Vai trò nào cho Trung Quốc tại Afghanistan?

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sau sự kiện ngày 11-9-2001, Mỹ ồ ạt đưa quân đến Afghanistan chống lại Taliban, trong khi hoạt động của Trung Quốc tại quốc gia Trung Á chỉ ở mức hạn chế. Giờ đây, khi Washington đang rút quân khỏi Afghanistan, một câu hỏi được đặt ra là liệu Bắc Kinh có thể lấp đầy khoảng trống mà Mỹ để lại hay không?
Vai trò nào cho Trung Quốc tại Afghanistan?
Binh sĩ Mỹ ở Afghanistan. Ảnh: Guardian

Thật ra, đối với Trung Quốc, Afghanistan không giữ vị trí quan trọng về địa chính trị. Chính sách đối ngoại của Trung Quốc chỉ tập trung vào việc hình thành và duy trì tương tác kinh tế và hợp tác thương mại chứ không thiết lập sự hiện diện tại Afghanistan. Trong 2 thập kỷ qua, Bắc Kinh không hỗ trợ Afghanistan nhiều về quân sự hoặc mạnh tay đầu tư vào nước này. Song, sự ổn định của quốc gia Trung Á và các biện pháp chống khủ‌ng b‌ố mang lại cho Trung Quốc nhiều lợi ích. Do đó, Bắc Kinh đang tìm cách tăng cường hiện diện chính trị và kinh tế tại Afghanistan. Nhưng sau khi Mỹ rút quân, Trung Quốc có thể sẽ phải đối mặt với bất ổn ở khu vực biên giới với Afghanistan.

Lập thêm căn cứ biên giới

Lâu nay, Trung Quốc tìm cách thu lợi từ hoạt động của các đối thủ ở Afghanistan, nhưng giờ đây mọi chuyện trở nên khác đi khi mà Taliban có khả năng trở lại nắm quyền, trong khi tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) có nguy cơ gia tăng sự hiện diện ở Afghanistan. Trong bối cảnh đó, Bắc Kinh sẽ tìm kiếm một sự đảm bảo từ Taliban và Chính phủ Afghanistan để chắc chắn họ không hành động chống lại lợi ích quốc gia của Trung Quốc. Theo đó, ngoài việc thiết lập thêm căn cứ an ninh tại khu vực biên giới với Tajikistan và Afghanistan, Bắc Kinh cũng xem xét củng cố trung tâm huấn luyện quân sự tại Hành lang Wakhan nằm giữa nước này với Afghanistan.

Mặt khác, Trung Quốc cũng không muốn việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan sẽ dẫn tới viễn cảnh Ấn Độ, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Nga tăng cường hiện diện an ninh và chiến lược tại đây. Trong khi đó, việc Mỹ rút quân và nguy cơ bùng phát nội chiến tại Afghanistan có thể ảnh hưởng tới các dự án quan trọng như sáng kiến “Vành đai, Con đường (BRI)” hay Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan, đe dọa lợi ích lâu dài của Trung Quốc tại khu vực. Trong bối cảnh đó, Bắc Kinh có thể cân nhắc tăng cường vai trò của mình ở Afghanistan bằng cách hợp tác với Pakistan để bảo vệ lợi ích quốc gia.

Sự hiện diện quân sự của Trung Quốc nếu có tại Afghanistan được cho rất tốn kém nên nhiều quan chức Trung Quốc khó có thể ủng hộ. Do đó, giới chuyên gia nhận định, về ngắn hạn, Trung Quốc vẫn chưa xem mình có thể thay thế Mỹ tại Afghanistan. Tuy nhiên, Afghanistan với nguồn tài nguyên và quặng mỏ dưới lòng đất trị giá hàng ngàn tỉ USD lại tạo cơ hội cho Bắc Kinh kết nối các dự án BRI và đây có thể là lý do để Trung Quốc hiện diện tại Afghanistan.

Đổ lỗi cho sự rút quân của Mỹ

Trung Quốc mới đây lên tiếng đổ lỗi việc Mỹ đột ngột rút lực lượng khỏi Afghanistan dẫn đến gia tăng các vụ tấn công, sau khi nhiều vụ nổ xảy ra tại một trường nữ sinh hôm 8-5 ở thủ đô Kabul, khiến hơn 60 người thiệt mạng, hầu hết là nữ sinh.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết Bắc Kinh “bị sốc” trước các vụ tấn công và “vô cùng đau buồn” về số người chết, qua đó kêu gọi Washington hãy rút quân “một cách có trách nhiệm”. “Cần phải thấy rằng việc Mỹ đột ngột tuyên bố rút hoàn toàn lực lượng khỏi Afghanistan gần đây dẫn đến liên tiếp các cuộc tấn công trên khắp đất nước này, làm xấu đi tình hình an ninh, đe dọa hòa bình, ổn định cũng như cuộc sống và sự an toàn của người dân. Trung Quốc kêu gọi quân đội nước ngoài ở Afghanistan hãy tính đến sự an toàn của người dân trong nước và khu vực, hãy rút quân một cách có trách nhiệm và tránh gây thêm bất ổn và đau khổ cho người dân Afghanistan” - bà Hoa nhấn mạnh.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong cuộc hội đàm với những người đồng cấp Kazakhstan, Uzbekistan, Tajikistan, Kyrgyzstan và Turkmenistan tuyên bố sẽ tăng cường hợp tác với các nước Trung Á để chống lại “3 ác quỷ”, gồm chủ nghĩa khủ‌ng b‌ố, chủ nghĩa ly khai và chủ nghĩa cực đoan tôn giáo để bảo vệ hòa bình và ổn định khu vực sau khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật