Có sinh viên sau 2 năm ra trường vẫn không biết tiêu chuẩn soạn thảo văn bản

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đó là một trong những vấn đề bất cập mà doanh nghiệp nêu tại hội nghị ’Các doanh nghiệp với nhà trường về đào tạo kỹ năng, kết nối việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp cho sinh viên’ do ĐH Kinh doanh và Công nghệ tổ chức ngày 16/4.
Có sinh viên sau 2 năm ra trường vẫn không biết tiêu chuẩn soạn thảo văn bản
Ảnh minh họa

Hội nghị được tổ chức nhằm gắn kết chặt chẽ các hoạt động giữa nhà trường và các doanh nghiệp, giúp sinh viên của trường có cơ hội tìm được việc làm ngay sau khi tốt nghiệp, làm việc đúng với chuyên môn được đào tạo và có được kỹ năng cần thiết đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng và một số doanh nghiệp đặt hàng đào tạo.

Đồng thời, xây dựng nguồn nhân lực là lãnh đạo các doanh nghiệp có kiến thức thực tế tham gia giảng dạy các lớp kỹ năng mềm; tư vấn, hỗ trợ sinh viên hình thành ý tưởng khởi nghiệp, hạn chế rủi ro và thất bại khi sinh viên quyết định khởi nghiệp và lập nghiệp.

Đây cũng là cuộc trao đổi giữa các sinh viên, hợp tác với doanh nghiệp, hỗ trợ tài liệu, kiến thức đào tạo kỹ năng khởi nghiệp bao gồm cả kỹ năng mềm, tiếng Anh thực hành cho sinh viên.

Tại hội nghị, ông Hoàng Ngọc Báu – đại diện Công ty Cổ phần Hoàng Hải cho biết, trong quá trình tuyển dụng tại công ty ông nhìn thấy thực trạng sinh viên ra trường đa số thiếu kỹ năng mềm, kỹ năng làm việc, ngay cả chuyên môn theo chuyên ngành học cũng yếu.

“Trong quá trình tuyển dụng tại công ty tôi thấy có những sinh viên sau 2 năm đi làm dù phỏng vấn ở vị trí hành chính nhân sự nhưng ngay cả tiêu chuẩn soạn thảo văn bản cũng không biết.

Bản thân chủ doanh nghiệp đa số là những người đi lên từ chuyên môn, vậy nhưng thuê nhân sự lại hỏi gì cũng không biết, quá trình làm việc có khi sai từ đầu đến cuối, sinh viên thiếu thực tế thực hành”, ông Báu nói.

Ông Báu chia sẻ rằng, trong quá trình ngồi trên ghế nhà trường nhiều sinh viên chỉ tập trung đi làm thêm ở quán cafe hay làm sale để kiếm tiền, kiến thức sinh viên được học ở trường thì không áp dụng được… đó là điều lãng phí.

“Tôi nghĩ rằng khi còn là sinh viên, các bạn cần xây dựng kế hoạch, cần bổ sung kiến thức để có phương hướng tích lũy dần. Tôi thấy nhiều sinh viên học đến năm thứ 3 nhưng cũng không có mục tiêu sau này mình làm gì, ở đâu, thầy dạy gì học đấy, không có tích lũy năng lực.

Là một doanh nghiệp chúng tôi mong muốn tuyển được những nhân sự có thực lực nên hi vọng các bạn sinh viên phải tự đặt ra mục tiêu rồi phát triển thành việc mình cần gì, trau dồi những kiến thức cần có.

Không chỉ tôi và nhiều bạn bè của tôi làm doanh nghiệp cũng kêu tuyển nhân viên với trình độ đại học nhưng chỉ có tư duy đại học.

Tuyển xong, doanh nghiệp phải đào tạo lại từ đầu chứ họ không sử dụng được kiến thức mà sinh viên học được ở giảng đường, từ những chuyện đơn giản nhất cũng không làm được. Tôi mong muốn sau hội nghị này nhà trường và doanh nghiệp sẽ có nhiều hợp tác để đem lại giá trị cho sinh viên vì đó cũng là mang lại giá trị cho doanh nghiệp”, ông Báu nói.

Ông Phan Minh Hiếu – Giám đốc Công ty Cổ phần giáo dục quốc tế L’EPOCA VIỆT NAM lại chỉ ra một thực trạng hiện nay là cái doanh nghiệp cần thì sinh viên không có và cái sinh viên có thì doanh nghiệp không cần. Cái sinh viên cần tích lũy được trong quá trình ngồi trên ghế giảng đường là kiến thức thực tiễn ngoài những nền tảng kiến thức trong trường đại học.

Cái sinh viên cần nữa là kiến thức thực hành vì doanh nghiệp cần những con người có năng lực đảm nhận những vị trí để tạo động lực cho công ty phát triển chứ không phải một nhân sự giỏi lý thuyết mà không biết biến nó thành thực hành.

Các chuyên gia đều cho rằng, khi đã có được kiến thức cơ bản sinh viên nên chuẩn bị thêm kỹ năng làm việc nhóm, thuyết trình, ngoại ngữ, tin học văn phòng… Sinh viên có thể tận dụng thời gian rảnh để rèn luyện thêm kỹ năng hoặc tìm cơ hội thực tập để lấy thêm kinh nghiệm, tích lũy cho mình những kỹ năng cần thiết để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật