Đồng Nai: Người lao động sập bẫy lừa khi muốn kiếm thêm thu nhập

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Thời gian gần đây, tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, nhiều người lao động với mong muốn có thêm thu nhập trang trải chi phí cuộc sống hằng ngày đã tham gia vào các trang tuyển dụng cộng tác viên online chuyên chốt đơn hàng với mức lương hấp dẫn lên đến 20 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, đến khi tham gia thì lại chịu cảnh “tiền mất, tật mang”.
Đồng Nai: Người lao động sập bẫy lừa khi muốn kiếm thêm thu nhập
Cảnh báo về các hình thức lừa đảo trên mạng. Ảnh: Xuân Mai

Tham gia chốt đơn hàng online, hơn 100 triệu “không cánh mà bay”

Thời gian gần đây, theo tìm hiểu, trên mạng xã hội lại xuất hiện ngày càng nhiều các trang quảng cáo tuyển dụng cộng tác viên online với lời quảng cáo hấp dẫn như: “Tuyển nhân viên chốt đơn hàng - lương trả theo ngày. Mức lương 6-20 triệu đồng/tháng, tuỳ năng lực. Công việc đơn giản thời gian làm việc linh hoạt, rảnh giờ nào làm giờ đó. Yêu cầu có thẻ ATM để nhận lương”. 

Mới đây, chị H. (làm tại một công ty trong khu công nghiệp dệt may Nhơn Trạch, huyện Nhơn Trạch) đã gửi đơn trình báo đến Công an Khu công nghiệp Nhơn Trạch về việc chị bị lừa số tiền trên 100 triệu đồng mà chị và gia đình đã tích cóp trong nhiều năm qua. 

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, chị H. cho biết, trong 2 năm dịch COVID-19 vừa qua đã khiến cuộc sống gia đình gặp khá nhiều khó khăn, lại thêm vật giá leo thang liên tục. Đầu năm 2022, nhân có tiền thưởng Tết thì cả gia đình gom góp được khoảng 70 triệu đồng gửi vào tài khoản tiết kiệm. Tuy nhiên, trong một lần lướt mạng xã hội thấy có công việc làm thêm. Do lương thấp, muốn kiếm thêm thu nhập nên chị H đã tham gia. 

    

Chị H. nói: “Ngày 15.2 tôi có xem trên trang Facebook “F.N” có đăng tin tuyển dụng cộng tác viên với nội dung là “Tuyển dụng nhân viên online qua điện thoại”, tôi có liên hệ và trao đổi công việc. Họ cho tôi một đường link để kết bạn zalo và tư vấn cho tôi công việc cụ thể như sau: Tôi có nhiệm vụ “săn hàng sale hộ” và nhận lợi nhuận 10% từ sản phẩm đó, giao dịch của tôi là chỉ chuyển tiền rồi đặt hộ sản phẩm chứ không nhận được hàng hóa”. 

Chị H cho biết, sau khi tham gia đường link, chị nhận được “nhiệm vụ” đầu tiên với mức giá đơn hàng chỉ có 100.000 đồng và thực hiện nhiệm vụ ngay trên đường link đó và nhận chuyển khoản lại được cả tiền gốc và tiền lời. Tương tự, đến nhiệm vụ thứ 2 chị nhận được hai đơn hàng trị giá 350.000 đồng và 1,1 triệu đồng và sau đó cũng được nhận lại tiền gốc và tiền lời. Tuy nhiên, từ “nhiệm vụ” thứ 3 trở đi chị đã thực hiện thêm nhiều đơn hàng với tổng giá trị là 101,8 triệu đồng nhưng không nhận lại được tiền.  

Chị H cho biết: Tất cả các giao dịch đều thực hiện chuyển cho tài khoản “Bui Van Hoang”.

“Người ta yêu cầu nộp thêm hơn 100 triệu đồng mới lấy lại được số tiền đã nộp vào Không có cách nào vay số tiền lớn nên tôi đã tâm sự với đồng nghiệp công ty vì có mượn tiền của họ để nộp vô, trước đó thì các đồng nghiệp nói tôi bị lừa nên tôi đã báo công an để giải quyết” - chị H nói thêm.

    

Cẩn trọng chương trình khuyến mãi, mua hàng giá rẻ qua mạng

Tương tự, chị L.T.T.H, (ngụ xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch) cũng đã chuyển khoản nhiều lần vào tài khoản “Pham Thi Trang” của một ngân hàng với số tiền trên 125 triệu đồng và cũng không nhận lại được.  “Các đối tượng này liên tục yêu cầu tôi thực hiện hết đơn này rồi lại đến đơn khác với giá trị ngày càng cao dần, khi không còn khả năng “chốt đơn” cũng là lúc tôi nhận ra mình bị lừa” - chị L.T.T.H nói.

Được biết, tại cơ quan Công an xã Long Tân và  Công an Khu công nghiệp Nhơn Trạch đã tiếp nhận đơn thư tố cáo về hành vi lừa đảo nêu trên của các nạn nhân.

Thiếu tá Đặng Quang Hùng - Đội trưởng Đội Cảnh sát Hình Sự, Công an huyện Nhơn Trạch cho biết: Ngoài các thủ đoạn trên, các đối tượng còn dùng thủ đoạn khác là hình thức lừa đảo trúng thưởng các sản phẩm có giá trị cao như: Xe máy, tivi, điện thoại, gọi cho nạn nhân và thông báo rằng “anh, chị đã may mắn trúng thưởng của công ty”, đồng thời yêu cầu người dân chuyển khoản trước một số tiền gọi là “phí vận chuyển” hoặc tiền thuế thì sẽ nhận được quà tặng, sau khi nạn nhân đã chuyển tiền thì cũng là lúc “lời hứa” không bao giờ được thực hiện”.

Tinh vi hơn, những đối tượng này tiếp tục có chiêu trò mới, đó là hình thức mua xe giá rẻ. Lập một trang web có nội dung bán xe máy giá rẻ nhắm vào tâm lý muốn mua xe “xịn” với giá rẻ, khiến không ít nạn nhân tiếp tục sập bẫy. 

Cụ thể, muốn mua xe, khách phải đóng các khoản phí và chuyển tiền đặt cọc từ 30-50% cho bên bán. Để tạo sự tin tưởng, các đối tượng dùng phần mềm để chỉnh sửa giấy tờ, biển số xe giống y như thật rồi gửi cho khách xem. Phương thức đặt cọc chủ yếu là chuyển khoản từ vài triệu đến cả chục triệu đồng. Khi nhận được tiền cọc, các đối tượng liền... chặn liên lạc đối với nạn nhân. 

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật