Gói hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động: Muộn nhất 30/8 phải giải ngân xong

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung tại Hội nghị triển khai chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.
Gói hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động: Muộn nhất 30/8 phải giải ngân xong
Hiện vẫn còn 4 địa phương chưa giải ngân được đồng nào trong gói hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động

Nhằm đôn đốc thực hiện Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về quy định việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, ngày 12/8, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đã tổ chức Hội nghị giao ban với các địa phương theo hình thức trực tuyến.

Tiến độ giải ngân rất chậm

Tính đến ngày 12/8, tiến độ giải ngân vẫn còn rất chậm, cụ thể: số hồ sơ đã được giải ngân đạt 17.627 doanh nghiệp với 1.117.107 lao động, hơn 787,9 tỷ đồng. Chỉ đạt 12,14% so với con số tổng dự kiến chi 6.600 tỷ đồng của gói hỗ trợ. Thậm chí, có 4 địa phương chưa thực hiện giải ngân đồng nào đó là Hà Giang, Bắc Kạn, Sơn La, Phú Yên.

Ngoài 04 địa phương chưa có thực hiện giải ngân nêu trên thì còn một số tỉnh, thành phố đã giải ngân nhưng tiến độ rất chậm và tỷ lệ giải ngân quá thấp như Hải Phòng tỷ lệ giải ngân đạt 2,78%, An Giang tỷ lệ giải ngân đạt 0,36%, Bình Định 0,47%, Nghệ An 0,95%. Và còn nhiều địa phương cũng còn tỷ lệ giải ngân thấp như Vĩnh Long, Thanh Hóa, Bắc Ninh, Quảng Trị, Quảng Nam… Trong đó đặc biệt phải kể đến hai địa phương là An Giang, Bắc Ninh có số lao động thuê nhà và kinh phí được cấp dự kiến rất cao.

Các địa phương đã phê duyệt kinh phí và giải ngân hỗ trợ nhiều người lao động nhất hiện nay, trong đó đứng đầu là Bắc Giang với kinh phí được phê duyệt là 82 tỷ đồng, kinh phí giải ngân được 54,4 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân đạt 38,42%; tiếp đó là Đồng Nai với kinh phí phê duyệt 254,85 tỷ đồng, kinh phí giải ngân 211 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân đạt 29,3%; Hà Nội kinh phí phê duyệt 97,7 tỷ đồng, kinh phí giải ngân đạt 95,61 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân đạt 24,79%...

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thẳng thắn đánh giá, nhiều địa phương có số lượng hồ sơ cần tiếp nhận, phê duyệt, giải ngân còn thấp, nhiều tỉnh có tỉ lệ rất thấp, cá biệt có nơi chưa giải ngân một đồng nào. Đây là những nội dung cần nhìn nhận nghiêm khắc.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng chỉ ra một số nguyên nhân khiến gói hỗ trợ bị giải ngân chậm như: các địa phương nhận thức chưa đúng về vấn đề này, chưa coi trọng đúng mức chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Một số nơi còn thờ ơ với chính sách này, coi việc này là trách nhiệm của riêng ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, của ngành bảo hiểm xã hội, của doanh nghiệp, dẫn đến chưa tập trung chỉ đạo.

Bởi một thực tế là những ngày vừa qua, khi được chỉ đạo quyết liệt, một số địa phương như Trà Vinh, Đồng Nai đã đẩy nhanh tiến độ và giải ngân được tỉ lệ tương đối tốt.

Bên cạnh đó còn có một số địa phương phát sinh thủ tục không đúng theo quy định. Có những nơi yêu cầu doanh nghiệp xuất trình giấy phép kinh doanh, giấy đăng kí tạm vắng, tạm trú,…cá biệt có nơi còn phải đưa qua Hội đồng nhân dân duyệt danh sách hỗ trợ. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, làm phát sinh thêm thủ tục hành chính vô hình chung gây khó khăn cho người lao động, người sử dụng lao động tiếp cận chính sách, gây kéo dài thời gian phê duyệt hồ sơ.

Cuối cùng là tình trạng một số địa phương sợ trách nhiệm, sợ sai, dẫn đến phát sinh thủ tục. Tất cả những nguyên nhân trên đều phải được nghiệm túc rút kinh nghiệm trong thời gian tới - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chấn chỉnh.

Muộn nhất 30/8 phải giải ngân xong

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá, những đợt thực hiện các chính sách an sinh trước còn khó khăn để thu xếp nguồn lực. Hiện tại với gói 6.600 tỷ đồng này, tiền đã phân bổ về các địa phương mà vẫn chưa giải ngân được. Chính vì thế, Bộ trưởng khẳng định: "Ngày 15/8 kết thúc nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ, 30/8 phải hoàn thành việc giải ngân".

Để khắc phục vấn đề này, Bộ trưởng cũng đề nghị các địa phương ngay lập tức triển khai 5 nhiệm vụ:

Một là, tất cả các đơn vị, nhất là các nơi đang làm tốt, dẫn đầu thì phải phấn đấu 3 việc: Tập trung tuyên truyền để tiếp nhận hồ sơ, những trường hợp chưa nộp hồ sơ phải nộp trước 15/8 theo quy định; Những hồ sơ đã tiếp nhận thì khẩn trương thẩm định, phê duyệt; Những hồ sơ đã phê duyệt rồi thì phải khẩn trương chi tiền cho người lao động theo quy định.

Hai là, lãnh đạo các ngành địa phương tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đề nghị các địa phương phân công một lãnh đạo trực tiếp chỉ đạo triển khai nội dung này. Bên cạnh đó cần chú ý 2 mốc thời gian là ngày 15/8, ngày cuối cùng nhận hồ sơ, và mốc thời gian các địa phương đã cam kết hoàn thành việc giải ngân, theo đó các tỉnh phải hoàn thành trước 30/8.

Ba là, tổ chức các đoàn kiểm tra thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Trong đó, trước hết cần kiểm tra việc thực thi hỗ trợ về tiến độ, hồ sơ phê duyệt, quy trình phê duyệt. Trên cơ sở đó, Bộ giao Thứ trưởng Lê Văn Thanh và Cục Việc làm tham mưu cho Bộ trưởng tiếp tục tổ chức một số đoàn đi kiểm tra một số địa phương, nơi nào làm tốt thì khuyến khích, nêu gương, địa phương nào chưa tốt thì phê bình, đôn đốc. Trong tuần sau, đoàn kiểm tra liên ngành sẽ kiểm tra tại một số địa phương ( TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh, Hải Phòng, Quảng Ninh).

Bốn là, công khai thông tin báo chí 3 ngày một lần. Bộ trưởng yêu cầu Cục Việc làm cung cấp thông tin về tiến độ tiếp nhận hồ sơ, phê duyệt và giải ngân của các tỉnh thành đến cơ quan báo chí để liên tục cập nhật. Bên cạnh đó, đưa tin các đơn vị làm tốt, chưa tốt trong các chương trình thời sự hàng ngày. Bên cạnh đó, Bộ trưởng đề nghị các cơ quan báo chí tích cực phát hiện những đơn vị làm tốt để nêu gương, chưa tốt để khắc phục.

Ngoài một số địa phương chưa giải ngân được đồng nào hoặc tỷ lệ giải ngân thấp, hiện một số địa phương đang nỗ lực đẩy mạnh công tác này. Đơn cử như Bình Dương. Ngày 12/8, Chủ tịch tỉnh Bình Dương đã ra "tối hậu thư" về hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho người lao động. Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, ngày 12-8 đã ký văn bản về việc khẩn trương thực hiện hoàn thành gói hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho người lao động theo Quyết định 08/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo văn bản này, UBND tỉnh Bình Dương yêu cầu các sở, ban, ngành liên quan, Bảo hiểm xã hội tỉnh và UBND các huyện, thị, thành phố khẩn trương thực hiện. Trường hợp để chậm trễ, thủ trưởng các sở, ban, ngành liên quan, Bảo hiểm xã hội tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.

Quyết định 08 đã quy định rõ thời hạn nhận hồ sơ tới hết 15-8, nên những hồ sơ nhận sau sẽ không còn giá trị giải quyết. Sau khi nhận hồ sơ 2 ngày phải duyệt (hoặc trả lại nếu có sai sót); nếu được duyệt sau 2 ngày phải chuyển tiền. Do đó về lý thuyết, các địa phương phải hoàn thành giải ngân trong tuần tới. Tuy nhiên, số lượng người lao động và tiền hỗ trợ còn lớn, nên muộn nhất tới 30-8 các địa phương phải giải ngân xong, không gia hạn hay kéo dài sang tháng 9 – Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật