Hợp tác quan trọng nhất đổ vỡ vì Trung Quốc cắt đứt đàm phán với Mỹ

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sự đổ vỡ hợp tác về khí hậu giữa hai quốc gia phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới có thể gây ra thảm họa cho các mục tiêu khí hậu toàn cầu.
Hợp tác quan trọng nhất đổ vỡ vì Trung Quốc cắt đứt đàm phán với Mỹ
Một bảng quảng cáo chào đón Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi, ở Đài Bắc, Đài Loan (Trung Quốc), ngày 3/8. Ảnh: AP.

Bắc Kinh hôm 5/8 đã công bố một loạt biện pháp trả đũa Mỹ, sau khi nhận định chuyến thăm Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến Đài Loan hồi tuần trước là "hành động khiêu khích nghiêm trọng". Trung Quốc tập trận quy mô lớn quanh hòn đảo, tuyên bố sẽ ngừng hợp tác với Mỹ về vấn đề biến đổi khí hậu, cùng với các vấn đề chính khác.

Các chuyên gia cho rằng có rất ít hy vọng tránh được tình trạng nóng lên nghiêm trọng trên toàn cầu nếu không có hành động mạnh mẽ của Mỹ và Trung Quốc, hai quốc gia cùng chịu trách nhiệm cho khoảng 40% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của thế giới, theo Guardian.

Vai trò thúc đẩy các nước khác

Không rõ Bắc Kinh sẽ hành động cụ thể gì khi tuyên bố rút khỏi các thảo luận về khí hậu, nhưng động thái này có nguy cơ làm chệch hướng mối quan hệ hợp tác vốn mong manh giữa hai quốc gia phát thải carbon dioxide lớn nhất thế giới, trong bối cảnh chỉ còn vài tháng nữa Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc COP27 sẽ diễn ra ở Ai Cập.

Mùa hè năm nay chứng kiến hàng hoạt hiện tượng thời tiết cực đoan trên toàn cầu do biến đổi khí hậu gây ra, với những đợt nắng nóng kỷ lục và cháy rừng quét qua Mỹ và châu Âu, nhiệt độ cao như thiêu đốt Ấn Độ và Trung Quốc, và lũ lụt tàn phá một số vùng của Mỹ, Nam Á và châu Phi.

Mỹ vừa thông qua luật khí hậu mang tính bước ngoặt trong nước, nhưng nhìn chung các chính phủ trên thế giới vẫn chưa hành động đủ để tránh vi phạm mục tiêu đã thỏa thuận.

António Guterres, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, cảnh báo vào tháng trước rằng mục tiêu không để Trái Đất nóng thêm vượt quá 1,5 độ C là “ủng hộ sự sống”.

Theo Nate Hultman, cựu trợ lý của Đặc phái viên về khí hậu của Mỹ John Kerry, và hiện là Giám đốc Trung tâm Bền vững Toàn cầu tại Đại học Maryland, việc bắt tay giữa hai nước về khí hậu đã giúp thúc đẩy hợp tác giữa các tổ chức Mỹ và Trung Quốc, cũng như đóng một vai trò lãnh đạo cho các quốc gia khác.

“Mỹ và Trung Quốc hợp tác với nhau là một khía cạnh quan trọng để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, mối quan hệ này có khả năng thúc đẩy những nước khác hành động nhiều hơn nữa”, ông Hultman nói.

“Mối quan hệ rộng hơn (ngoài vấn đề khí hậu) là rất phức tạp nhưng cả hai nước đều hiểu rằng đây không chỉ là vấn đề song phương, mà có một lĩnh vực toàn cầu. Đó là lý do mà tôi hy vọng họ sẽ hợp tác trở lại với nhau. Hy vọng rằng việc đình chỉ hợp tác này sẽ chỉ là tạm thời và họ có thể trở lại bàn đàm phán càng sớm càng tốt”, ông nhấn mạnh.

“COP27 sẽ không đổ vỡ”

Laurence Tubiana, Giám đốc điều hành của Quỹ Khí hậu châu Âu và là người soạn thảo chủ chốt của các hiệp định Paris, cho biết: “quan hệ Mỹ - Trung luôn có rất nhiều thăng trầm và chúng ta thường xuyên chứng kiến những lần căng thẳng nảy lửa. Dù họ có thể đóng băng các cuộc đàm phán, nhưng không thể đóng băng tác động đối với khí hậu”.

“Việc Mỹ và Trung Quốc hành động về vấn đề khí hậu và bắt đầu thảo luận cùng nhau là vì lợi ích của chính họ”, bà nói.

Mỹ và Trung Quốc từng cáo buộc nhau không hành động đủ để cắt giảm lượng khí thải nhà kính ở nhiều thời điểm khác nhau trong những năm gần đây.

Trung Quốc chê trách Mỹ "ích kỷ" khi ông Donald Trump - khi đó là tổng thống - quyết định lùi lại nhiều biện pháp bảo vệ môi trường vào năm 2017. Trong khi đó, Tổng thống Joe Biden năm ngoái tuyên bố Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã mắc phải "sai lầm lớn" khi không tham dự hội nghị COP26 ở Scotland.

Tuy nhiên, hai cường quốc đã đạt được một bước đột phá trong cuộc đàm phán tương tự ở Glasgow vào tháng 11. Họ đồng ý một kế hoạch hành động "khẩn cấp" để cắt giảm lượng khí thải.

John Kerry, Đặc phái viên về khí hậu của Mỹ (trái), và ông Giải Chấn Hoa, Đặc phái viên về khí hậu của Trung Quốc, tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ, ngày 24/5. Ảnh: AP.

Ông Giải Chấn Hoa, người đứng đầu phái đoàn của Trung Quốc, cho biết cả hai nước phải “đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh và hạ thấp mức carbon dioxide”. Ông John Kerry, đặc phái viên khí hậu Mỹ, thừa nhận rằng dù 2 nước có nhiều “khác biệt”, “hợp tác là cách duy nhất để hoàn thành công việc này”.

Nhận định về lần chấm dứt hợp tác này, ông Hultman nói rằng dù các cuộc đàm phán cấp cao về khí hậu hiện có thể bị cắt ngang, hợp tác song phương khác vẫn có thể tiếp tục, dẫu thông tin chi tiết về vấn đề này vẫn còn rất ít. Bất kể tình hình giữa Mỹ và Trung Quốc như thế nào, tiến trình vẫn có thể đạt được tại cuộc đàm phán COP27 ở Ai Cập, ông nhấn mạnh.

“Đây là một thách thức và đôi khi chúng ta bị đình trệ, nhưng COP27 sẽ không đổ vỡ bất chấp Mỹ và Trung Quốc có thể không khắc phục được sự khác biệt của họ. Chúng ta sẽ phải tập trung vào những điều khác mà chúng ta có thể thực hiện được với tư cách là một cộng đồng quốc tế”.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật