Những giọt nước mắt ngày “xuống núi”

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Lần đầu tiên Yên Bái thực hiện chuyển vùng cho 45 giáo viên từ vùng đặc biệt khó khăn về các trường vùng thấp, đã khiến nhiều người bật khóc…
Những giọt nước mắt ngày “xuống núi”
Lãnh đạo tỉnh Yên Bái chụp ảnh lưu niệm với các giáo viên được thuyên chuyển công tác. Ảnh: Thái Sinh.

Đó là những giọt nước mắt vui mừng đã chảy tràn trên mi mỗi thầy cô giáo, sau cả chục năm gắn bó với những mái trường vùng cao ngập tràn nắng gió, giá rét và sự cô đơn. Nhiều người để lại sau lưng mình cha mẹ già, con nhỏ… hàng ngày tận tâm với việc gieo con chữ cho lũ trẻ vùng cao…

Sáng ngày 25/6/2021 tỉnh Yên Bái tổ chức buổi gặp mặt và công bố quyết định thuyên chuyển công tác cho 45 giáo viên ở các huyện vùng cao Trạm Tấu, Mù Cang Chải và các xã đặc biệt khó khăn ở các huyện Văn Chấn, Lục Yên, Văn Yên.

Chủ tịch tỉnh Yên Bái ông Trần Huy Tuấn chủ trì buổi gặp mặt đã đánh giá cao sự đóng góp của các thầy cô giáo: Hiện nay, tỉnh Yên Bái có hơn 6.000 giáo viên, trong đó có 45,7% đang công tác tại các vùng dân tộc thiểu số, vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn, nhiều thầy cô giáo đã gắn bó với vùng cao từ 10 năm trở lên, mang hết tuổi thanh xuân cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, vượt qua khó khăn gian khổ và sự thiếu thốn về vật chất, xa gia đình vợ con, bất đồng ngôn ngữ, lạ lẫm về phong tục tập quán… hàng ngày bám trường, bám lớp tất cả vì học sinh thân yêu…

Điểm trường Ma Lừ Thàng, trường TH&THCS Dế Xu Phình. Ảnh: Thái Sinh.

Mấy chục năm qua các thế hệ giáo viên không quản ngại gian khổ bám trường bám lớp, tận tụy với học sinh vùng cao, vùng đồng bào dân tộc đào tạo nhiều thế hệ học sinh, nhiều người trở thành giáo viên, thầy thuốc, bộ đội, kiểm lâm…cung cấp nguồn cán bộ từ xã đến tỉnh, trong đó có nhiều người trở thành cán bộ chủ chốt của xã và huyện.

Các thầy cô giáo vùng cao “cõng chữ lên non” phải băng đèo, lội suối nhất là mùa mưa lũ để đến được các điểm trường vùng sâu, các thầy cô phải bám cây rừng mà đi, leo dây qua những vách núi trơn trợt chỉ sơ sẩy một chút là mất mạng như chơi.

Cô giáo Nguyễn Thị Như Trang, giáo viên trường Phổ thông dân tộc nội trú trung học cơ sở huyện Mù Cang Chải đã xúc động kể: Hơn 10 năm gắn bó với vùng cao chúng tôi không thể quên được những ngày leo núi lên các bản vùng cao đón học sinh về trường, nhiều em còn nhỏ không mang nổi túi xách và quần áo chúng tôi phải mang đỡ các em, nhiều đoạn đường lầy thụt phải cõng các em. Những ngày đi dạy phổ cập trên các bản người Mông trên các đỉnh núi quanh năm mây mù bao phủ, xa trung tâm huyện cả chục cây số không dễ gì mua được thực phẩm, nhớ nhà, nhớ con nhỏ không dễ gì về được, nhiều khi đi đường quá mệt không kịp nấu cơm đành úp bát mì ăn vội để kịp lên lớp… Nay nhớ lại những ngày gian khó đó, tôi không thể nào quên được những đôi mắt ngây thơ, hồn nhiên của các em học sinh ăn không đủ no, áo không đủ ấm, chân trần lội bùn trong mưa rét… đã níu giữ chúng tôi ở lại với các em…

Kể lại chuyện đó, nước mắt cô giáo Trang tự nhiên ứa ra: Nay chúng tôi được về dạy gần nhà theo nguyện vọng, có thời gian chăm sóc gia đình và con cái, nhưng lại băn khoăn: Khi chúng tôi chuyển đi rồi, ai sẽ là những người thay thế vị trí của  chúng tôi để tiếp tục đồng hành cùng các em học sinh vùng cao còn quá nhiều gian khổ…

Cô giáo dạy các cháu mẫu giáo huyện Mù Cang Chải. Ảnh: Thái Sinh.

Câu chuyện của cô giáo Nguyễn Thị Như Trang khiến tôi nhớ tới người bạn cùng học với tôi là thầy Nguyễn Văn Cang hiệu trường trường Phổ thông cơ sở Dế Xu Phình. Hơn ba mươi năm mới gặp lại nhau, tóc chúng tôi đều đã bạc, Cang bảo: Anh muốn thăm lớp ghép trường chúng tôi à? Xã Dế Xu Phình có 3 điểm trường lẻ có lớp ghép Ma Lừ Thàng, Phình Hồ và Chống Xua. Trời mưa thế này anh chỉ đến được Ma Lừ Thàng thôi, đường lên Phình Hồ và Chống Xua xa 7 - 8 cây số, đường dốc ngược, trơn lắm…

Tôi ngồi sau xe máy của anh kế toán nhà trường lên Ma Lừ Thàng. Con đường trơn nhầy nhụa, nhiều đoạn tôi phải xuống xe, nếu ngã không gãy tay thì cũng vỡ đầu, nên tôi hãi lắm. Anh kế toán bảo tôi: Cả chín tháng trời các giáo viên ở đây ngày nào cũng phải đi trên con đường này, ngày nắng ráo còn đỡ, còn những ngày mưa không ngày nào giáo viên dạy ở các điểm trường lẻ đi về không bị ngã. Ngày mưa các thầy cô đều mang quần áo dự phòng, nếu chẳng may bị ngã thì còn có quần áo để thay, chứ mặc quần áo ướt dạy thế nào được, ở trên núi lạnh lắm…

Cô giáo Phan Thị Ninh dạy lớp ghép 4+5 điểm trường Ma Lừ Thàng (ảnh chụp năm 2009) Ảnh: Thái Sinh.

Điểm trường lẻ Ma Lừ Thàng gần nhất, nên giáo viên còn đi về được, còn hai điểm trường Phình Hồ và Chống Xua thì các thầy cô giáo phải nghỉ tại trường. Cô giáo Phan Thị Ninh dạy ghép lớp 4 và lớp 5 với 19 học sinh, lớp 4 có 6 em, lớp 5 có 13 em. Hôm nay lớp 4 chỉ có 4 học sinh, lớp 5 chỉ có 10 học sinh, cô Ninh buồn rầu bảo: Rất ít khi lớp học đông đủ, nhất là mùa gặt, các em xin phép ở nhà đi gặt giúp gia đình...

Cô giáo Nguyễn Thị Tùng Bách kể lại 21 năm dạy học trên huyện vùng cao Trạm Tấu. Ảnh: Thái Sinh.

Cô giáo Nguyễn Thị Tùng Bách hơn 20 năm dạy học ở huyện Trạm Tấu xúc động kể: Năm 2000 sau khi tốt nghiệp Trung học sư phạm 12+2 tôi xung phong lên vùng cao dạy học, sau mấy năm dạy ở xã Xà Hồ rồi đến Túc Đán đều là những xã khó khăn bậc nhất huyện Trạm Tấu. Mỗi điểm trường chỉ có 1 - 2 giáo viên. 5 giờ sáng đã phải dậy đến nhà gọi học sinh đi học, nếu gọi muộn các em lên nương cùng bố mẹ mất. Cuộc sống thiếu thốn trăm bề, những lúc ốm đau muốn bỏ cuộc, nhưng nhìn các em chân trần băng rừng đến lớp với niềm khát khao học tập, đã tiếp cho tôi nghị lực để ở lại với các em. Đến nay, đã 21 năm dạy học ở vùng cao, nhiều trường đã được xây dựng khang trang hơn, nhưng nhiều điểm trường vẫn còn tạm bợ, các thầy cô vẫn còn phải đối mặt với khó khăn thách thức. Dù phải xa nơi ấy tôi vẫn không thể quên những năm tháng đã qua…    

Cô Hà Thị Thanh dạy các cháu mẫu giáo ở điểm trường Đề Chơ. Ảnh: Thái Sinh.

Đầu tháng 3 năm nay tôi vượt núi lên xã Làng Nhì tới thôn Đề Chơ của huyện Trạm Tấu, nơi đây có một điểm trường mẫu giáo do cô giáo Hà Thị Thanh dạy đã 7 năm nay, Thanh cho biết: Điểm trường mẫu giáo Đề Chơ chỉ có một lớp, những năm trước có hơn chục cháu, sau khi hết tuổi mẫu giáo thì các cháu về học tập trung ở khu trường chính cách đây gần chục cây số. Năm học này chỉ có 10 cháu, hôm nay 3 cháu nghỉ vì ốm, thành ra chỉ còn 7 cháu đến lớp… Nói rồi cô đứng ra cửa gọi ơi ới tên học sinh nhưng không lời đáp.

Thôn Đề Chơ nằm khuất nẻo trong hẻm núi nhìn lên dòng thác Háng Đề Chơ quanh năm tung bọt trắng xóa như chảy từ trên trời xanh mây trắng xuống. Nơi không có sóng điện thoại, không điện, không Intenet, nhà cô ở tận huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La. Điểm trường chỉ có một giáo viên, nên không thể nhờ ai dạy thay được, những lúc nhớ con cô giáo chỉ biết tựa cửa nhìn ra dòng thác Háng Đề Chơ trắng xóa mà nước mắt tuôn rơi.

Tôi hỏi Thanh: Khó khăn như thế, cô đơn như thế sao cháu vẫn bám trường, bám lớp? Thanh cười bảo: Đôi lúc cháu cũng muốn bỏ nghề, nhưng nhìn lũ trẻ nơi này, chúng đang cần cháu, nên cháu ở lại chú ạ…

Đây là lần đầu tiên tỉnh Yên Bái thực hiện việc thuyên chuyển giáo viên từ vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn với số lượng lớn. Những giáo viên được thuyên chuyển công tác đều là những giáo viên dạy học lâu năm ở vùng cao, có thành tích xuất sắc, hoàn cảnh gia đình khó khăn được giải quyết theo nguyện vọng một cách công khai, minh bạch, điều đó đã khiến nhiều thầy cô giáo không cầm nổi nước mắt.

Ông Vương Văn Bằng - GĐ Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Yên Bái trao quyết định thuyên chuyển công tác cho các giáo viên. Ảnh: Thái Sinh.

Trong đợt thuyên chuyển công tác lần này, huyện Mù Cang Chải có 19 giáo viên, huyện Trạm Tấu 15 giáo viên đã để lại một khoảng trống rất lớn cho giáo dục vùng cao. Bà Lương Thị Xuyến - Phó Chủ tịch huyện Mù Cang Chải băn khoăn: Trong 19 giáo viên được chuyển đợt này có 8 giáo viên mầm non, 6 giáo viên tiểu học, 5 giáo viên trung học cơ sở. Đây là chương trình rất nhân văn, không chỉ các giáo viên xúc động mà cán bộ quản lý chúng tôi cũng xúc động mừng cho các thầy cô giáo. Niềm vui hôm nay cũng là nỗi lo đối với giáo dục Mù Cang Chải, hiện chúng tôi đang thiếu 100 giáo viên mầm non, 88 giáo viên nhóm 2 để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, 69 giáo viên tiểu học, 26 nhân viên kế toán và y tế học đường, rất mong được tỉnh bổ sung.

Ông Trần Huy Tuấn- Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái: Việc làm này thể hiện sự ghi nhận sự cống hiến của các thầy cô giáo và tính nhân văn sâu sắc, đáp ứng nguyện vọng của các thầy cô giáo. Sở Nội vụ cùng Sở Giáo dục - Đào phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát biên chế của ngành Giáo dục - Đào tạo, xem xét nguyện vọng của các giáo viên nhiều năm gắn bó với giáo dục vùng cao đạt thành tích xuất sắc để tiếp tục sắp xếp, điều động trong thời gian tới…

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật