Người trẻ “vỡ mộng” ở Thượng Hải

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chính sách Zero Covid-19 của nhà chức trách đã khiến giới trẻ Trung Quốc vỡ mộng, nhiều người từ bỏ giấc mơ mua nhà, kết hôn vì quá tuyệt vọng trước khó khăn cuộc sống.
Người trẻ “vỡ mộng” ở Thượng Hải
Hàng chục thành phố Trung Quốc đang bị phong tỏa. Ảnh: WSJ.

Với nhiều người Trung Quốc từng xem Thượng Hải như miền đất hứa để theo đuổi giấc mơ, hai tháng phong tỏa vì Covid-19 vừa qua đã khiến họ tỉnh mộng.

Không chỉ là bị cô lập, rủi ro bị đưa vào các trung tâm cách ly, nhiều người cho biết họ cảm thấy cực kỳ bất an khi lối sống thường nhật bất ngờ thay đổi. Không ít người giờ đây đang lên kế hoạch cho một cuộc sống hoàn toàn khác, theo Wall Street Journal.

Kế hoạch đảo lộn

Sandra Shen, 27 tuổi, mở lớp dạy piano tại nhà ở Thượng Hải. Hồi đầu năm, cô và chồng từng thảo luận về kế hoạch sinh con, khi đó Shen còn tỏ ra do dự. Nhưng lúc này, người phụ nữ dứt khoát ra quyết định chưa vội sinh con.

Có nhiều lý do cho quyết định của Shen, như việc nhà chức trách phong tỏa toàn bộ Thượng Hải, khó khăn trong vận chuyển hàng tiêu dùng, chính sách cách ly tập trung bắt buộc cứng nhắc.

Lý do cuối cùng đóng đinh vào quyết định của Shen là khi xuất hiện trên Internet đoạn video một chú chó corgi bị nhân viên cộng đồng đánh chết sau khi chủ nhân bị đưa vào khu cách ly.

"Thế hệ của chúng tôi đã phải chịu đựng quá đủ", Shen nói. Cô cho biết đã lên kế hoạch đi du lịch khắp nơi và nghỉ hưu sớm ở tuổi 40.

Thảm kịch phong tỏa ở Thượng Hải đang diễn ra ở nhiều thành phố khác trên khắp Trung Quốc, khiến giới trẻ nước này vốn đã suy sụp vì ít cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp càng thêm chán nản.

Tầng lớp trung lưu Trung Quốc từng tin rằng nếu họ làm việc chăm chỉ, tuân thủ luật lệ, cuối cùng họ sẽ có tương lai tươi sáng. Nhưng lúc này, nhiều người bắt đầu hoài nghi có lẽ không có chỗ dành cho họ trong đại kế hoạch "Giấc mộng Trung Hoa".

Người dân khắp nơi trên thế giới đã thay đổi đáng kể lối sống của họ trong thời gian đại dịch, như rời khỏi các thành phố lớn, từ bỏ các công việc quá áp lực.

Tại Trung Quốc, giới chức trách theo đuổi chính sách Zero Covid-19, phong tỏa nghiêm ngặt, xét nghiệm và cách ly diện rộng ngay cả khi chỉ có ca lây nhiễm hạn chế.

Với nhiều người Trung Quốc, tình hình ở Thượng Hải và nhiều nơi khác khiến họ hiểu ra rằng cuộc sống có thể bị đảo lộn dễ dàng vì các kế hoạch của nhà chức trách, làm tiêu tan những kế hoạch dài hạn như xây dựng gia đình, mua nhà, khởi nghiệp.

Thái độ chán ghét của giới trẻ với thực tại khó khăn được miêu tả bằng lối sống "nằm thẳng", khi những người đang ở tuổi thanh xuân nói không với làm việc quá giờ, không lập gia đình, không sinh con.

Tâm lý tiêu cực, tức giận với các biện pháp phòng dịch khắc nghiệt, đặc biệt trong giới trẻ, được thể hiện rõ trong một đoạn video mới được phát tán trên Internet.

Đoạn video ghi lại cuộc đối thoại giữa một nam thanh niên ở Thượng Hải với nhà chức trách, khi người này bị ép đi cách ly tập trung. Nhân viên công vụ cảnh báo nếu không tuân lệnh, người đàn ông có thể gánh hậu quả 3 đời. Đáp lại, người này nói "chúng ta sẽ là thế hệ cuối cùng".

Bỏ phố về quê

Yuan là quản lý nhà hát kịch tại Thượng Hải năm nay 36 tuổi. Sau vài năm độc thân, Yuan cho biết cô đã hoàn toàn gạt đi ý tưởng kết hôn.

Yuan chuyển từ Bắc Kinh tới Thượng Hải năm 2020 với hy vọng xây dựng công ty kịch nói riêng. Thế rồi Covid-19 ập đến khiến công việc kinh doanh lao đao.

Hồi tháng 3, khi số ca mắc Omicron bắt đầu tăng vọt, Yuan còn hy vọng nhà chức trách Thượng Hải sẽ chỉ mất một đến 2 tuần để kiểm soát đợt bùng phát.

Lệnh phong tỏa khắc nghiệt khiến Yuan bị sốc. Đầu tháng 4, ngày nào Yuan cũng phải gửi thực phẩm tiếp tế cho những người hàng xóm. Sau khi chứng kiến người dân khu chung cư cao cấp nơi Yuan sống phải xin ăn hàng ngày, cô gái nhận ra các nhu cầu sống cơ bản hiện đã không còn được bảo đảm.

Người Thưọng Hải chung sống với phong tỏa. Ảnh: Reuters.

Yuan cho biết cô sẽ rời Thượng Hải, hy vọng có một khoản tiền đủ để đầu tư vào một sản phẩm ít rủi ro hoặc mở cửa hàng tại quê nhà Hắc Long Giang.

"Tôi đã nghĩ lại về sự nghiệp và kế hoạch lập gia đình", Yuan nói.

Biện pháp phong tỏa phòng Covid-19 được cho là có liên quan tới hiện tượng ngày càng nhiều bị trầm cảm hoặc mắc bệnh tâm lý. Đầu năm 2020, khi Covid-19 bùng phát tại Vũ Hán, số trường hợp t‌ử von‌g tại thành phố này tăng vọt.

Từ khi Thượng Hải bị phong tỏa, số người sử dụng công cụ tìm kiếm Baidu tìm kiếm kết quả về "tư vấn tâm lý" cũng tăng cao.

Một chuyên gia tâm lý từng làm việc trong thời gian phong tỏa ở Vũ Hán năm 2020 và Thượng Hải vừa qua cho biết người dân tới tấp gọi tới đường dây nóng tư vấn khi bị giam lỏng trong nhà.

Theo lời chuyên gia này, nhiều khách hàng liên hệ nói rằng họ đã mất việc, có những người phải ở nhà suốt nhiều ngày với cha mẹ hoặc con nhỏ, không có thời gian riêng cho bản thân hoặc trị liệu.

George Chen, nhân viên kinh doanh tại một công ty công nghệ ở Bắc Kinh, cho biết nhiều tháng qua, vì các lệnh phong tỏa, bản thân không thể đi lại dù công việc đòi hỏi. Do không đáp ứng chỉ tiêu doanh số, Chen bị cắt tiền thưởng.

Khoản lương cứng 445 USD chỉ giúp Chen trả tiền thuê nhà. Người đàn ông nói đã gác lại kế hoạch mua nhà, có bạn gái.

"Thực tế mà nói, nhìn tôi có điểm gì hấn dẫn không?", Chen nói. Người đàn ông cho biết kế hoạch trước mắt là rời thành phố, trở về quê nhà Hà Bắc.

Mới đây, Chen được nhà chức trách Bắc Kinh thông báo đã tiếp xúc gần với một ca mắc Covid-19. Chen bị cấm đến nơi công cộng cho đến khi mã sức khỏe trên điện thoại đổi xanh, tương đương 2 lần xét nghiệm PCR và nhiều ngày chờ đợi.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật