Công ty dính đường dây xăng giả bị dừng kinh doanh

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Công ty cổ phần nhiên liệu Phúc Lâm bị đình chỉ hoạt động do tổng giám đốc bị bắt, liên quan đường dây xăng giả.
Công ty dính đường dây xăng giả bị dừng kinh doanh
Cây xăng Phúc Lâm 79 tại huyện Bù Đăng, Bình Phước. Ảnh: Chụp màn hình video khai trương.

Đây là một trong 40 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu hiện nay, có 11 cửa hàng bán lẻ, chủ yếu tại các tỉnh phía Nam.

Động thái đình chỉ kinh doanh được Bộ Công Thương đưa ra sau khi Tổng giám đốc Trần Huy Lập bị bắt ngày 7/4. Trần Huy Lập là một trong số mắt xích trong đường dây buôn lậu, làm giả 200 triệu lít xăng dầu do Phan Thanh Hữu (64 tuổi, ở TP HCM) và Nguyễn Hữu Tứ (64 tuổi, quê Vĩnh Long) cầm đầu.

Mới thành lập 3 năm nhưng Công ty Phúc Lâm ghi nhận kết quả kinh doanh "khủng". Theo Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp này thành lập cuối năm 2013 với tên gọi ban đầu là Công ty TNHH Giao nhận và vận tải Tân Thành. Công ty đăng ký ngành nghề hoạt động chính là vận tải, còn bán buôn nhiên liệu là phụ. Vốn điều lệ ban đầu chỉ 1,8 tỷ đồng.

Năm 2016, công ty thu gần 590 tỷ đồng và lỗ 31 triệu đồng. Doanh thu năm 2017 tăng gấp đôi nhưng vẫn lỗ khoảng nửa tỷ đồng. Số liệu gần nhất là năm 2019, công ty đăng ký thuế chỉ 3 nhân sự nhưng ghi nhận doanh thu thuần xấp xỉ 2.260 tỷ đồng. Tổng tài sản tính đến cuối năm đạt 55 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 320 tỷ đồng.

Trong phần tự giới thiệu trên website, Phúc Lâm khẳng định là nhà phân phối sỉ và lẻ xăng dầu có uy tín. Bên cạnh hợp tác với Petrolimex, Mipec để cung cấp xăng dầu cho khách hàng khu công nghiệp, bãi xe, doanh nghiệp..., công ty đang phát triển thêm mảng nhập khẩu xăng dầu để đảm bảo nguồn hàng ổn định. Giữa năm 2020, công ty được Bộ Công Thương công nhận là thương nhân xuất nhập khẩu xăng dầu.

Phúc Lâm đặt trụ sở tại TP HCM nhưng chỉ một cửa hàng bán lẻ tại quận 9 (nay là TP Thủ Đức). Hệ thống đại lý, cửa hàng còn lại tập trung nhiều nhất ở các tỉnh Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.

Việc rút giấy phép, đình chỉ hoạt động của các doanh nghiệp xăng dầu được Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục phối hợp cùng Sở Công thương các địa phương hậu kiểm việc kinh doanh của các đầu mối và sẽ rút giấy phép, đình chỉ hoạt động nếu vi phạm.

"Bộ sẽ xử lý nghiêm theo mức độ vi phạm", ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Công Thương cho biết.

Ngoài Công ty Phúc Lâm, Bộ Công Thương cho biết, trước đó đã có 3 doanh nghiệp khác bị rút giấy phép hoặc đình chỉ hoạt động do những sai phạm liên quan tới kinh doanh xăng dầu.

Hai doanh nghiệp bị rút giấy phép là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Hà Anh, Công ty cổ phần thương mại tư vấn đầu tư xây dựng Bách Khoa Việt. Một doanh nghiệp bị đình chỉ hoạt động là Công ty TNHH Xăng dầu Tây Nam. 3 trong số 4 doanh nghiệp vi phạm bị xử lý là những đầu mối được cấp phép trong khoảng 2 năm gần đây.

Số lượng đầu mối xăng dầu tăng nhanh vài năm gần đây. Từ 13 thương nhân đầu mối năm 2012, sau 3 năm tăng thêm 6 đơn vị, lên 19 thương nhân vào năm 2015. Số lượng doanh nghiệp đầu mối tiếp tục tăng gấp rưỡi lên 32 đơn vị vào giữa năm 2019 và tăng 8 đơn vị nữa sau đó một năm.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật