắc-xin “5 trong 1” hết từ tháng 2/2023 và vắc xin DPT hết từ tháng 4/2023.

Thực hiện Chương trình tiêm chủng mở rộng, mỗi trẻ ở Nghệ An sau khi sinh sẽ được tiêm phòng miễn phí 3 mũi vắc-xin 5 in 1 ở các tháng thứ 2, thứ 3, thứ 4.

Khi trẻ 18 tháng tuổi sẽ được tiêm nhắc lại bằng vắc-xin DPT. Cả 2 loại vắc-xin này nhằm ngăn ngừa trẻ mắc 5 loại bệnh hết sức nguy hiểm là bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi và viêm màng não do vi khuẩn Hib.

Tuy nhiên, thời điểm này, việc tiêm 2 loại vắc-xin nói trên cho trẻ ở Nghệ An đang bị ngừng lại do sự gián đoạn cung ứng vắc-xin. Trung ương không có vắc-xin để cung ứng cho tỉnh Nghệ An nói riêng và các tỉnh, thành khác trong cả nước nói chung.

Việc gián đoạn cung ứng vắc-xin này trước mắt sẽ gây ảnh hưởng đến tỷ lệ tiêm chủng ở Nghệ An. Những đứa trẻ sau khi sinh nếu không được tiêm rất dễ mắc các bệnh nói trên. Và nếu tình trạng gián đoạn kéo dài sẽ có nhiều nguy cơ xuất hiện các ca bệnh và bùng phát thành dịch.

Tại Thanh Hóa, việc thiếu vắc-xin 5 trong 1 xảy ra từ cuối năm 2022 và từ tháng 2/2023, không còn vắc-xin này. Đối với vắc-xin 3 trong 1 thì bị gián đoạn cung ứng từ tháng 3/2023 đến nay.

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa, toàn tỉnh đang thiếu hơn 81.000 liều vắc-xin DPT-VGB-Hib (5 trong 1) và hơn 64.000 liều vắc-xin DPT (3 trong 1) phòng bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván để tiêm cho trẻ.

Đaij diện Trung tâm Y tế TP. Sầm Sơn (tỉnh Thanh Hóa), không có vắc-xin khiến việc tiêm chủng không đạt yêu cầu, ảnh hưởng đến tỷ lệ bao phủ vắc-xin, không đảm bảo miễn dịch phòng bệnh cho trẻ, nguy cơ dịch bệnh bùng phát.

TP.HCM là một trong những địa phương bị ảnh hưởng bởi việc gián đoạn cung ứng vắc-xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng do số lượng trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng rất lớn.

Theo Sở Y tế TP. HCM, việc thiếu vắc-xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng bắt đầu diễn ra từ tháng 5/2022 và kéo dài cho đến nay.

Dù đã nhiều lần gửi văn bản kiến nghị Bộ Y tế, nhưng số lượng vắc-xin cung ứng không đủ đáp ứng nhu cầu tiêm chủng cho trẻ nhỏ trên địa bàn.

Theo dự trù của Sở Y tế, từ nay đến tháng 6/2024, TP.HCM cần khoảng 1.553.000 liều vắc-xin các loại trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.

Tỷ lệ tiêm vét của khu vực phía Nam cũng rất thấp, năm 2022 chỉ có 16/20 tỉnh thực hiện tiêm vét cho năm 2021 với 338.026 mũi.

Quý I năm 2023, chỉ có 18 tỉnh, thành phố tiêm vét cho năm 2022 với 123.498 mũi tiêm. Con số này rất thấp so với số trẻ cần tiêm vét và không làm thay đổi đáng kể tỉ lệ tiêm chủng ở khu vực miền Nam.

Đại diện Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia nhận định, thực trạng nêu trên khiến cho Việt Nam có nguy cơ xảy ra các dịch bệnh truyền nhiễm trên phạm vi lớn. Đơn cử, Tổ chức Y tế Thế giới đã xếp nguy cơ bại liệt quay trở lại Việt Nam từ mức thấp nhất lên mức trung bình cao.

Việc thiếu vắc-xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ không phải vì thiếu kinh phí mà do cơ chế chính sách của ta chưa phù hợp, do thay đổi cách làm dẫn đến lúng túng từ nhiều phía.

Và hệ quả là đã có rất nhiều trẻ em phải trì hoãn việc tiêm chủng hoặc chuyển sang tiêm chủng dịch vụ với chi phí đắt đỏ. Đây là điều vô cùng đáng tiếc bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của trẻ em - thế hệ tương lai của đất nước.

Bộ Y tế không "đùn đẩy" trách nhiệm"?

Nói về việc “khát” vắc-xin tại các địa phương, GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, thiếu vắc-xin 3 trong 1 DPT chủ yếu là trẻ đến lịch tiêm mũi 4.

Còn thiếu vắc-xin 5 trong 1, các bệnh tác động nhất là viêm gan B, ho gà và bạch hầu. Tuy nhiên, Việt Nam là nước có tỷ lệ tiêm vắc-xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh cao.

Đối với bạch hầu và ho gà, năm 2022 đã tiêm vắc-xin 5 trong 1 là một trong những vắc-xin có tỷ lệ tiêm cao nhất so với vắc-xin trong tiêm chủng mở rộng, nghĩa là đã tiêm 90,6%.

Ước tính khoảng hơn 200 nghìn trẻ chưa được tiêm vắc-xin. Tuy nhiên, đối với bệnh truyền nhiễm, ngoài vũ khí duy nhất là vắc-xin, giai đoạn này, đối với bệnh ho gà và bạch hầu, tăng cường các biện pháp giám sát phát hiện bệnh sớm là rất quan trọng.

"viện vệ sinh dịch tế Trung ương đã có hướng dẫn tiêm bù, đặc biệt chú trọng vùng lõi như 21 tỉnh miền núi đã có kế hoạch tiêm bù đầy đủ. Thời điểm này, cán bộ y tế sẽ rất vất vả, nhưng chính vất vả trong giám sát, phát hiện mới thấy được lợi ích tiêm chủng", GS Phan Trọng Lân nói.

Nói về vấn đề thiếu vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, trong dự thảo Nghị quyết liên quan đến y tế cơ sở, y tế dự phòng, phòng chống Covid-19, Bộ Y tế cũng đã làm việc với Ủy ban Xã hội của Quốc hội, ban giám sát thống nhất đưa vào nội dung dự thảo Nghị quyết vấn đề liên quan đến việc tiếp tục bố trí ngân sách trung ương để tiếp tục thực hiện Chương trình tiêm chủng mở rộng, đảm bảo một cách hiệu quả, thống nhất trên toàn quốc.

Với nghị quyết này của Quốc hội, bà Lan kỳ vọng việc triển khai Chương trình tiêm chủng mở rộng năm nay và những năm sau cũng sẽ không gặp phải những vướng mắc nữa.

Để triển khai thực hiện được nội dung này, Bộ Y tế đã chủ động báo cáo với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Ngay sau đó, Thủ tướng đã giao cho Bộ Tài chính xây dựng dự thảo Nghị quyết của Chính phủ bổ sung kinh phí từ nguồn ngân sách dự phòng năm 2023 cho Bộ Y tế để mua vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, triển khai thực hiện trong toàn quốc.

"Hiện dự thảo nghị quyết này đã xây dựng xong và đang được trình xin ý kiến Chính phủ, rất mong được ban hành trong thời gian tới", Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết.

Bộ Y tế hiện đã phối hợp với 63 tỉnh, thành phố rà soát số lượng nhu cầu, rà soát số lượng vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng để có kế hoạch bổ sung kịp thời. Với 9 loại vắc-xin sản xuất trong nước, đặc biệt là vắc-xin 3 trong 1, khi có tiền triển khai mua ngay.

Thời điểm hiện tại các đơn vị liên quan đã xây dựng xong các phương án giá, Bộ Y tế thành lập 2 tổ thẩm định giá và gửi sang Bộ Tài chính, để thẩm định sớm theo quy định.

Trên cơ sở đó làm căn cứ với các vắc-xin đặt hàng, vắc-xin nào phải đàm phán giá cũng đã giao cho các đơn vị triển khai theo đúng quy định.

"Trước khi mua được vắc-xin theo ngân sách nhà nước, Bộ Y tế vẫn sẽ tiếp tục nỗ lực làm việc với các đối tác để tìm kiếm nguồn hỗ trợ vắc-xin", Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.

Người đứng đầu ngành Y tế cũng khẳng định, Bộ này không “đùn đẩy” trách nhiệm xuống địa phương hay căn bệnh sợ trách nhiệm lan tới Bộ Y tế.

“Không phải vì địa phương nhiều tiền hơn, trẻ em được tiêm vắc-xin đắt hơn. Không vì địa phương ít kinh phí mà trẻ em tiêm vắc-xin ít tiền hơn, thậm chí không được tiêm”, nữ Bộ trưởng Y tế khẳng định.

Cần dự trù số lượng sớm

Về phía doanh nghiệp sản xuất vắc-xin, ông Nguyễn Đăng Hiền, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu vắc-xin và Sinh phẩm y tế - đơn vị hiện sản xuất và cung ứng 4 loại vắc-xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia gồm bại liệt (bOPV), sởi và sởi-rubella (MR) cho biết, những năm trước không xảy ra tình trạng thiếu vắc-xin do thời điểm cuối năm, đơn vị này thường sản xuất dự trù một số lượng vắc-xin cho các năm sau, mặc dù chưa có kế hoạch hay đặt hàng.

Tuy nhiên, 2 năm qua, do có sự thay đổi từ phía Bộ Y tế nên đơn vị này không sản xuất gối đầu nữa mà chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng. Mới đây, đơn vị này nhận được văn bản của Bộ Y tế về lập phương án giá, trình Bộ Y tế để phê duyệt.

Ông Hiền cho biết thêm, căn cứ vào giá do Bộ Y tế phê duyệt, Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia sẽ ký hợp đồng chung mua vắc-xin và các tỉnh, thành phố căn cứ vào đó để đặt hàng cụ thể với nhà sản xuất.

Song, để thực hiện được việc này, công ty cần số lượng chính xác để quyết định giá vắc-xin và dự trù được nguyên vật liệu, lên kế hoạch sản xuất.

Bên cạnh đó, ngoài số lượng, các địa phương cần cung cấp cho nhà sản xuất thời điểm nhận hàng, như một năm nhận mấy lần, nhận vào thời gian nào để công ty có kế hoạch sản xuất phù hợp.

"Việc cung ứng vắc-xin không phải cứ yêu cầu là có ngay mà chúng tôi cần có kế hoạch trước để chuẩn bị mua nguyên vật liệu. Chỉ khi dự trù và đặt hàng chính xác thì việc cung ứng vắc-xin trong nước mới đảm bảo", ông Nguyễn Đăng Hiền thông tin.

Đồng tình với ý kiến này, ông Trần Thanh Hiếu, Phó Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Vắc-xin và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) cho rằng, Bộ Y tế và Chương trình tiêm chủng mở rộng cần chủ động trong công tác đặt hàng để các công ty chủ động trong sản xuất và cung ứng.

Theo ông Hiếu, cũng như Trung tâm Nghiên cứu vắc-xin và Sinh phẩm y tế, những năm trước, VABIOTECH có sản xuất dự phòng một số lượng vắc-xin để gối đầu, sẵn sàng cung ứng khi có nhu cầu. Tuy nhiên, do nhiều điều kiện khách quan, hiện đơn vị này không dám sản xuất số lượng lớn.

Vì vậy, nếu Bộ Y tế và các địa phương có kế hoạch dự trù, đặt hàng sớm thì doanh nghiệp mới có thể đáp ứng kịp thời.

Còn theo TS. Dương Hữu Thái, viện trưởng viện Vắc-xin và Sinh phẩm y tế (IVAC), nếu muốn cung ứng vắc-xin cho Chương trình tiêm chủng mở rộng ổn định, bền vững, việc cần thiết là phải có kế hoạch dài hơi, ít nhất là 2 năm để nhà sản xuất, đơn vị sử dụng đều có thể chủ động.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật