Giảm chỉ tiêu xét điểm thi tốt nghiệp THPT, thí sinh ra sức “cày” phương thức khác

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trong bối cảnh nhiều trường giảm chỉ tiêu xét tuyển kết quả tốt nghiệp THPT, những thí sinh đang chuẩn bị gấp rút cho kỳ tuyển sinh đại học năm 2022 dốc sức ôn luyện cho các phương thức khác, hoặc các kỳ thi riêng để “vét” hết khả năng có thể đỗ đại học.
Giảm chỉ tiêu xét điểm thi tốt nghiệp THPT, thí sinh ra sức “cày” phương thức khác
Thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tại huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Vương Nguyễn

"Cày" chứng chỉ ngoại ngữ, thi đánh giá năng lực

Nhiều trường đại học tại Hà Nội đã công bố đề án tuyển sinh năm 2022, đáng chú ý, không ít trường giảm chỉ tiêu xét tuyển truyền thống từ kết quả tốt nghiệp THPT. Các thí sinh sinh năm 2004 đang dốc sức ôn luyện để thi tốt nghiệp THPT nhưng cũng tăng cơ hội đỗ nguyện vọng yêu thích bằng cách "cày" thêm các phương thức khác.

Chia sẻ với Báo , Nguyễn Thảo Linh (học sinh lớp 12, Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy, Ninh Bình) cho biết: "Năm nay, em dự định xét tuyển ngành Y vào một số trường đại học Y ở khu vực phía Bắc. Tuy nhiên, để "chắc ăn", em đã "cày" chứng chỉ ngoại ngữ".

Thảo Linh cho hay, sau 5 tháng ôn luyện TOEFL, đợt tháng 4 vừa qua nữ sinh đã được 86/120 điểm TOEFL. 5 tháng này cũng là thời gian Thảo Linh vừa ôn thi tốt nghiệp THPT, vừa ôn thi chứng chỉ ngoại ngữ. Nữ sinh cho rằng mình khá may mắn vì đã có kết quả "tạm được" ngay lần thi đầu tiên.

"Nhiều bạn lớp em còn phải thi lại mấy lần IELTS, khá tốn kém", Thảo Linh cho biết, chi phí một lần thi lấy chứng chỉ là hơn 4 triệu đồng, đó là chưa kể tiền ôn luyện.

Với mức điểm này, nữ sinh Ninh Bình được 1 điểm cộng khi xét tuyển vào ngành Y khoa Đại học Y Thái Bình. Kể cả điểm cộng khu vực, nữ sinh có tất cả 1,25 điểm.

"Năm nay, nhiều bạn còn không có điểm cộng ưu tiên, với số thí sinh dự thi như năm nay, điểm cộng như vậy là rất quý rồi", Thảo Linh bày tỏ.

Có chứng chỉ ngoại ngữ như IELTS, TOEFL… là một lợi thế để xét tuyển đại học đối với các thí sinh trong mùa tuyển sinh năm 2022. Vì thế, có gia đình không ngại bỏ ra hàng chục triệu đồng để cho con ôn thi, lấy bằng được chứng chỉ ngoại ngữ.

Chị Nguyễn Thị Lan Anh (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã không tiếc bỏ ra hơn 25 triệu đồng cho con trai ôn thi chứng chỉ IELTS với mục đích là thêm ưu tiên xét tuyển đại học năm nay.

"Cháu nhà tôi dự kiến xét tuyển vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Tổng thời gian ôn thi 4 tháng tôi chi hơn 25 tiệu cho chi phí học và thi lấy chứng chỉ tiếng Anh IELTS. Ban đầu chỉ học ở trung tâm tiếng Anh, nhưng sau đó là ôn luyện cùng gia sư với mức phí 10 triệu đồng. Rất may là trong lần thi đầu tiên cháu đã được 6.5 IELTS", chị Lan Anh chia sẻ.

Không đầu tư đến hàng chục triệu đồng, chỉ bỏ ra 300.000 đồng cho mỗi đợt kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội nhưng Nguyễn Hữu Hưng, học sinh lớp 12 ở Hưng Yên cho biết, sau đợt thi vào ngày 27/3, nam sinh này tiếp tục ôn luyện để thi đợt tiếp theo vào ngày 19/6.

"Đợt thi thứ nhất em chỉ được 80 điểm, lần thi sau em sẽ cố gắng hơn. Nguyện vọng của em là vào được Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội", Hưng cho hay.

Hưng cho rằng, nếu chỉ ôn thi truyền thống mà không tham gia các kỳ thi tuyển sinh riêng của các trường, cánh cửa đại học sẽ thu hẹp với nam sinh này.

Còn đối với những thí sinh không có điều kiện đầu tư chi phí cao để ôn luyện các phương thức khác ngoài phương thức tuyền thống là xét điểm thi tốt nghiệp THPT như Nguyễn Minh Hạnh (học sinh lớp 12 trường THPT Long Châu Sa, Phú Thọ), thì xét học bạ là "cứu cánh".

Minh Hạnh cho hay, em đã xét học bạ với tổ hợp B00 vào Đại học Y tế Công cộng. Kể cả điểm cộng ưu tiên vùng, tổng điểm xét tuyển ngành Kỹ thuật xét nghiệm y học của Hạnh là 23,66. Tuy nhiên, nữ sinh cũng khá lo lắng vì số điểm này chưa thực sự đủ cao khi ngành chỉ lấy 132 chỉ tiêu cho tất cả các phương thức.

Cân nhắc nguyện vọng, chiến lược thi cử

Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GDĐT, năm nay, trừ các trường thi năng khiếu, bên cạnh các phương thức xét tuyển khác, thì có đến 90% các trường đại học vẫn dành chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp và xét học bạ, do đó cơ hội của thí sinh vẫn rất lớn.

Vụ trưởng Vụ GDĐT cũng lưu ý, thí sinh nên cân nhắc ưu tiên sắp xếp các nguyện vọng mà mình yêu thích lên trước. Nếu ngành học muốn xét tuyển sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh kết hợp thì thí sinh cần biết rõ sở trường thế mạnh của mình để lựa chọn phương thức phù hợp. Trường hợp thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển nhiều nguyện vọng, hệ thống quản lý xét tuyển của Bộ GDĐT sẽ chỉ xác định cho thí sinh đỗ một nguyện vọng được xếp ưu tiên cao nhất.

Về việc nên thi nhiều đợt đánh giá năng lực hay không, chuyên gia tư vấn hướng nghiệp, thầy giáo Vũ Khắc Ngọc nhận định, nếu mục tiêu chính của thí sinh là kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi đánh giá năng lực là một phương thức dự phòng thì chỉ nên chọn một đợt thi phù hợp với lộ trình học tập của mình. Bởi lẽ, nếu thi cả 2 đợt, thí sinh sẽ bị phân tán quá nhiều thời gian và không thể đạt được kết quả tốt cho kỳ thi chính là tốt nghiệp THPT.

Nếu mục tiêu chính của thí sinh là phương thức xét tuyển bằng kết quả thi đánh giá năng lực, thì sinh có thể suy nghĩ tới việc thi 2 đợt. Tuy nhiên, không phải bạn nào cũng có điều kiện kinh tế để dự thi đủ cả 2 đợt, do đó chiến lược thi cử cũng cần được cân nhắc hợp lý.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật