Kinh tế Mỹ trả giá đắt vì phán quyết của Tòa án Tối cao?

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nước Mỹ sục sôi khi Tòa án Tối cao quyết định chấm dứt quyền phá thai của phụ nữ. Nhưng theo giới quan sát, hệ lụy kinh tế của quyết định này cũng sẽ ngoài sức tưởng tượng.
Kinh tế Mỹ trả giá đắt vì phán quyết của Tòa án Tối cao?
Phán quyết Tòa án Tối cao Mỹ sẽ cho phép hơn một nửa các bang cấm phá thai. Ảnh: Reuters.

Ngày 24/6, Tòa án Tối cao Mỹ quyết định lật ngược phán quyết trong vụ kiện Roe v Wade, xóa bỏ cơ sở pháp lý ở cấp liên bang bảo vệ quyền phá thai đã tồn tại trong hơn 50 năm.

Quyết định này được cho là sẽ dẫn tới lệnh cấm phá thai ở khoảng một nửa số bang của Mỹ. Theo CNN, các nhà kinh tế cảnh báo điều này có thể khiến nền kinh tế phải trả giá đắt.

Theo giới quan sát, việc chấm dứt quyền phá thai sẽ hạn chế khả năng học lên cao và phát triển sự nghiệp của phụ nữ, từ đó tác động tới nguồn lao động, sản lượng kinh tế và làm gia tăng nhu cầu nhận hỗ trợ từ chính phủ.

Gánh nặng kinh tế

"Quyết định sẽ ngay lập tức tạo ra vết thương kinh tế ở 26 bang có khả năng bị áp dụng lệnh cấm phá thai nhất. Tại đó, các cư dân vốn đã phải đối mặt với mức lương thấp hơn, tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động và khả năng tiếp cận những dịch vụ chăm sóc sức khỏe hạn chế", ông Heidi Shierholz - Chủ tịch của viện Chính sách Kinh tế - nhận định.

Ông cho rằng việc đảo ngược phán quyết trong vụ kiện Roe v Wade sẽ giáng thêm đòn kinh tế vào các bang này.

Còn ông Jason Lindo - giáo sư kinh tế tại Texas A&M - tin rằng hậu quả kinh tế có thể sâu rộng ngoài sức tưởng tượng. Nói với CNN, ông Lindo khẳng định việc tước đi quyền lựa chọn của phụ nữ sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sự nghiệp và tình hình tài chính của họ.

Phán quyết Roe v. Wade cho phép nhiều phụ nữ hoàn thành việc học. Nó cũng giúp phụ nữ có thể lập kế hoạch, cân bằng giữa sự nghiệp và gia đình

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen

Tháng trước, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen khẳng định việc hạn chế các quyền liên quan đến sinh sản của phụ nữ sẽ có "những tác động nguy hại đến nền kinh tế".

"Phán quyết Roe v. Wade cho phép nhiều phụ nữ hoàn thành việc học. Nó cũng giúp phụ nữ có thể lập kế hoạch, cân bằng giữa sự nghiệp và gia đình", bà Yellen lập luận.

Năm ngoái, khi các nhà lập pháp của bang Texas có những bước tiến trong việc đưa ra lệnh cấm phá thai, 154 nhà kinh tế đã đệ trình bản đóng góp ý kiến (amicus brief) lên Tòa án Tối cao Mỹ nhằm ủng hộ quyền tự do sinh sản ở Mỹ, để phụ nữ có thể tiếp cận tối đa tiềm năng giáo dục và kinh tế của mình.

Amicus brief thường được một bên (không phải bên tranh chấp) tự nguyện gửi ý kiến cho tòa án thông tin về những vấn đề pháp lý hoặc các vấn đề khác của vụ kiện để hỗ trợ tòa án giải quyết tranh chấp.

Theo dữ liệu của Turnaway Study thuộc Đại học California San Francisco, tình hình tài chính gia đình là nguyên nhân chính dẫn tới quyết định bỏ thai ngoài ý muốn.

Tỷ lệ nghèo đói, thất nghiệp sẽ gia tăng

Phân tích dữ liệu của Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Mỹ chỉ ra phần lớn phụ nữ muốn phá thai gần giới hạn tuổi thai (gestational limits) đều có thu nhập dưới mức nghèo khổ.

Giới hạn tuổi thai quy định thời điểm được phép chấm dịch thai kỳ. Những giới hạn này thường thay đổi theo khuôn khổ pháp lý. Ở các nước cho phép phá thai theo yêu cầu, giới hạn tuổi thai phổ biến là 12 tuần.

Trong khi đó, những phụ nữ không thể phá thai sẽ đối mặt với tỷ lệ nghèo đói và thất nghiệp cao hơn. Họ thường cần đến sự trợ giúp của chính phủ nhiều hơn. Theo giới quan sát, lệnh cấm tác động nghiêm trọng tới tình hình tài chính và tương lai của con cái họ.

"Hàng loạt con số đã chứng minh rằng hoàn cảnh kinh tế của các hộ gia đình - nơi những đứa trẻ lớn lên - có thể để lại tác động lâu dài thế nào, từ trình độ học vấn, thu nhập của cha mẹ, nhu cầu trợ cấp xã hội đến khả năng tham gia vào các hành vi phạm tội", ông Lindo cảnh báo.

Các nhà kinh tế cũng lo ngại rằng việc chăm sóc sức khỏe tổng thể của phụ nữ sẽ bị ảnh hưởng do những hạn chế hoặc lệnh cấm phá thai.

Người dân đổ xuống đường biểu tình sau phát quyết chưa từng có tiền lệ của Tòa án Tối cao Mỹ. Ảnh: Reuters.

Đối với nhiều phụ nữ, các phòng khám cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình tại địa phương cũng là nơi cung cấp những dịch vụ chăm sóc, phòng ngừa, bao gồm tầm soát ung thư.

Khả năng dễ dàng tiếp cận những dịch vụ này đóng vai trò quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe của họ. "Khi họ không thể tới các phòng khám, tỷ lệ chăm sóc, phòng ngừa sẽ giảm xuống. Điều đó có thể dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng hơn", ông David Slusky - phó giáo sư kinh tế tại Đại học Kansas - bình luận.

“Nếu một phụ nữ trong độ tuổi sinh sản qua đời, nó sẽ gây ra những hậu quả kinh tế to lớn", vị chuyên gia nói thêm.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật