Nàng dâu nên thương hay vui khi “giặc bên Ngô” bị trả về nơi sản xuất?

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Mối quan hệ giữa chị chồng - em dâu làm chị khốn khổ cả chục năm chỉ vì luôn bị bắt nạt, bị so bì, tị nạnh đủ điều. Khi “giặc bên Ngô“ bị nhà chồng đối xử tệ nàng dâu đã rất hả hê, cho là “gieo nhân xấu, gặp quả xấu“...
Nàng dâu nên thương hay vui khi “giặc bên Ngô” bị trả về nơi sản xuất?
Nghĩ chị chồng muốn tốt cho mình nên chị cố gắng học nấu ăn. Ảnh minh họa.

"Chị chồng mình hôm nay vừa bị nhà chồng trả về nhà bố mẹ đẻ các chị ạ" - chị Nguyễn Thị An (Bắc Giang) chia sẻ với nhóm bạn bè của mình với vẻ hỉ hả. Nhìn chị chồng khóc sưng cả mắt cũng thấy tội, nhưng những gì "giặc bên Ngô" làm chị điêu đứng hơn chục năm đầy nước mắt lại thấy hả hê.

Hồi chị mới về nhà chồng đã có bầu, lương thấp, gia cảnh nghèo, lại xa… nếu không vì bà nội chồng cao tuổi đang ốm nặng thì chưa chắc đã được cưới. Ngày đầu tiên chị chồng "chào em dâu" bằng cách chen lên cầu thang huých chị An dạt vào tường.

Chị chồng giỏi nữ công gia chánh, ăn nói dịu dàng, khéo léo… nên không chấp nhận việc em dâu nấu ăn kém, không thạo đường kim, mũi chỉ... và lên kế hoạch dạy em dâu ngay. 5 giờ sáng chị chồng vào tận phòng ngủ gọi em dâu dậy đi chợ, dạy chọn đồ ngon, đồ tươi và phải… học thuộc vì hôm sau sẽ "kiểm tra".

Nghĩ chị chồng muốn tốt cho mình nên chị An gắng học, nhưng nhiều khi nhà có khách chị chồng cứ loa lên: "Sao em mua con cá vảy không bóng chắc, mang không tươi đỏ như chị dạy? Em phải cho muối vào trước thì rau nó mới xanh mướt được chứ; Bỏ ngay cái vung ra không lại vàng hết rau bây giờ..." - khiến chị An nhiều phen ê ẩm mặt.

Giặt giũ chị An cũng phải học lại từ chuyện quần áo màu phải dùng xà phòng nào, tẩy sáng quần áo như nào, loại vải tơ lụa phải cho riêng túi to, áo lót cho vào túi giặt nhỏ, quần áo lụa bị nhăn thì phải là ra sao… Việc đi đứng, nói cười cũng bị chị chồng chỉnh ghê hơn cả mẹ chồng.

Được ít lâu chị chồng chán, không động vào việc nhà nữa. Bầu bí vượt mặt nhưng chị An phải quen cảnh thức khuya, dậy sớm, chuẩn bị cơm nước cho cả nhà. Khổ là bà chị chồng ngày càng lộ rõ sự tai quái, trí trá làm chị ấm ức, nhiều lần đẩy vợ chồng chị vào cuộc cãi vã. 

Có hôm Chủ nhật chồng đưa mẹ đi đến nhà bà con ăn giỗ nên chị An tranh thủ dọn dẹp nhà cửa. Chị chồng bảo ra ngoài một lát rồi về giúp, nhưng tới chiều muộn mới về. Khi mẹ chồng về khen nhà cửa sạch sẽ, chị chồng nói luôn: "Con phải làm cả ngày đó, mệt đứt hơi đây này". Mẹ chồng suýt xoa thương con gái, chồng thì mắng chị "làm dâu mà lười", trong khi còn chị An còn đang mắt chữ O, mồm chữ A vì chị chồng trí trá đến vậy.

Chị chồng tinh quái soi em dâu đủ điều. Ảnh minh họa.

Hồi mới về làm dâu chị chồng hay rủ đi mua sắm, đi ăn còn tranh trả tiền cho em dâu, hoặc gửi lại số tiền phải trả cho món đồ đã mua. Dần dà đồ chị An phải trả hết vì chị chồng quên ví, hoặc bảo em dâu thanh toán rồi về chia sau… nhưng chẳng bao giờ trả. Khi chị An nhận ra mình bị biến thành "máy rút tiền" thì đã mất một khoản kha khá.

Không moi được tiền của em dâu, chị chồng lại tự ý ra vào phòng ngủ để lấy váy áo, mỹ phẩm, giày dép… của em dâu dùng như đồ của mình. Có món lấy đi không trở lại, có món trở về thì vứt vào giường, không giặt giũ gì cả. Chị than với chồng, rồi bố mẹ chồng, nhưng ai cũng bênh và bảo: "Chị em đừng suy nghĩ, lọt sàng xuống nia". Thế là chị An phải nhịn "giặc bên Ngô" như nhịn cơm sống.

Khi chị An bầu lớn hơn, bị dọa sẩy thì chị chồng về lại dè bỉu là "làm dâu chỉ biết ăn mà không biết đẻ", rồi bị trả về nơi sản xuất sớm... Suốt 2 tuần nằm viện dưỡng thai, chị chồng và cả bố mẹ chồng chả vào thăm hay gọi điện hỏi han gì, mặc hai vợ chồng chăm nhau (mẹ đẻ chị cách xa hơn trăm cây số, bố chị cũng đang ốm nặng nên không đến chăm con gái được). May mắn là chị vẫn giữ được thai và sinh được cô con gái khỏe mạnh trong sự dè bỉu "không sinh nổi con trai", và chịu sự săm soi đủ điều từ chị chồng.

Nhịn chị chồng như nhịn cơm sống. Ảnh minh họa.

Rồi chị chồng lấy được một anh chàng giàu có ở phố thị. Bố mẹ chồng thích lắm, hay đem chị ra so sánh kiểu "thiên nga với vịt", sau này nhờ con gái chứ chả thèm nhờ con dâu quê mùa. Mỗi khi chị chồng giàu có về nhà là tỏ rõ uy quyền, can thiệp vào cuộc sống riêng của vợ chồng chị, kể từ bữa sáng, gì, uống gì. Hoặc chị chồng thích ăn gì lại gọi điện gợi ý để bố mẹ chồng sai con dâu làm rồi chị chồng chảnh chọe về ăn, vừa ăn vừa chê bai, châm chích chị An "ăn nhờ ở đậu"...

Rất nhiều chuyện bực mình, mâu thuẫn sau khi xảy ra mới biết bắt nguồn từ "giặc bên Ngô" âm thầm đặt điều, giật dây để bố mẹ chồng ác cảm với con dâu. May là chồng chị An có hiểu biết nên an ủi vợ, khuyên vợ "yêu chồng, yêu cả nhà chồng" mà gắn kết chị em, gia đình rồi gom góp dần dần để ra ở riêng.

Chị chồng sinh được mụn con, hết cữ đem lên gửi mẹ chồng chị An. Bố mẹ chồng quý cháu ngoại lắm, hứa hẹn cho cháu bú, cháu ăn, uống đúng giờ… nhưng thực tế đùn cả cho con dâu. Một tay chị An phải chăm sóc 3 đứa trẻ, ấm ức nói thẳng với nhà chồng "con ai nấy chăm", và bị nhà chồng mắng cho, bảo chị quê mùa, nghèo, thiếu giáo dục, không biết nghĩ... Ấm ức tích tụ ngày càng lớn, như quả bom hẹn giờ có thể nổ tung và phá nát mọi thứ, bởi mọi cố gắng của nàng dâu không được nhà chồng ghi nhận.

Giờ thì chị đã hạnh phúc, chị chồng thì bị nhà chồng trả về... Ảnh minh họa.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật