Sớm “giải cứu” tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Năm 2005, dự án đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân được Bộ GTVT triển khai xây dựng và phương thức vận tải mới này được kỳ vọng sẽ tăng cường khả năng kết nối giữa khu vực bến Cái Lân với các khu vực trọng điểm kinh tế phía Bắc và nội địa Trung Quốc. Thế nhưng, do không bố trí được kinh phí nên dự án bị dừng triển khai từ năm 2010.
Sớm “giải cứu” tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân
Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân (đoạn qua TX Đông Triều) tạm dừng do không bố trí được kinh phí. Ảnh: Lê Nam

Từ khi dự án “đắp chiếu”, cuộc sống của hơn 3.600 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án trở lên khốn đốn. Còn các địa phương thì năm nào cũng phải tiếp nhận hàng trăm vụ khiếu kiện kéo dài khiến cho an ninh trật tự và công tác quản lý đất đai gặp không ít khó khăn.

Hơn 3.600 hộ dân mòn mỏi vì dự án "chết"

Nếu ai có dịp qua các ga trên tuyến đường sắt Yên Viên - Hạ Long, hay dọc QL18, có thể dễ dàng nhận ra những công trình của dự án này xây dở dang (cầu, hầm, cống), thiết bị chất đống (thanh ray, tà vẹt) phơi nắng mưa, han rỉ. Do việc đình hoãn dự án nên tuyến đường sắt hiện tại vẫn phải đi vòng theo lộ trình Yên Viên - Kép - Hạ Long, gây lãng phí thời gian vận chuyển. Đồng thời, hạ tầng tuyến đường sắt đã được xây dựng từ lâu xuống cấp, tốc độ khai thác tối đa của đoàn tàu chỉ đạt khoảng 54km/h, phương thức xếp dỡ chưa hiệu quả.

Các thanh ray, tà vẹt bị phơi nắng mưa gây han rỉ, nứt vỡ, mất ốc. (Đoạn tuyến đường sắt đi qua địa bàn phường Quang Trung, TP Uông Bí).

Thêm nữa, khổ đường 1.435mm khi hòa vào mạng đường sắt quốc gia khổ 1.000mm gặp khó khăn vì chuyển tải, tăng chi phí và thời gian, dẫn đến hạn chế về số lượng chuyến tàu đi và đến Khu bến Cái Lân (hiện tại hoạt động 1 tuần/chuyến phục vụ buôn bán nhỏ lẻ của các tiểu thương), chưa khai thác được hàng hóa từ Khu bến Cái Lân đến các khu vực hậu cần cảng. như: Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Ninh Bình… 

Đáng nói là việc dự án chậm tiến độ không chỉ gây lãng phí nguồn vốn đầu tư công mà còn ảnh hưởng tới đời sống, sinh hoạt của hàng nghìn hộ dân.

Căn nhà của bà Viết sau gần 30 năm xây dựng hiện đã chật chội, xuống cấp nhưng không được phép xây dựng, chuyển nhượng vì vướng vào dự án.

Bà Vũ Thị Viết (tổ 3, khu 11, phường Thanh Sơn, TP Uông Bí) trước đây là công nhân của ngành đường sắt. Năm 1996, bà Viết được nhà nước thanh lý cho 256m2 đất để làm nhà. Cuộc sống của gia đình bà đáng lẽ cứ yên ấm trôi qua nếu không nằm trong khu đất thuộc dự án. “Nhà xây gần 30 năm nay, mang tiếng ở trung tâm thành phố mà vẫn phải chịu cảnh xuống cấp, chật chội, dột nát vì chưa được cấp GCNQSDĐ nên tôi không xin được giấy phép xây dựng. Hai đứa con lớn lấy vợ gả chồng hàng chục năm nay rồi, muốn tách thửa để cho các con có nhà riêng ổn định cuộc sống mà bố mẹ cũng không làm được gì. Buồn nhất là có một đứa con gái bị bệnh thần kinh 17 năm nay nhưng vẫn phải sinh hoạt chung, rất bất tiện. Mỗi lần cháu phát bệnh, đập phá nhà cửa, cả gia đình không biết tránh đi đâu”, bà Viết than thở. 

Hàng chục năm qua, hơn 3.600 hộ dân luôn phải sống trong chờ đợi, thấp thỏi vì những hệ lụy từ dự án.

Cùng chung nối bức xúc, ông Vũ Văn Thời (khu Bí Trung 2, phường Phương Đông, TP Uông Bí) cho hay: Từ khi dự án triển khai đến nay, người dân ở đây không được phép xây nhà, không được chuyển nhượng, không được trồng cây lâu năm… Nói tóm lại là không được làm gì. Những quy định trói buộc của dự án treo này khiến cho cuộc sống của chúng tôi cũng bị trói buộc theo. Đất của mình, nhà của mình mà không được cấp sổ đỏ, con cái có ý định làm ăn cũng không thế chấp ngân hàng để vay vốn phát triển kinh tế. Trong khi đời sống của người dân ở những khu vực khác ngày càng phát triển thì cuộc sống của chúng tôi không khác gì một thước phim “quay chậm” và cứ đợi chờ mỏi mòn. Đến giờ, tôi chỉ mong nhà nước sớm có quyết định rõ ràng về việc tiếp tục triển khai hay thu hồi dự án giúp dân đỡ khổ.

Cùng với gia đình bà Viết, ông Thời, còn hơn 3.600 hộ dân khác sống dọc theo tuyến đường chắc chắn những năm qua cũng gặp không ít thiệt thòi. Mà “mẫu số chung” của câu chuyện này đều xuất phát từ Dự án đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân.

Nhà cửa xập xệ, xuống cấp nhưng ông Phùng Duy Tùng (tổ 43 khu 12 phường Quang Trung, TP Uông Bí) cũng không thể cải tạo, xây mới lại để ở.

Theo thiết kế, Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân có tổng chiều dài 131km. Trong đó, có 43km xây dựng mới và 88km cải tạo, nâng cấp. Dự án đi qua 4 địa phương của tỉnh: Hạ Long, Quảng Yên, Uông Bí và Đông Triều. Mục tiêu của dự án là sau khi hoàn thành, tàu không phải chạy ngược từ ga Yên Viên (Hà Nội) lên Kép (Bắc Giang) để tới Hạ Long (Quảng Ninh) với hành trình 7 tiếng 30 phút như hiện nay nữa, mà rút ngắn thời gian chạy tàu từ Yên Viên tới Hạ Long còn 1,5 - 2 tiếng với tàu khách, 3 - 4 tiếng với tàu hàng.

Khi triển khai, Bộ GTVT cam kết năm 2011 hoàn thành dự án, nhưng trên thực tế, từ năm 2010 đến nay đã dừng thi công và đang tạm dừng triển khai theo chủ trương cắt giảm đầu tư công tại Nghị quyết số 11/NQ-CP (ngày 24/2/2011) của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

Cần sớm tái khởi động lại dự án

Khu bến Cái Lân là khu bến chính, chiếm 61% hàng hóa thông qua các biển Quảng Ninh. (Ảnh: Tàu vào làm hàng tại Cảng CICT Cái Lân, TP Hạ Long).

Theo số liệu thống kê, lượng hàng hóa thông qua cảng biển Quảng Ninh giai đoạn từ năm 2014 - 2021 đạt trên 400 triệu tấn, tăng trưởng trung bình đạt khoảng 20%/năm. Trong cảng biển Quảng Ninh có Khu bến Cái Lân là khu bến chính, chiếm 61% hàng hóa. Ông Ngô Tùng Dương, Chi cục trưởng Chi cục hải quan cửa khẩu cảng Hòn Gai, cho biết: Việc khởi động lại để đầu tư hoàn thành dự án sẽ giảm tải cho phương thức vận tải bằng đường bộ và giảm thiểu nguy cơ mất an toàn giao thông. Dự án sẽ góp phần giúp đa dạng hóa các hình thức vận tải trong khu vực, hoàn thiện chuỗi cung ứng dịch vụ logistics đi cùng với chi phí hợp lý và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.

Ga Cái Lân đang ngày càng xuống cấp và hư hại.

Rõ ràng, trên thế giới và ở Việt Nam, so với các phương thức vận tải khác, việc vận tải hàng hóa bằng đường sắt đến cảng biển có những lợi thế lớn, như đảm bảo vận chuyển trong mọi điều kiện thời tiết, không phân biệt vào thời gian và không phụ thuộc vào khí hậu; giá cước ổn định trong thời gian dài, ít biến động; vận chuyển được các hàng hóa nặng trên những cung đường dài. Trong khi đó, khu vực cảng biển Quảng Ninh đang dần trở thành trung tâm tiếp nhận trung chuyển hàng rời của các tỉnh phía Bắc. Theo khảo sát, nhu cầu vận chuyển bằng đường sắt các loại hàng khoáng sản, nông sản đi các tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn chuyển qua Trung Quốc rất tiềm năng. Ngoài ra là việc kết nối các trung tâm sản xuất công nghiệp như Thái Nguyên, Vĩnh Phúc tạo những điểm hàng mới tới cảng.

Như vậy, nếu hoàn thiện dự án và kết hợp thay đổi phương thức bốc xếp đầu cuối sẽ gia tăng đáng kể khách hàng lựa chọn vận chuyển đường sắt thay vì như đường bộ hiện nay, đây là yếu tố giảm chi phí logistics nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong xu thế hiện nay.

Cần rà soát lại sự cần thiết của dự án và triển khai các giải pháp đẩy nhanh tiến độ dự án để sớm ổn định đời sống của hơn 3.600 hộ dân dọc theo tuyến đường sắt.

Trước những bất cập, hệ lụy đến đời sống người dân và để đóng góp vào sự phát triển của tỉnh, Quảng Ninh cũng đã rất nhiều lần kiến nghị với Chính phủ và đề nghị Bộ GTVT sớm khởi động lại dự án. Mới đây nhất, trong phiên thảo luận tổ về nội dung tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XV (ngày 25/5), đồng chí Ngô Hoàng Ngân, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh một lần nữa nêu vấn đề này với Quốc hội và nhấn mạnh: Việc dự án bị dừng triển khai đang ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân khu vực xung quanh tuyến đường. Hiện nay, hệ thống đường bộ kết nối Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh đang dần quá tải, do đó tuyến đường sắt vẫn là giải pháp tối ưu. Vì vậy, Quốc hội và Chính phủ cần sớm rà soát lại sự cần thiết của dự án và triển khai các giải pháp đẩy nhanh tiến độ.

Về vấn đề này, đồng chí Bùi Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND TP Uông Bí, cho biết: Uông Bí hiện có gần 1.000 hộ dân của 5 phường bị ảnh hưởng bởi dự án này. Do đó, việc khởi động lại dự án để tránh lãng phí trong đầu tư do xây dựng dở dang; giải quyết được những khó khăn vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng công trình đối với các hộ dân có diện tích nằm trong phạm vi thực hiện dự án, giúp người dân sớm được hỗ trợ, đền bù giải phóng mặt bằng ổn định đời sống, tránh kiến nghị khiếu kiện kéo dài.     

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật