Tranh chấp biên giới trên biển Israel-Lebanon: Hơn cả một thỏa thuận

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ngày 11/10, Israel và Lebanon thông báo đạt thỏa thuận do Mỹ làm trung gian về giải quyết tranh chấp biên giới trên biển. Có gì trong câu chuyện này?
Tranh chấp biên giới trên biển Israel-Lebanon: Hơn cả một thỏa thuận
Biên giới Israel-Lebanon đã là điểm nóng giữa hai nước trong thời gian qua - Ảnh: Tàu hải quân Israel tuần tra trên Địa Trung Hải gần khu vực Rosh Hanikra, biên giới trên biển giữa Israel và Lebanon, ngày

Cụ thể, thông cáo của Văn phòng Thủ tướng Israel Yair Lapid cho hay: “Đây là một thành tựu lịch sử và sẽ góp phần củng cố an ninh của Israel, tạo ra hàng tỷ USD vào nền kinh tế và đảm bảo ổn định ở biên giới phía Bắc của đất nước”.

Trong khi đó, sau khi chuyển thỏa thuận lên Tổng thống Lebanon Michel Aoun, Phó Tổng thống, trưởng đoàn đàm phán nước này Elias Bou Saab cho biết: “Chúng tôi đã đi đến giải pháp khiến hai bên hài lòng”. Ông Aoun cho biết các điều khoản trong bản đề xuất cuối cùng của phía Mỹ là hợp lý và mong rằng thỏa thuận này sẽ sớm được công bố.

Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chúc mừng ông Aoun và ông Lapid.

Hiện các bên chưa công bố thỏa thuận cuối cùng, nhưng một số nguồn tin cho hay Israel sẽ nắm quyền kiểm soát mỏ Karish, còn mỏ Qana sẽ được chia và do Lebanon quản lý việc khai thác. Tập đoàn TotalEnergies (Pháp) sẽ có quyền thăm dò khí ở mỏ Qana, trong khi Israel sẽ nhận được một phần doanh thu tương lai.

Tuy nhiên, những gì mà Israel - Lebanon đạt được không chỉ là một thỏa thuận, xét trên một số khía cạnh sau.

Thứ nhất, Israel và Lebanon không có quan hệ chính thức và thậm chí, về mặt kỹ thuật, hai bên vẫn ở trong tình trạng chiến tranh kể từ năm 1948. Đợt giao tranh các năm 1982 và 2006, lập trường của Lebanon và Israel về Palestine, cùng vai trò của Hezbollah ở dải Gaza đã khiến hai bên luôn ở trong tình trạng căng thẳng.

Khi đó, tranh chấp chủ quyền đã tồn tại ba phần tư thế kỷ được giải quyết sẽ góp phần giảm căng thẳng giữa hai nước nói riêng và khu vực Trung Đông nói chung.

Thứ hai, thỏa thuận trên cho thấy Mỹ vẫn có tiếng nói nhất định tại Trung Đông, bất chấp một số diễn biến bất lợi, quan hệ trắc trở với đồng minh Saudi Arabia, cùng tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của Nga và Trung Quốc ở khu vực này.

Thứ ba, thỏa thuận mới sẽ là một diễn biến tích cực với thị trường năng lượng toàn cầu. Mặc dù việc khai thác tại Karish và mỏ Qana sẽ cần thời gian triển khai và khó có thể bù đắp hoàn toàn cho thiếu hụt năng lượng của châu Âu ở hiện tại, song nó sẽ tạo ra động lực quan trọng để thúc đẩy khai thác nhiên liệu trên Địa Trung Hải, khu vực có trữ lượng lớn dầu mỏ và khí đốt.

Trong bốn năm qua, sản xuất năng lượng ở phía Đông Địa Trung Hải ngày càng tăng sau khi Israel, Ai Cập, Jordan và Cyprus hợp tác để khai thác tiềm năng của khu vực này. Hiện Israel đã có nhiều khí đốt tự nhiên đủ để trở thành nước xuất khẩu ròng sang Jordan hay Ai Cập. Một lượng trong số đó cũng đã được chuyển tới châu Âu từ các cảng xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Cairo. Diễn biến từ thỏa thuận giữa Israel và Lebanon sẽ củng cố xu hướng tích cực này.

Cuối cùng, thỏa thuận rõ ràng là một điểm sáng trong bức tranh thế giới xám màu. Việc hai nước không có quan hệ chính thức tháo gỡ khúc mắc kéo dài ba phần tư thế kỷ qua đàm phán và thương lượng cho thấy các biện pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế vẫn là kim chỉ nam để giải quyết tranh chấp, xung đột hiện nay.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật