Cụ bà hàng chục năm sống ở nghĩa địa, ngủ bên 9 ngôi mộ vì: “Ở với con rất khó lòng”

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Một mình sống giữa nghĩa địa, với 9 ngôi mộ hàng chục năm qua, bà Nguyễn Thị Bửu (ngụ TP. Tân An, tỉnh Long An) chưa từng sợ hãi.
Cụ bà hàng chục năm sống ở nghĩa địa, ngủ bên 9 ngôi mộ vì: “Ở với con rất khó lòng”
Ngôi nhà bà Bửu nằm phía sau những ngôi mộ

"Nhiều người không biết cứ trách con tôi"

Men theo những con đường ngoại ô Tân An, tỉnh Long An, PV tìm đến ngôi nhà của bà Nguyễn Thị Bửu. Gọi là nhà, nhưng đó chỉ là những tấm vách đơn sơ, mái tôn ọp ẹp... mà bà được mạnh thường quân góp tặng. Hàng chục năm qua, bất kể mưa gió, bà vẫn sống trong căn nhà lọt thỏm giữa nghĩa địa này, nằm gối đầu lên chiếc phản sờn cũ.

"Tôi có con đó, 5 đứa lận, đều đã dựng vợ gả chồng. Ngoài ra, tôi còn nuôi một đứa cháu ngoại nữa. Nó vừa mới đi nghĩa vụ quân sự về, nó đã thuê trọ và đi làm nơi khác rồi", bà Bửu mở đầu câu chuyện.

Chồng mất trong chiến tranh, bà Bửu một tay nuôi con đến khi các con đều lập gia đình, trưởng thành. Bà nói: "Nhiều người không biết cứ trách con tôi không lo cho mẹ. Nhưng thực tế, tôi không thích ở với ai cả. Mình sống với con gái thì nhà còn con rể, mình sống với con trai thì có con dâu. Ở với con rất khó lòng. Tôi đã lớn tuổi rồi, sống một mình tôi thấy thoải mái hơn, muốn ăn lúc nào thì ăn, muốn ngủ lúc nào thì ngủ. Tôi mong muốn ở nơi đây đến khi qua đời".

Hai chiếc nồi cơm điện là vật dụng để bà Bửu nấu nướng mỗi ngày

Khi làm cỏ mướn được 10 năm, một ngày, bà chủ nói với bà Bửu: "Hay chị dựng chòi ở đây đi, tôi cho chị mượn một miếng đất ở gần gò mả để sinh sống". Kể từ đó, bà Bửu dọn về nghĩa địa sinh sống.

Bà Bửu vẫn giữ thói quen ăn trầu

Hơn 80 tuổi, bà Bửu vẫn giữ thói quen ăn trầu, tinh thần minh mẫn, khỏe mạnh. Mỗi ngày, bà rong ruổi khắp các con đường, ngõ nhỏ... để nhặt phế liệu kiếm sống.

Khi được ai đó cho bánh kẹo, trái cây, cơm... bà dành để làm thức ăn sống qua ngày. Đa số vật dụng trong nhà bà vẫn là nhặt được từ bãi phế liệu, khi thì được mạnh thường quân tặng. Thỉnh thoảng, con bà Bửu vẫn ghé thăm mẹ.

"Tôi chưa bao giờ thấy buồn, ngày nào tôi cũng vái Phật trời phù hộ cho mình, cho những đứa con", bà nói.

"Người ta hỏi sống với ai, tôi nói sống với má"

Trong ngôi nhà ọp ẹp, vật quý giá nhất của bà Bửu đó chính là di ảnh của người mẹ đã khuất. "Người ta hỏi tôi sống với ai, tôi nói sống với má", bà tâm sự.

Dù ở giữa nghĩa địa nhưng bà Bửu chưa từng sợ hãi. Đối với bà, người sống cũng như người chết, chỉ cần mình lương thiện, không chọc phá gì ai thì cứ bình tâm mà sống.

Bà Bửu bên di ảnh của má

Những ngôi mộ này là tổ tiên của gia đình bà Triều (ngụ TP. Tân An, tỉnh Long An). Hàng chục năm qua, bà Triều đã cho phép bà Bửu dựng nhà, ở lại trên mảnh đất có mộ phần của ông bà, tổ tiên mình.

Bà Triều chia sẻ: "Tôi thấy bà ấy thì cũng thương. Hằng ngày, bà đi nhặt ve chai, được xấp vải nào thì luôn hỏi tôi rằng có cần không, bà ấy cho. Con đường được đắp cát, lót xốp là do tôi làm. Bà ấy đã lớn tuổi rồi, tuy còn khỏe nhưng tai không còn nghe rõ nữa, phải nói thật lớn thì mới nghe. Làm lụng được bao nhiêu tiền, bà đều dành cho con, cho cháu. Đối với bà ấy, đó là niềm yêu thương lớn nhất cuộc đời. Nhiều hôm trái gió trở trời, tôi cũng lo lắng cho bà Bửu lắm. Gần đây, bà ấy có điện thoại nên cần gì sẽ gọi".

Ngày qua ngày, bà Bửu sống bằng tình thương của bà con lối xóm. Nhiều đêm nằm ngủ, bà mơ thấy chồng về, nghe những tiếng gọi xung quanh. Bà cho đó là những âm vang của người đã khuất nên không trả lời lại.

Vài năm gần đây, hàng xóm đã làm cho bà con đường dẫn vào nhà để tiện đi lại

Trong cuộc chuyện trò với những người ghé thăm, bà Bửu nhiều lần bật khóc khi nói về đứa cháu trai: "Có lần vì về nhà thăm tôi bệnh mà lên đơn vị muộn, nó bị phạt hít đất. Tôi nghe mà thương vô cùng. Nó ở với tôi từ nhỏ, cũng mến tay mến chân, nói không nhớ sao được. Giờ đây nó đã trưởng thành, khôn lớn, chuẩn bị xây dựng cuộc sống mới sau khi rời khỏi quân ngũ rồi…".

Hàng chục năm qua, có những lần bão táp, mưa như trút nước, hay có những đêm một mình giữa nghĩa địa giá lạnh, bà Bửu chưa một lần thở than hay sợ hãi. Bởi với bà, việc sống một mình là để không phiền hà con cháu, và để có một cuộc đời như mình mong muốn.  

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật