Vì sao Nón Sơn vắng khách liên miên vẫn tồn tại được hơn 20 năm?

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Có bao giờ bạn thắc mắc thương hiệu Nón Sơn luôn xuất hiện trên các con phố đắc địa lại chẳng có mấy khách ra vào nhưng vẫn tồn tại trong nhiều năm không?
Vì sao Nón Sơn vắng khách liên miên vẫn tồn tại được hơn 20 năm?
Những cửa hàng Nón Sơn được dễ dàng tìm thấy ở các thành phố lớn. (Ảnh: VnExpress)

Nón Sơn vốn được biết đến là thương hiệu thời trang đầu tiên và gần như duy nhất ở Việt Nam chuyên về dòng sản phẩm mũ, nón thời trang cao cấp. Khi đi qua những con phố sầm uất, có vị trí đẹp, rất có thể bạn sẽ bị thu hút bởi cửa hàng được sơn độc một màu hồng rực mang tên Nón Sơn này.

Tính cả ba miền Bắc, Trung, Nam, Nón Sơn hiện đã có hơn 100 cửa hàng, trong đó tập trung nhiều nhất là ở thành phố Hồ Chí Minh. Tốc độ mở rộng của thương hiệu này cũng vào dạng rất nhanh khi chỉ trong 1 năm, giai đoạn 2015 – 2016, Nón Sơn đã có thêm đến 20 cửa hàng.

Tại Hà Nội, Nón Sơn đều được đặt ở những tuyến phố lớn, ngay ngã ba đông đúc như Tôn Đức Thắng, Hàng Bông, Nguyễn Khuyến hay Nguyễn Văn Cừ… Tương tự như ở thành phố Hồ Chí Minh, các điểm bán Nón Sơn cũng tọa ngay tại các khu vực đắc địa như đường Võ Thị Sáu, Nguyễn Văn Trỗi, Đinh Tiên Hoàng...

Ngay từ đầu đã tập trung vào bán các sản phẩm cao cấp, thủ công, lướt một vòng trang chủ của thương hiệu này có thể dễ dàng nhận thấy, giá cả của các mặt hàng tại đây không hề ở tầm trung bình nếu không muốn nói là cao hơn rất nhiều so với thị trường.

Một chiếc mũ bảo hiểm với mẫu mã thông thường, màu sắc cũng không quá đặc biệt nhưng được bán với giá 500 nghìn – 1 triệu đồng. Cá biệt có những sản phẩm mũ, nón giá lên đến 5 triệu đồng, ngang bằng những sản phẩm hàng hiệu xa xỉ.

Giá mũ trên trang web chính thức hay trang thương mại điện tử đều ở mức cao. (Ảnh: Chụp màn hình)

Và sau hơn 20 năm hoạt động, không khó để nhiều người nhận thấy rằng Nón Sơn gần như chưa từng chạy quảng cáo trên truyền hình hay các trang mạng xã hội. Thêm vào tình hình thực tế ai cũng thấy được là lượng khách ra vào các cửa hàng cũng rất thưa thớt, hầu hết chỉ đông khi có chương trình khuyến mại.

Đến đây, câu hỏi được rất nhiều người đặt ra là tại sao Nón Sơn vẫn có thể tồn tại, thậm chí đang trên đà mở rộng quy mô trước ánh nhìn đầy ngưỡng mộ của các doanh nghiệp khác?

Từng có một cư dân mạng đưa ra giả thuyết khá hài hước đó là giống như bộ phim Đặc Vụ Kingsman, thực tế Nón Sơn vẫn duy trì được từ năm này qua năm khác với vẻ ngoài hào nhoáng chỉ là vỏ bọc ngụy trang mà thôi. Còn bên trong có khi lại ẩn giấu một tổ chức bí ẩn nào đó.

Vẻ ngoài hào nhoáng, bắt mắt của Nón Sơn từng bị đồn vui là nơi ẩn nấp của tổ chức nào đó. (Ảnh: Brands Vietnam)

Nhưng dĩ nhiên giả thuyết vẫn chỉ là giả thuyết. Trên thực tế, đứng từ góc độ marketing, Nón Sơn đã xây dựng được cả một chiến lược rất bài bản và thành công đánh trúng tâm lý khách hàng. Chiến lược này được biết đến là 4P, bao gồm Place (địa điểm); Product (sản phẩm); Price (giá cả) và Promotion (khuyến mãi).

Địa điểm thì như đã nói ở trên, đều được đặt ở những khu vực bắt mắt nhất dù giá thuê trung bình cũng phải hàng chục triệu đồng mỗi tháng. Sản phẩm của Nón Sơn cũng được làm rất tỉ mỉ, phù hợp nhiều đối tượng. Về giá cả tuy có cao nhưng lại tương xứng với chất lượng sản phẩm. Còn về phần khuyến mãi thì Nón Sơn thường xuyên chạy các chương trình mua 1 tặng 1, giảm giá sốc để thu hút khách hàng.

Khung cảnh đông khách chỉ có thể thấy ở Nón Sơn khi có chương trình khuyến mãi giảm sốc. (Ảnh: Vip Brand Academy)

Chia sẻ với chúng tôi, chị B.H.A ở Nguyễn Văn Cừ, Hà Nội cho biết: “Trên đường mình từ nhà đi làm mỗi ngày phải thấy đến 3 cửa hàng Nón Sơn. Đúng là chẳng thấy có khách mấy nhưng không hiểu sao vẫn còn đến bây giờ.

Có lần thấy quảng cáo giảm giá sốc 70% mình cũng vào xem thử và mua một chiếc mũ bảo hiểm giá còn 300 nghìn. Nói chung mẫu mã cũng không quá đặc sắc nhưng dùng rồi thì đúng là thấy chất lượng khác hẳn.”

Bên cạnh đó, theo chia sẻ trên Báo của quản lý cửa hàng Nón Sơn trên phố Tôn Đức Thắng, người này cho biết thị phần bán lẻ của thương hiệu không quá nhiều. Song doanh thu đến từ đơn đặt hàng của các công ty lớn, đại lý lại rất ổn định.

Không tốn tiền PR, Nón Sơn vẫn có cách riêng để chinh phục thị trường. (Ảnh: Vietnamplus)

Mặt khác, có ý kiến còn cho rằng, Nón Sơn có thể duy trì được đến bây giờ một phần còn nhờ vào chiến lược mở cửa hàng để thu lời từ bất động sản. Đây là cách làm đã được nhiều thương hiệu lớn mà điển hình như McDonald’s đang làm.

Khi Nón Sơn mua đứt các vị trí đẹp để mở cửa hàng, gây dựng được sự chú ý nhất định của mọi người thì sau đó lúc cần có thể sang nhượng lại và kiếm lời từ chênh lệch giá đất.

Nói tóm lại, đừng vội chê cười hơn trăm cửa hàng mà ngày nào bạn đi qua cũng thấy vắng khách, ảm đạm. Vì đằng sau đó có thể là cả một bộ óc sáng tạo, marketing đầy bài bản để lèo lái được doanh nghiệp ngày càng phát triển đó.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật