Đôi vợ chồng già sống dưới gầm cầu thang, 7 lần bất lực nhìn con chết

Star Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trải qua nhiều biến cố cuộc đời, tận mắt nhìn 7 đứa con lần lượt “ra đi“ vì bạo bệnh giữa rừng thiêng nước độc, không nhà cửa, vợ chồng bà Trà chọn gầm cầu thang của một chung cư cũ, đang xuống cấp trầm trọng tại Thanh Đa... là nơi tá túc những ngày tuổi già.
Đôi vợ chồng già sống dưới gầm cầu thang, 7 lần bất lực nhìn con chết
Ảnh minh họa

Một ngày đầu tháng 5, trong cái nóng hầm hập, cháy da của Sài Gòn, PV Dân trí đã dừng chân tại khu gầm cầu thang chung cư Thanh Đa (Bình Thạnh, TPHCM). Ghé lại đây không phải để tránh cái nắng như đổ lửa mà là đến thăm đôi vợ chồng già là cụ ông là Hồ Đắc Tá - nay bước qua tuổi 82 và cụ bà Dương Thị Trà đã vào độ tuổi "thất thập cổ lai hy". 

Nhà của cặp vợ chồng già Tá - Trà gọi là "nhà" cho sang chứ với diện tích vỏn vẹn chưa đầy 10 m2, nằm nép mình dưới hốc gầm cầu thang tầng trệt của chung cư tập thể cũ, ngay sát bên điểm thu gom rác của khu phố. Cộng thêm những tài sản, vật dụng trong nhà đều bị "sứt càng gãy gọng" do những người mua ve chai tốt bụng tặng lại cho ông bà có cái mà sử dụng... Với ngôi nhà như thế, liệu có thể gọi là nhà? Ấy vậy mà, nơi đây đã trở thành nơi nương náu suốt 20 năm qua và chắc cũng là bến đỗ cuối cùng của đôi vợ chồng già.

Trong thời tiết nóng nực, oi ả của mùa hè Sài Gòn, cứ cách quãng, ông Tá lại lên cơn hen suyễn, tức ngực, khó thở nên bà Trà liên tục phải dùng tay xoa ngực cho chồng. Ông Tá vừa mắc bệnh tim lại mang thêm căn bệnh hen suyễn đã chuyển sang giai đoạn mãn tính, mọi sinh hoạt hay đến việc ăn uống đều phụ thuộc vào vợ.

"Chồng tôi bị mấy năm nay rồi, không có tiền nên không dám đến bệnh viện chỉ mua ít thuốc ở tiệm mang về cho ổng uống cầm cự", bà Trà nói với chúng tôi. Người bình thường, mạnh khỏe mà chăm chồng bệnh đã cực, bà Trà vốn bị liệt nửa người thân dưới, chân không đi lại được nên càng trở nên khó khăn, cực nhọc hơn. 

6h sáng, sau khi lo cơm nước cho chồng xong, bà Trà lại dùng 2 tay lết thân người cố leo lên xe lăn đi bán vé số. Mà không đi sao được, khi chỉ còn mỗi mình bà là còn chút khả năng kiếm thêm thu nhập, dù đôi khi chỉ là vài chục hay hơn trăm ngàn. Nhưng số tiền ít ỏi đó chính là nguồn tiền duy nhất để trang trải cuộc sống cho 2 người.

Trước đây khi ông Tá còn khỏe, hai vợ chồng cùng đi bán vé số để kiếm sống. Từ ngày ông bị bệnh, mọi chi tiêu trong gia đình đến thuốc thang cho chồng, một mình bà Trà gánh vác.

Thu nhập từ việc bán vé số của bà Trà trung bình được 100 nghìn đồng, dùng để lo cơm nước, chi tiêu trong cuộc sống của vợ chồng già và còn phải ráng trích ra một phần dành dụm lo tiền mua thuốc thang cho ông Tá.

Những năm trước khi còn mạnh khỏe, bà Trà đi bán cả ngày cũng kiếm được vài trăm nghìn. Từ lúc bị đột quỵ khiến bà liệt nửa người, dây thần kinh bị chèn ép khiến mắt bà không còn thấy rõ đường, nên chỉ bán quanh nơi ở. "Có lần đi bán còn dư vé nhiều, tôi đi xa hơn để bán nhưng suýt bị xe tông, tôi sợ lắm. Không phải tiếc cái mạng già của mình mà sợ tôi chết rồi, không ai chăm sóc chồng", bà Trà tâm sự.

Khi vợ đi bán vé số, ông Tá chỉ quanh quẩn ở trong căn phòng nhỏ hẹp ở dưới gầm cầu thang, nằm gặm nhấm nỗi đau mỗi khi lên cơn hen đến mức không thở nổi.

Thương chồng, cứ khoảng 1-2 tiếng ngồi xe lăn đi bán vé số, bà Trà lại ngưng công việc của mình, quay trở về nhà xem tình hình sức khỏe của chồng như thế nào. "Chân tôi thế này không thể dìu ông ấy được, nhưng tôi vẫn phải chạy về liên tục để lỡ có chuyện gì còn tìm người kêu cứu, chở ổng đi viện", bà Trà nói.

Có lẽ do người gốc miền Trung đã quen với khổ cực, bà Trà vẫn bình thản đối diện mọi việc, không một tiếng thở dài cũng không một lời than trách. Đối với bà, hạnh phúc trong những ngày này đơn giản chỉ là được chăm sóc chồng.

"Ở khu vực này ai cũng biết đến hoàn cảnh của vợ chồng ông bà, người ta thường mang gạo, mắm muối đến hỗ trợ", chị Hạnh (42 tuổi, một cư dân của khu chung cư Thanh Đa) cho biết.

Ngược về quá khứ cách đây hơn 40 năm, khi ông bà còn trẻ họ cũng đã có một gia đình đầm ấm với tiếng cười nói của con trẻ. Nhưng, niềm vui thật sự ngắn ngủi "chẳng tày gang" trong cuộc đời của họ.

"Ngày trước hai vợ chồng dắt theo các con đi kinh tế mới trên Tây Nguyên, sống ở rừng thiêng nước độc, thiếu thốn đủ thứ, 7 đứa con vì căn bệnh sốt rét mà lần lượt bỏ chúng tôi ra đi", ông Tá ngậm ngùi.

Nỗi đau quá lớn, nhất là đối với một người mẹ, bà Trà vẫn ám ảnh bởi những lần hai vợ chồng khiêng con băng rừng đi bệnh viện, vừa gặp đường lớn chưa kịp vui mừng thì con đã ngừng thở.

Người tóc bạc tiễn kẻ đầu xanh, cảm giác đó trải qua một lần trong đời cũng đủ khiến không ít người gục ngã. Nhưng tạo hóa lại như thử thách, trêu ngươi với số phận vợ chồng ông bà Tá - Trà, khi để họ nếm trải hết lần này đến lần khác. Vết thương này chưa kịp lành vết thương khác đã "rướm máu". 

Người đời có câu "Nước mắt đàn ông chảy ngược vào tim", quả đúng với trường hợp của ông Tá. Trải qua 7 lần mất con, nỗi đau của ông Tá không còn là những dòng nước mắt mà đã tích tụ, ẩn chứa trong ánh mắt u uất, những vết nhăn hằn sâu trên gương mặt khắc khổ...

Sau những lần mất con, ông bà quyết định quay lại Sài Gòn. Có lẽ đó là cách để ông bà quên đi những ký ức đau buồn trong cuộc đời. Thương vợ, ông Tá cũng đi làm đủ mọi việc, nhưng vì làm việc quá nặng nên đổ bệnh. Rồi mọi việc lại phải trông cậy hết vào người phụ nữ của đời mình.

Không đất đai nhà cửa nên ông bà cứ tìm tới hết các gầm cầu thang chung cư để tá túc. "Tính ra vợ chồng tôi cũng đã chuyển "nhà" 3-4 lần rồi. Ngày trước ở gầm cầu thang lầu 4, mỗi lần bò lên bò xuống hết hơi, may sao dân chung cư nơi đây họ thương và cho dời xuống gầm cầu thang dưới đất", bà Trà chia sẻ.

Có thể với nhiều người, việc sinh ra để được yêu thương là điều bình thường. Thế nhưng đối với vợ chồng bà Trà, việc sinh ra là để gánh chịu những nỗi đau, nỗi lo về cuộc sống.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật