Bé gái nhí nhố, thích thú múa hát khi cùng mẹ đi bán vé số ở Sài Gòn

Lumia Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Phía sau hình ảnh ba mẹ con lang thang trên đường giữa lúc dịch cao điểm là một câu chuyện đau lòng và nhiều nỗi khổ tâm.
Bé gái nhí nhố, thích thú múa hát khi cùng mẹ đi bán vé số ở Sài Gòn
3 mẹ con chị Mai Anh “rời nhà“ đi bán vé số ngoài đường giữa thời điểm dịch còn phức tạp.

Sài Gòn những ngày chống dịch, hàng quán đều đóng cửa kín mít, đường phố vắng vẻ lộ rõ sự cô quạnh. Trên vỉa hè của nhiều tuyến đường tại trung tâm quận 1, chỉ còn lác đác vài người bất chấp nguy hiểm bán vé số kiếm tiền sống qua ngày.


Có nhà nhưng chưa thể về...

2 giờ chiều, chị Mai Anh (38 tuổi, quê Hà Nội) chọn một góc vỉa hè trên đường Võ Thị Sáu, vừa trông con vừa chờ chủ đại lý mang vé số đến giao để kịp giờ đi bán. Bên cạnh chị Anh là bé Uyên (12 tuổi) và Huyền (4 tuổi), hai đứa trẻ ngồi lọt thỏm trong 2 chiếc thùng xốp, nô đùa vui vẻ. Xung quanh đó là vài vật dụng như quần áo, sữa bánh lỉnh kỉnh được bỏ trong những chiếc túi nilong mỏng. Có vẻ như, ba mẹ con này... chẳng có nhà.

Trò chuyện một lúc, chị Anh cho biết chồng làm tài xế taxi, trong hơn một năm vừa qua do ảnh hưởng dịch nên thu nhập không cao. dịch đợt 4 bùng phát tại TP.HCM, cả 2 vợ chồng đều không có thu nhập ổn định. Nhờ có nhà ở Sài Gòn nên chị Mai Anh không lo thiếu chỗ ngủ, chi phí sinh hoạt thì tạm thời sử dụng tiền tiết kiệm.

Thế nhưng, dịch bệnh kéo dài hơn 2 tháng, tiền tiết kiệm 5 năm cũng tiêu sạch. Oái ăm hơn, khu vực nhà chị lại bị phong tỏa do liên quan đến 1 bệnh nhân nhiễm dịch. Nghĩ cảnh gần 1 tháng không có tiền nuôi con, chị Mai Anh và chồng đành liều lĩnh, tặc lưỡi khóa cửa nhà, ra ngoài ở và đợi ngày gỡ phong tỏa sẽ về.


Ngồi hơn 2 tiếng đồng hồ, chị Mai Ảnh chỉ mới bán được 6 tờ vé số. 

Nỗi lòng người mẹ mang con ra đường, kiếm tiền ăn qua ngày

Mỗi ngày, chị Mai Anh sẽ đưa con đi bán vé số tại góc đường Võ Thị Sáu giao với đường Hai Bà Trưng, từ 11 giờ đến khuya. Buổi trưa nắng nóng, chị sẽ cho con ngủ trên ghế đá hoặc gần nhà vệ sinh công cộng tại công viên Lê Văn Tám.

Khi nào bán hết vé, ba mẹ con dắt nhau đi thuê nhà nghỉ với mức giá 150.000 đồng/đêm. Lúc này, khi các con nghỉ ngơi, chị mới tranh thủ dọn dẹp và giặt giũ lại quần áo, hong quạt cho khô. Hơn một tuần qua, ba mẹ con vẫn sống lầm lũi, đội nắng dầm mưa ngoài đường như vậy.

"Bất đắc dĩ lắm mới phải mang con ra đường. Thấy con phơi nắng, hít bụi, mình cũng đau xót hết ruột gan. Thi thoảng ngồi trước cửa nhà người ta, họ còn hắt nước đuổi đi, tủi lắm. Có lẽ đợi hết dịch, chị phải kiếm việc khác như bán gỏi cuốn, bò pía... tiện chăm và cho con đi học" - chị Mai Anh tâm sự.


Cô gái 4 tuổi "mè nheo" để được sà vào lòng mẹ.

Chia sẻ thêm, chị cho biết bé Uyên bị bệnh động kinh bẩm sinh, phải uống thuốc thường xuyên. Tiền chồng kiếm được chỉ đủ lo chuyện ăn uống, còn thuốc thang cho con thì phải kiếm từng đồng từ việc bán vé số. Nhờ việc uống thuốc thường xuyên, hơn một năm trở lại đây, cô bé mới không phát bệnh nhưng thi thoảng vẫn hay thiếu tập trung, bướng bỉnh khác thường.

Ngoài Uyên và Thanh Huyền, chị Mai Anh còn có một cô con gái 20 tuổi đã lấy chồng ở Long An, hiện đang nuôi con nhỏ. Chị chia sẻ: "Con gái chị từng xấu hổ vì mẹ nó bán vé số, tới độ nó tự ti không dám giao tiếp với ai. Thế nhưng, chị thì nghĩ khác. Bán vé số cũng là kiếm tiền chân chính, đồng tiền trong sạch chứ có gì phải xấu hổ. Đời chị khổ rồi, giờ chị phải lo cho 2 đứa nhỏ. Tụi nó phải được đi học, sau này không thành tài cũng thành người, em ạ!".

Được biết, gia đình con gái đầu của chị Anh cũng khó khăn nên không thể giúp đỡ bố mẹ về vật chất. Hai mẹ con cũng ít nói chuyện vì "đụng đâu cãi đó".


Bé gái nhỏ hơn rất thích thú khi được ngồi trong thùng xốp.

Thấy mẹ bận nói chuyện với khách, Uyên chủ động trông em, thi thoảng lên tiếng quát nhẹ vì bé Thanh Huyền không nghe lời. Hai đứa trẻ tự chơi chẳng phiền đến mẹ, thi thoảng lại cười lên vài tiếng giòn tan như màu nắng Sài Gòn. 

Uyên đã 12 tuổi nên khá cảnh giác với người lạ, chỉ lân la xin 1 hộp sữa đậu nành để uống cho đỡ khát. Ngược lại với chị gái, bé Thanh Huyền rất thích máy ảnh nên thường làm quen và ngẫu hứng khuy tay, múa chân diễn tả lại những bài học được ở trường trước khi nghỉ dịch. Đáng yêu hơn, cô bé còn ngân nga vài câu hát thiếu nhi quen thuộc bằng chất giọng "ngọng líu, ngọng lô" khiến mẹ và mọi người phì cười.


Thanh Huyền thích làm trò, thi thoảng múa hát để thu hút sự chú ý của mọi người.

Thi thoảng, Uyên sẽ chạy lại hỏi mẹ: "Mẹ ơi! Tại sao mình lại phải đeo khẩu trang và ở ngoài đường suốt thế này hả mẹ? Khi nào hết dịch để được về nhà? Khi nào con được tới trường, đi học. Con nhớ bạn bè và cô giáo lắm rồi". Thấy chị hỏi, Thanh Huyền cũng ngọng nghịu hỏi theo với khuôn mặt ngây thơ, hồn nhiên rồi lại chạy tới chiếc trống màu hồng - thứ đồ chơi duy nhất của cô bé để nghịch ngợm.

Theo chị Mai Anh, hồi còn ở nhà riêng, mỗi tối trước khi đi ngủ, Uyên vẫn thường xếp đồng phục của mình và em gái, để sẵn trên bàn học. Với cô bé, việc trở lại trường hợp là ước mơ duy nhất và mãnh liệt trong thời điểm này. Nghe câu hỏi của con, chị Mai Anh chỉ biết nghẹn lời, rơm rớm nước mắt vì chính bản thân chị còn không biết, khi nào dịch hết.


Ánh mắt "thèm được đi chơi" của bé gái 4 tuổi khiến nhiều người xót xa.

Gia đình chị Mai Anh chỉ là một trong những hoàn cảnh khốn khổ, đang loay hoay tìm cách mưu sinh để sống qua ngày. Sài Gòn vẫn còn "bệnh", người Sài Gòn "còn khóc", bởi vậy, hi vọng dịch sẽ sớm qua để cuộc sống trở lại bình thường. Lúc đó, Uyên, Thanh Huyền và rất nhiều đứa trẻ khác lại tiếp tục được đến trường, vui chơi trong hạnh phúc. 

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật