Nguy cơ xung đột leo thang, Nga nêu điều kiện đàm phán với Mỹ

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Quan chức ngoại giao Nga đã nêu một số điều kiện, bao gồm việc Mỹ cần ngừng trang bị vũ khí cho Ukraine, để hai bên bắt đầu đàm phán về đảm bảo an ninh.
Nguy cơ xung đột leo thang, Nga nêu điều kiện đàm phán với Mỹ
Ảnh minh họa

"Vẫn còn quá sớm để bắt đầu bất kỳ cuộc đàm phán có ý nghĩa nào về việc đảm bảo an ninh liên quan đến Ukraine và khu vực châu Âu - Đại Tây Dương, cho đến khi việc bơm vũ khí và tài chính cho chính quyền (Tổng thống Ukraine) Zelensky dừng lại, quân đội/lính đánh thuê/huấn luyện viên của Mỹ và NATO được rút (khỏi Ukraine), và những thực tế do chúng tôi (Nga) xác định trên thực địa được công nhận", Alexander Darchiyev, quan chức tại Bộ Ngoại giao Nga, nói trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Tass.

"Bóng bây giờ đang ở trên sân của Mỹ", ông Darchiyev nhấn mạnh.

Mỹ là một trong những nước hỗ trợ Ukraine mạnh mẽ nhất trong cuộc xung đột với Nga. Washington đã cung cấp cho Kiev hàng tỷ USD viện trợ quân sự và tài chính, cũng như thông tin tình báo. Nga cáo buộc Mỹ và NATO tiến hành "cuộc chiến tranh ủy nhiệm" chống lại Moscow ở Ukraine.

Trong chuyến thăm Mỹ gần đây của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đảm bảo với nhà lãnh đạo Ukraine rằng Washington sẽ sát cánh cùng Kiev "lâu nhất có thể". Mỹ cũng công bố gói viện trợ quân sự mới trị giá gần 2 tỷ USD cho Ukraine, trong đó lần đầu tiên có hệ thống tên lửa phòng không Patriot.

Theo ông Darchiyev, vào cuối năm 2021, ngay trước khi xung đột Ukraine bùng nổ, Moscow đã thực hiện "nỗ lực để đàm phán, đưa ra hai dự thảo, tài liệu ràng buộc về mặt pháp lý" liên quan đến việc đảm bảo an ninh với Mỹ và NATO. Nhưng tất cả những gì Nga nhận được là sự từ chối của phương Tây.

Tháng 12 năm ngoái, Nga đã gửi Washington và NATO một danh sách các yêu cầu an ninh, yêu cầu phương Tây áp đặt lệnh cấm Ukraine trở thành thành viên của khối quân sự do Mỹ đứng đầu, đồng thời nhấn mạnh rằng NATO nên rút về biên giới năm 1997, trước khi khối này bắt đầu mở rộng về phía đông.

Đầu tháng này, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rằng phương Tây cần phải giải quyết "nỗi lo ngại của Moscow rằng NATO đang hiện diện ngay trước cửa ngõ và triển khai vũ khí có thể đe dọa Nga". Ông cũng chỉ ra rằng Mỹ và các đồng minh phải quyết định "làm thế nào để đảm bảo an ninh cho Nga khi nước này quay trở lại bàn đàm phán".

Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov hôm 23/12 cảnh báo nguy cơ xung đột giữa hai cường quốc (Nga và Mỹ) đang ở mức "rất cao". Ông Antonov cũng cho rằng đối thoại giữa Moscow và Washington đang ở trạng thái "kỷ băng hà".

Tuy nhiên, Đại sứ Nga thừa nhận phía Mỹ không muốn đoạn tuyệt hoàn toàn với Nga và đang cố gắng kiểm soát cuộc khủng hoảng, do họ hiểu hậu quả của những bước đi quá quyết liệt trong quan hệ với Nga, đặc biệt khi Nga và Mỹ là hai cường quốc hạt nhân.

Theo ông Antonov, giới chức Mỹ nhận ra rằng họ sẽ không thể giải quyết hoặc tìm ra câu trả lời cho những thách thức toàn cầu nếu không có Nga, trong đó có cuộc khủng hoảng lương thực. Ngoài ra, Nhà Trắng cũng cần một kênh liên lạc để giải quyết các vấn đề mới nổi khác trong quan hệ Nga - Mỹ như trao đổi tù nhân.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật