Ngộp thở trong những căn hộ “tổ ong” 3m2 đầy chật người

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Phòng ở ngột ngạt, ra vào cửa phải lách tránh nhau, hành lang chỉ vừa đủ cho một người lớn đi qua, những căn phòng “tổ ong” này là nơi trú ngụ của nhiều sinh viên và người lao động thu nhập thấp tại Hà Nội.
Ngộp thở trong những căn hộ “tổ ong” 3m2 đầy chật người
Lối đi giữa các căn phòng 3m2 rất hẹp, tối tăm và ẩm thấp.

Chi phí 1 triệu đồng mỗi tháng, chỉ về phòng để tắm và ngủ

Hiện nay, những căn phòng với diện tích “siêu nhỏ” chỉ khoảng 3m2 là sự lựa chọn của không ít bạn trẻ vì chi phí thấp, bất kể sự bất tiện về không gian sống và sinh hoạt.

Xem Video: Nở rộ phòng trọ mini chỉ 3m2 cho thuê 1 triệu-tháng - Giá rẻ nhưng đầy rủi ro

Ở Hà Nội, hình thức thuê trọ kiểu này mới xuất hiện khoảng vài năm trở lại đây, có xu hướng nở rộ trên địa bàn các quận Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng,… nơi tập trung nhiều trường Đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ), đông sinh viên và người lao động thu nhập thấp.

Theo ghi nhận của PV, một ngôi nhà 6 tầng có diện tích 45m2 trên phố Mai dịch (Cầu Giấy) ban đầu chỉ có 8 phòng ngủ nhưng đã thiết kế lại để có số lượng phòng cho thuê “siêu khủng” - gần 80 phòng riêng. Tầng 1 của căn nhà là bếp và chỗ để xe chung, bắt đầu từ tầng 2 trở đi là phòng riêng, bao gồm hai phòng lớn với diện tích khoảng 18-20m2.

Điều khiến người xem bất ngờ khi đến đây là cách thiết kế, sắp xếp các gian phòng dường như không khác chiếc “tổ ong” là mấy. Bên trong phòng lớn được ngăn thành 8 ô nhỏ độc lập bằng các tấm gỗ ép. Mỗi gian phòng rộng 3-5m2, chỉ đủ cho một người ở; đa số đều rất kín, không có cửa sổ. 

Trong phòng được chủ nhà lắp đặt sẵn giá treo quần áo, thanh để đồ, ổ cắm điện, bóng đèn và hệ thống thông gió. Dãy hành lang rộng chưa đến 1m là lối đi chung cho cả căn phòng. Bên ngoài là nhà vệ sinh chung. Những ngôi nhà này cũng trang bị một số tiện nghi cơ bản khác cho người thuê như wifi, điều hoà sử dụng chung.

Căn phòng quá nhỏ, chỉ đủ để treo vài bộ quần áo và một vài đồ dùng cá nhân.

L.H.A. (23 tuổi, sinh viên trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội) - người thuê trọ tại đây cho biết: “Tôi ở đây gần nửa năm rồi, phòng có 2 người ở, giá thuê 1,3 triệu đồng/tháng, thêm các chi phí sinh hoạt thì mỗi người chỉ hết khoảng 1 triệu đồng. Đối với sinh viên thì giá này cũng khá hợp lý”.

Tuy nhiên, theo L.H.A., việc sống trong những căn hộ "tổ ong” như thế cũng gặp khá nhiều bất tiện. Với số lượng người ở từng tầng tương đối nhiều, không gian sống lại chật hẹp, ồn ào, cả một phòng lớn chỉ có duy nhất một cánh cửa ra vào, chưa kể đến việc dùng chung nhà bếp, nhà vệ sinh, khu phơi giặt đồ phải chờ nhau rất lâu mới đến lượt.

“Đa số những người thuê trọ ở đây đều là sinh viên và người đi làm vì giá thuê rẻ. Do phòng chật, bức bí, ngột ngạt nên mọi người thường ăn uống ở ngoài và chỉ về đây vào buổi tối để tắm rửa, nghỉ ngơi”, L.H.A. cho biết thêm.

Đa số những người thuê trọ ở đây lựa chọn ăn ngoài, vì cả toà nhà chỉ có duy nhất một căn bếp dùng chung.

Có cung ắt có cầu, nhưng tiềm ẩn rủi ro

Hiện nay, nhu cầu thuê phòng đơn giá rẻ của sinh viên và những người lao động thu nhập thấp tại Hà Nội ngày càng tăng.

Chị Nguyễn Trà My, chủ một nhà trọ tại đường Xuân La (Tây Hồ) cho biết: “Toàn bộ ngôi nhà 6 tầng đều là các phòng đơn cho thuê mức giá dao động khoảng 1,3-1,6 triệu đồng/tháng. Khách thuê của tôi đa số nhu cầu đơn giản, họ đi cả ngày và tối mới về nghỉ ngơi nên những căn phòng như thế này rất dễ cho thuê, không mấy khi để phòng trống”.

Theo chuyên gia bất động sản Phan Thế Phương, nhiều công ty kinh doanh nhà cho thuê đã nhanh nhạy nắm bắt thị trường, thiết kế những căn hộ siêu nhỏ có tương đối đầy đủ tiện ích, vừa đáp ứng nhu cầu của khách, vừa tăng nguồn thu cho công ty.

Với một phòng ngủ thông thường, khi ngăn thành 6-7 phòng ngủ nhỏ, lợi nhuận sẽ tăng thêm được 60-70% giá thuê đầu vào trong trường hợp cho thuê được kín phòng. Tuy nhiên, theo ông Phương, đi kèm với lợi nhuận thì mức độ rủi ro của hình thức này lại khá cao.

“Mô hình này vi phạm vùng an toàn của con người. Khi sống trong môi trường có mật độ dày đặc người như vậy, họ sẽ không thể cảm thấy an toàn và thoải mái. Hơn nữa, các tiện nghi trong không gian sống rất ít, chỉ mang tính chất tạm bợ nên khách thuê sẽ không ở lâu dài, do đó tỉ lệ trống phòng cũng rất cao. Mô hình kinh doanh này không bền vững”, ông Phương cho biết thêm.

Căn hộ "tổ ong" có thực sự tiết kiệm?

Theo lời kể của L.H.A, thời gian đầu khi sống ở đây, anh thường xuyên bị ốm do sống trong không gian bí bách, thiếu ánh sáng và không khí. Những tiếng ồn từ những căn phòng bên cạnh cũng khiến anh mất ngủ bởi những vách ngăn bằng nhựa hoặc gỗ ép giữa các căn hộ mini chứa hàng chục con người không thể cách âm nổi.

Những căn hộ tổ ong có diện tích 3m2 này không chỉ gây ra sự bất tiện cho người sử dụng mà còn có thể ảnh hưởng đến cả căn nhà mà họ đang ở. Những căn phòng vốn dĩ chỉ dành cho 2-3 người ở bất ngờ được “hô biến” thành vô số các căn phòng độc lập, có số lượng người ở gấp nhiều lần, không gian bị “quá tải” nghiêm trọng.

Trao đổi với PV, kiến trúc sư Nguyễn Trung Kiên cho biết: “Mô hình nhà tổ ong khá phổ biến ở các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, bởi khí hậu các nước đó khô hanh quanh năm, không bị nồm hay nóng ẩm như khí hậu nước ta. Do đó, chúng tôi chưa ủng hộ phát triển rộng rãi mô hình này ở Việt Nam”.

Cũng theo ông Kiên, khi tiến hành cải tạo căn phòng nguyên bản thành các phòng “tổ ong”, để an toàn và không ảnh hưởng đến phạm vi xây dựng thì các công ty, đơn vị thiết kế nên sử dụng vật liệu nhẹ như: Thạch cao, gỗ ván, composite... Bên cạnh đó, cần có sự tính toán, phân chia số lượng các phòng hợp lý để tránh tình trạng quá tải, hạn chế ảnh hưởng đến kết cấu căn nhà.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật