Ngôi làng nói tiếng kỳ lạ

Lovelife Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Người dân làng An Tiến, xã Đức An (Đức Thọ, Hà Tĩnh) khi trò chuyện với nhau thường dùng một ngôn ngữ riêng, giọng nói của họ nhanh và rất luyến láy khiến người vùng khác đến thường chỉ biết ngẩn tò te đứng nhìn.
Ngôi làng nói tiếng kỳ lạ
 Một góc của vùng Thanh Long, làng An Tiến. Ảnh: Đức Hùng

Làng An Tiến nằm dưới chân núi Trà Sơn, cách trung tâm thị trấn Đức Thọ khoảng 5 km về phía Nam. Làng có lịch sử hàng trăm năm, trước kia là nơi biên ải của đế chế Chămpa cổ, người dân quanh năm làm nghề nông và buôn bán nhỏ.

Ông Lê Bá Kỳ (người nghiên cứu sử tích An Tiến) cho biết tuy cùng một làng, nhưng lại chia thành 3 vùng nhỏ là An Tiến, Thành Long và Đại An, có tiếng nói rất khác biệt. "Khi trò chuyện, người làng thường nói rất nhanh, tiếng luyến láy, lúc to, lúc lí nhí và chỉ họ mới hiểu được. Trong đó An Tiến và Đại An có tiếng nói na ná nhau, riêng người Thành Long nói tiếng rất khó nghe", ông Kỳ nói.

Theo ông Kỳ, việc một thôn làng tồn tại ba tiếng nói khác nhau là rất thú vị và khó cắt nghĩa. Tương truyền trước kia trong làng có ba nguồn nước, quá trình sinh sống và uống nguồn nước ấy nên người dân phát âm theo cách "không giống ai". Nhiều nhà ngôn ngữ học đã về tìm hiểu nhưng chưa thể lý giải được.

Ông Đường Minh Hóa (56 tuổi, trưởng vùng Thanh Long) giải thích, ở làng An Tiến, người dân khi phát âm chữ a thường bị lái sang chữ e, chữ u thành chữ ô. Các từ phổ biến như anh thì thành eng, mẹ thành chị, hỏi thành huổi, đó là đú, đúng là đuống, con chó là con chú, con gà thì là con gồ...

Ông Đường Minh Hóa cho hay, người ngoài xã khi nghe dân làng An Tiến nói, nếu không có "phiên dịch" thì chỉ biết lắc đầu cười trừ. Ảnh: Đức Hùng

Phương ngữ của An Tiến thường được dùng để nói với người cùng làng. Đối với người từ các xã, huyện khác đến thì sẽ dùng tiếng phổ thông để nói lại. "Nếu như ai đó nghe chúng tôi độc thoại một lúc thì chắc chắn chỉ biết lắc đầu rồi cười trừ", ông Hóa tếu táo.

Có rất nhiều câu chuyện bi hài xung quanh việc hiểu nhầm nghĩa của lời nói được người dân An Tiến lưu truyền. Ông Hóa kể, trong ngày Tết, có chàng rể về thăm bố mẹ vợ ở An Tiến. Khi tới nhà, bố vợ bảo: "Ra bắt cong gô mần thịt". Chàng rể hiểu nhầm là bố chê mình gồ ghề, bẩn thỉu nên đi vào trong hỏi vợ: "Sao quần áo anh sạch sẽ, không có vết bẩn nào, người cũng cân đối, không gồ ghề, bố nói như thế là không phải". Nghe chồng nói, cô vợ cười giải nghĩa: "Ra bắt cong gô mần thịt có nghĩa là bố nói anh ra bắt con gà làm thịt". Nghe xong, vợ chồng trẻ nhìn nhau tủm tỉm cười.

Hay có lần, một cô gái quê huyện Thạch Hà về làm dâu An Tiến, trong bữa cơm, bố chồng bảo: "Cun ơi đưa bê rượu ra ta uôn", nghĩa là "Con ơi, đưa chai rượu ra để uống". Cô con dâu nghe xong, lẳng lặng đi xe máy ra quán tạp hóa mua ba thùng bia về nhà. Thấy mua bia, bố chồng hỏi bố đâu có bảo mua, cô con dâu đáp lại rằng cứ tưởng bô nói "bê" tức là "bia". Khi tìm trong nhà không thấy bia nên đã đi mua về, cả nhà nghe được trận cười nghiêng ngả.

Anh Lĩnh (người xã Đức Lâm) kể rằng, vào An Tiến khó khăn nhất là hỏi đường và hỏi nhà. Có lần, khi thấy hai người dân đang nói chuyện với nhau, anh hỏi nhà ông Lịch, thôn Đại An ở đâu, một người nhanh nhảu đáp một tràng: "Lại đú, quèng vô đú, vô đú". "Lúc đó tôi chẳng hiểu gì, sau người kia phiên dịch lại có nghĩa là: Lại đó, rẽ vào đó rồi vào đó", anh Lĩnh nhớ lại và cho hay cảm thấy thích thú khi ở trong tỉnh mà giống như đang được nghe nói "tiếng nước ngoài".

Người dân ở làng An Tiến luôn hài hước, trong tiếng nói của họ luôn có sự "pha trò" để mọi người cùng cảm thấy vui vẻ. Ảnh: Đức Hùng

Ông Hóa thông tin thêm, tiếng nói của làng An Tiến là "đặc sản" tạo nên bản sắc riêng cho làng. Đôi khi, nhiều người hỏi tên chính của làng thì không ai hay, nhưng khi hỏi rằng "làng nói tiếng khó nghe" ở đâu thì ai cũng biết. "Tiếng nói ấy có pha sự hài hước, hóm hỉnh. Nó cũng giống như bản chất nho nhã, phong lưu, yêu văn hóa văn nghệ của bà con trong vùng", ông Hóa nói.

Ông Lê Bá Hạnh, Phó giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh cho biết, An Tiến nói riêng và xã Đức An nói chung là một vùng đất rất linh thiêng, người dân giàu lòng yêu nước. Trong thời kỳ kháng chiến chống quân Minh, vùng đất từng là nơi cung cấp lương thực, căn cứ địa giúp nghĩa quân Lam Sơn đánh giặc.

Về tiếng nói khác lạ của làng An Tiến, ông Hạnh cho hay trước kia từng có nhiều đoàn tìm hiểu, đa số đều nhận định nhiều khả năng là do khí hậu và nguồn nước ở vùng này đặc biệt hơn so với vùng khác, tuy nhiên đó chỉ là giả thiết, chưa có kết luận cụ thể. 

"Đây là một nét văn hóa đặc sắc của vùng quê nông thôn, sắp tới chúng tôi sẽ có những buổi về An Tiến điền dã về góc độ dân tộc học để thu thập thêm tư liệu về nghiên cứu, tìm hiểu nguyên nhân lý giải sự khác lạ về giọng nói", ông Hạnh nói.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật