Muôn kiểu vượt ngục của tù nhân trên thế giới

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nếu trùm m‌a tú‌y El Chapo đào đường hầm để bỏ trốn, Frank Abagnale đánh lừa quản giáo để vượt ngục công khai thì Pascal Payet hay Michel Vaujour lại đào tẩu bằng trực thăng.
Muôn kiểu vượt ngục của tù nhân trên thế giới
Ảnh minh họa

Được mệnh danh là "pháo đài" bất khả xâm phạm bởi vị trí đặc biệt cùng hệ thống an ninh tối tân nhưng nhà tù Alcatraz tại Mỹ vẫn bị khuất phục bởi Clarence Anglin, John Anglin và Frank Morris (lần lượt từ trái sang). Tháng 6/1962, sau nửa năm dùng thìa và dao lam đào đường hầm vượt ngục, 3 tù nhân đã trốn thoát. Họ chui qua hệ thống thông gió, trèo lên mái nhà rồi leo xuống bằng đoạn ống nước để tới vị trí của chiếc bè tự chế. Tung tích của 3 tên tội phạm sau đó mãi là bí ẩn, bất chấp sự truy lùng gắt gao của lực lượng chức năng Mỹ.

John Dillinger (giữa) bị bắt giữ tại Tuscon, Arizona, Mỹ, tháng 1/1934 và đưa đến nhà tù Lake County ở Crown Point, Indiana. Ngày 3/3/1934, Dillinger cùng một tù nhân khác sử dụng một khẩu súng giả để đe doạ lính gác, đoạt chìa khóa và thoát ra. Hắn sau đó lấy trộm xe của cảnh sát trưởng để trốn thoát. Cuối năm 1934, các nhân viên FBI tiêu diệt Dillinger bên ngoài một nhà hát ở Chicago.

Năm 1944, 600 tù nhân tại nhà tù Stalaf Luft III của Đức Quốc xã tham gia đào 3 đường hầm bí mật có chiều dài tổng cộng 110 m, nối từ trại giam ra một khu rừng bên ngoài. Tuy nhiên, khi đường hầm hoàn thiện và kế hoạch được triển khai, chiều dài thực tế của đường hầm lại ngắn hơn so với dự định. Điều này khiến đường hầm không thể ẩn vào rừng như kế hoạch và các tù nhân không thể trốn khỏi tầm mắt của lính canh tại trại giam. Phần lớn trong số họ bị bắt giữ, chỉ 76 người may mắn trốn thoát.

Năm 1971, Frank Abagnale bị kết tội lừa đảo và chịu mức án 12 năm tù. Tháng 4 năm đó, lợi dụng việc cảnh sát quên mang hồ sơ của hắn khi áp giải tới trại giam, Abagnale từng bước thuyết phục được lính canh rằng thực chất hắn là cảnh sát ngầm, tới nhà tù để thực hiện nhiệm vụ bí mật chứ không phải tù nhân. Sau đó, Abagnale yêu cầu được ra ngoài gặp một người bạn và lợi dụng việc này để trốn thoát. Hai tháng sau, hắn bị bắt ở Washington và chấp hành thêm 4 năm tù trước khi được ân xá. Sau khi ra tù, Abagnale được mời làm cố vấn an ninh cho Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI).

Joaquim Guzman (El Chapo) cầm đầu một mạng lưới chuyên buôn lậu m‌a tú‌y và rửa tiền tại Mexico. Tháng 7/2015, El Chapo tẩu thoát khỏi phòng giam của nhà tù Altiplano. Trong buồng giam của hắn, nhân viên an ninh phát hiện một hố sâu 10 m và có thang leo xuống dưới. Hố này dẫn tới một đường hầm dài 1,5 km được trang bị hệ thống đèn chiếu sáng, quạt thông gió. Đường hầm thông với một ngôi nhà chưa hoàn thiện phía ngoài nhà tù. Bên trong đường hầm, nhà chức trách tìm thấy một xe môtô được cải tiến để dùng trên đường ray. Tháng 1/2016, El Chapo bị cảnh sát Mexico bắt giữ.

Ngày 14/7/2007, 4 người đàn ông đeo mặt nạ cướp một chiếc trực thăng từ sân bay Cannes (Pháp) rồi đe dọa, ép phi công bay đến nhà tù giam giữ Pascal Payet (ảnh). Chiếc trực thăng đậu trên nóc nhà tù, một tên giữ phi công làm con tin trong khi 3 tên còn lại cầm vũ khí xông thẳng vào trại giam giải cứu Payet. Cuộc vượt ngục diễn ra trong 10 phút. Tới tháng 10/2007, Payet cùng đồng phạm bị bắt giữ tại Tây Ban Nha.

Trong lúc Michel Vaujour (phải) chấp hành mức án 27 năm tù vì tội cướp ngân hàng thì vợ hắn là Nadine Vaujour bắt đầu học lái trực thăng. Năm 1986, Nadine cùng một tay súng lên kế hoạch giải cứu Michel khỏi La Sante, nhà tù dành cho tội phạm nguy hiểm tại thủ đô Paris, Pháp. Michel sử dụng súng giả cùng một quả đào được sơn lại y hệt lựu đạn để đe doạ lính canh, leo lên mái nhà tù. Cùng lúc, Nadine lái trực thăng lơ lửng trên nóc nhà tù để đón chồng và một người đi xả súng về phía lính canh. Cuộc vượt ngục diễn ra thành công, song chỉ vài tháng sau, Nadine bị bắt, còn Michel trúng đạn trong lúc đi cướp ngân hàng. Michel sau đó quay lại tù và chấp hành nốt bản án 27 năm.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật