Một tuyến hầm Hải Vân hoàn chỉnh

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Từ trên cao nhìn xuống, con đèo Hải Vân khúc khuỷu uốn lượn trên sườn Bạch Mã hùng vĩ, một nhánh của dãy Trường Sơn nối Thừa Thiên Huế và TP Đà Nẵng. Dưới trùng điệp núi rừng ấy là “đại công trình” hầm Hải Vân hoàn chỉnh, đã đi vào hoạt động thông suốt từ trước Tết Nguyên đán vừa qua. Chỉ một thời gian ngắn, nhưng hầm Hải Vân 2 đã nhanh chóng khẳng định vai trò to lớn trong việc mở rộng thông thương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Một tuyến hầm Hải Vân hoàn chỉnh
Trạm thu phí hầm Hải Vân.

Cách trở không còn

Cung đường đèo Hải Vân dài 20 km quanh co men theo triền núi, uốn lượn như dải lụa vắt ngang trời, ẩn hiện giữa núi rừng nhưng một thời gian dài, cung đường này đã xảy ra biết bao tai nạn giao thông (TNGT) đáng tiếc. Nhiều người còn chưa quên vụ TNGT ngày 8-1-2019, xe khách BKS 51B-22.930 chở hơn 20 sinh viên Trường cao đẳng Kiên Giang đi thực tập, khi lưu thông qua đèo Hải Vân, do địa hình hiểm trở, chiếc xe bị mất lái, đâm vào vách núi rồi lật xuống vực sâu hơn 20 m. Vụ TNGT thảm khốc này đã khiến một nữ sinh t‌ử von‌g trên đường đi cấp cứu, 21 người bị thương phải đi bệnh viện.

Trong dịp tri ân các gia đình chính sách nhân Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7) năm ngoái, Phó Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả Nguyễn Tấn Đông dẫn chúng tôi thăm các gia đình chính sách khu vực thị trấn Lăng Cô (Thừa Thiên Huế). Trong số họ, có nhiều gia đình thuộc diện phải di dời khi giải phóng mặt bằng phục vụ việc thi công hạng mục dự án hầm Hải Vân 2. Chúng tôi vào nhà bà Ngô Thị Lợ, là chiến sĩ cách mạng từng bị địch bắt tù đày, năm nay bà gần 90 tuổi với gần 60 năm tuổi Đảng. Gia đình bà Ngô Thị Lợ có nhà nằm trong diện giải phóng mặt bằng công trình hầm Hải Vân 2. Sau khi tiên phong thực hiện bàn giao mặt bằng và di dời đến nơi ở mới, giờ đây gia đình bà Lợ đã có cuộc sống yên ấm trong căn nhà mới khang trang tại nơi tái định cư cách nơi ở cũ không xa. Bà Lợ xúc động, bày tỏ cảm ơn Đảng, Nhà nước, Tập đoàn Đèo Cả và chính quyền thị trấn Lăng Cô đã đến thăm hỏi. Cách đó không xa là nhà ông Nguyễn Văn Cận, cán bộ lão thành cách mạng nằm ngay cạnh chân đèo Hải Vân. Dành cả tuổi thanh xuân đi chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, khi chiến trường lắng mùi khói súng, ông Cận trở về quê hương tiếp tục lao động sản xuất. Mấy chục năm sống bình lặng dưới chân đèo, gần 90 tuổi ông lại được chứng kiến sự đổi thay không ngờ. Năm 2005, sau nhiều năm thi công xây dựng, hầm đường bộ Hải Vân hoàn thành, lần đầu tiên ông được đi xuyên núi. “Chỉ người dân Lăng Cô có người thân sống ở Đà Nẵng mới cảm nhận được giá trị của tuyến hầm này, bởi trước đây muốn qua lại thăm nhau phải trèo đèo vượt dốc rất khổ cực”, ông Cận nói. “Lúc Nhà nước chuẩn bị đào hầm xuyên núi Hải Vân, tôi nghĩ không biết đến khi nào xong, cứ mong được sống đến lúc đó để chứng kiến. Người dân Lăng Cô mong đợi công trình này lắm”, ông Nguyễn Văn Cận tâm đắc. 

Xem Video: Thiếu kinh phí vận hành hầm Hải Vân 2

//

Ông Nguyễn Tấn Đông cho biết, các hộ gia đình trong diện giải phóng mặt bằng, khi chính quyền địa phương đặt vấn đề di dời chỗ ở, họ đã đồng ý đến nơi ở mới không một chút đắn đo, với mục đích quê nhà có thêm một công trình để đời mang tầm vóc thế kỷ, hiện đại, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội không chỉ cho Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng mà cho các tỉnh khu vực miền trung cũng như cả nước. 

Công trình tầm vóc thế kỷ

Ngày 11-1-2021, tại cửa phía nam hầm Hải Vân, quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng), Tập đoàn Đèo Cả phối hợp Bộ Giao thông vận tải (GTVT), chính quyền hai địa phương Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng khánh thành, đưa vào khai thác hầm Hải Vân 2. Đây là một công trình khẳng định năng lực của doanh nghiệp Việt Nam trong việc thực hiện một dự án mang tầm cỡ quốc tế. Đại diện lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả cho biết: “Khi đề xuất triển khai dự án, đơn vị ý thức được tầm quan trọng to lớn và những khó khăn thách thức phải đối mặt. Chúng tôi xác định đây là sứ mệnh lịch sử, tư tưởng xuyên suốt và chi phối toàn bộ quá trình thực hiện dự án. Chúng tôi tham gia dự án không chỉ vì lợi nhuận, doanh thu, mà còn vì sự đóng góp cho sự phát triển cơ sở hạ tầng của đất nước, khẳng định năng lực, tầm vóc của doanh nghiệp Việt Nam trong cuộc đua tranh quốc tế”. Cùng chuỗi các hầm do Tập đoàn Đèo Cả thực hiện, hầm Hải Vân sau khi đi vào vận hành đã giúp giảm thiểu tai nạn giao thông, rút ngắn thời gian di chuyển, mang lại lợi ích to lớn về kinh tế - xã hội. Đây là công trình minh chứng cho trí tuệ, bản lĩnh người Việt ngang tầm thế giới trong cuộc đua tranh phát triển ngày càng quyết liệt.

15 năm vận hành, khai thác (từ tháng 6-2005 đến nay), đã có hơn 20 triệu lượt xe qua hầm Hải Vân. Mỗi lần có sự cố như ô-tô chết máy hoặc va chạm trong hầm là một lần đội ngũ quản lý vận hành lại phải đóng hầm giải quyết sự cố. Quản lý vận hành đã ứng trực giải quyết TNGT rất tốt, có những cuộc giải cứu chỉ tính bằng phút. Dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 vừa qua, trong hai ngày đã có khoảng 30 nghìn lượt xe lưu thông qua hầm Hải Vân, bình quân mỗi ngày có gần 15 nghìn lượt xe lưu thông qua hầm. Ông Võ Ngọc Trung, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả, đơn vị quản lý vận hành hầm Hải Vân cho biết: “Dịp lễ năm nay, lưu lượng giao thông qua hầm tăng hơn so ngày thường. Tuy nhiên, xe được lưu thông cả hai ống hầm cho nên không còn tình trạng ùn tắc kéo dài trên hai tuyến đường dẫn nam - bắc, trong hầm và kể cả tại trạm thu phí Bắc Hải Vân. Giao thông thông suốt so dịp lễ các năm trước”. Các lái xe cho biết, thời gian lưu thông qua hầm của phương tiện nhanh, bình quân khoảng 5 đến 6 phút, tầm nhìn trong hầm thông thoáng, các phương tiện chấp hành tốt các quy định khi lưu thông, bên cạnh đó, khi có sự cố xe hỏng trong hầm, việc điều tiết hướng dẫn giao thông cũng không gây ùn tắc như lưu thông hai chiều trong một ống hầm trước đây. Như vậy, hầm Hải Vân với hai ống hầm và hệ thống đường dẫn hoàn chỉnh lần đầu tiên phục vụ dịp nghỉ lễ của đất nước, lưu lượng tăng cao nhưng hoàn toàn không còn cảnh ùn tắc là sự kiện chưa từng có. Hầm Hải Vân 2 đi vào khai thác được xem như cuộc “giải cứu” từ trong lòng núi.

PGS, TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam cho rằng: “Chỉ sau một thời gian ngắn đưa vào vận hành, hầm Hải Vân 2 đã khẳng định sự ưu việt của việc lưu thông hai ống hầm. Nó đã khắc phục tối đa các hạn chế về tổ chức giao thông và quản lý vận hành hầm Hải Vân 1 như quẩn khí, tốn kém trong vận hành hệ thống lọc bụi tĩnh điện (3 trạm lọc bụi tĩnh điện), hệ thống hút khí bẩn, cấp khí tươi và nguy cơ mất an toàn giao thông do lưu thông 2 làn xe ngược chiều trong một ống hầm”. Bộ Giao thông vận tải cũng đánh giá việc triển khai giai đoạn 2 của dự án sẽ góp phần bảo đảm năng lực vận hành, khai thác hầm Hải Vân, nhất là trước đà tăng trưởng lưu lượng phương tiện từ 10 đến 15%/năm, ngăn ngừa tình trạng quá tải ở ống hầm Hải Vân 1 hiện nay, đồng thời đồng bộ quy mô bốn làn xe trên toàn tuyến quốc lộ 1.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật