Hạ tầng miền Tây gặp khó

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nhiều dự án hạ tầng quan trọng mang tầm quốc gia nhưng lại triển khai chậm trễ, thậm chí tạm dừng ở khu vực các tỉnh miền Tây Nam bộ như Bến Tre, Tiền Giang, Long An...
Hạ tầng miền Tây gặp khó
Dự án kênh Chợ Gạo đang vướng công tác giải phóng mặt bằng.

Được khởi công tháng 3/2022 với số vốn 5.175 tỷ đồng, dự án cầu Rạch Miễu 2 nối tỉnh Tiền Giang và Bến Tre là công trình trọng điểm phía Nam. Tuy nhiên, hiện nay dự án đang bị chậm tiến độ khá nhiều, mới chỉ hoàn thành khoảng 15% khối lượng công việc. Trong đó khâu giải phóng mặt bằng (GPMB) là nan giải nhất.

Ông Phạm Văn Sang - Chủ tịch UBND huyện Châu Thành (Bến Tre), nơi dự án đi qua cho biết, tiến độ GPMB đã được khoảng 85%. Về cơ bản đã hoàn thành tiến độ, hiện chỉ còn một số hộ chưa thống nhất về mức giá bồi thường nên đang thương lượng.

Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, vấn đề GPMB cho dự án này chậm hơn rất nhiều, chỉ đạt chưa tới 30%.

Ông Nguyễn Văn Vĩnh - Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, do tiến độ GPMB chưa đạt yêu cầu nên hiện nay tỉnh đang chỉ đạo các ban, ngành, huyện và TP Mỹ Tho đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chấp hành chủ trương, sớm nhận tiền bồi thường để dự án có mặt bằng sạch thi công.

Dù đã khởi công khoảng một năm nay nhưng do tiến độ giải GPMB chậm khiến cho 4/6 gói thầu xây lắp phải thi công cầm chừng vì chưa có mặt bằng. Chỉ 2 gói thầu xây dựng trụ và dầm cầu (nằm trên sông) là thi công đúng tiến độ.

Dự án cầu Rạch Miễu 2 dài 17,6km với thiết kế 6 làn xe hỗn hợp nhưng phần cầu chính chỉ dài hơn 2km, còn lại chủ yếu là đường dẫn (từ quốc lộ 1A tới quốc lộ 60). Đây là dự án quan trọng ở khu vực miền Tây Nam bộ, kết nối các tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang với trục quốc lộ 1A, cao tốc Bắc Nam và giảm tải cho cầu Rạch Miễu hiện hữu đang quá tải trầm trọng.

Tương tự, một dự án hạ tầng quan trọng khác nằm trên địa bàn tỉnh Tiền Giang cũng bị chậm tiến độ là dự án cải tạo tuyến kênh Chợ Gạo, kênh quan trọng nối khu vực miền Tây Nam bộ và Đông Nam bộ đi qua địa bàn tỉnh Long An và Tiền Giang, giúp các phương tiện ghe tàu chở hàng không phải đi ra cửa biển khi di chuyển giữa nhiều tỉnh, thành. Với mật độ phương tiện đông đúc, việc cải tạo kênh Chợ Gạo là ưu tiên nhiều năm qua. Dự án cải tạo kênh (gồm nạo vét lòng kênh, xây đường ven kênh, bờ kè...) dài khoảng 10km trong tổng số 28km toàn tuyến kênh. Bắt đầu khởi công năm 2021 với nguồn vốn 1.335 tỷ đồng và dự kiến hoàn thành cuối năm 2023 nhưng hiện nay, dự án vẫn chưa hoàn thành xong khâu GPMB.

Đáng nói, trong quá trình GPMB (do tỉnh Tiền Giang thực hiện), dự án đã bị đội vốn hơn 180 tỷ đồng. Hiện tỉnh Tiền Giang đã có văn bản gửi Bộ GTVT yêu cầu cung cấp thêm chi phí trên để đền bù, GPMB. Có thể nói, với việc đội vốn số tiền lớn và chưa xong GPMB, nguy cơ chậm tiến độ của dự án thủy bộ kết hợp này đã hiện rõ.

Nan giải hơn, dự án xây dựng tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành bắt đầu từ huyện Bến Lức (tỉnh Long An) với vai trò kết nối miền Tây Nam bộ và Đông Nam bộ đã tạm ngừng nhiều năm qua. Sau khi khởi công năm 2014 và dự kiến hoàn thành năm 2018, dự án đã ngừng thi công khoảng 3 năm vì thiếu vốn. Tại khu vực huyện Bến Lức, nhiều hạng mục thi công dang dở đã bắt đầu xuống cấp. Những trục đường nối vào cao tốc TPHCM - Trung Lương tại nút giao ở Bến Lức hiện nay hư hỏng khá nhiều. Thậm chí nhiều hạng mục đã bị kẻ gian lấy trộm các loại vật liệu để bán phế liệu vì dự án không thi công, không khai thác. Dù chỉ một phần nhỏ dự án nằm trên địa bàn tỉnh Long An nhưng đây lại là trục đường cao tốc quan trọng với nhiều tỉnh, thành miền Tây Nam bộ như Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp... vì phân luồng các phương tiện không phải di chuyển qua trung tâm TPHCM nếu có nhu cầu đi ra các tỉnh miền Trung, miền Bắc.

Những năm trở lại đây, Chính phủ đã đẩy mạnh việc quy hoạch, triển khai các dự án hạ tầng quan trọng ở khu vực miền Tây Nam bộ nhằm tạo động lực đột phá về kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, việc các địa phương chậm trễ triển khai trong công tác GPMB, thi công đã khiến mục tiêu vĩ mô bị ảnh hưởng, nhất là quá trình đồng bộ khai thác với các dự án khác.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật