Giá cà phê xuất khẩu liên tục phá vỡ các kỷ lục, tình hình nguồn cung trong nước có ổn định?

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Giá cà phê Robusta và Arabica xuất khẩu đang diễn biến theo chiều hướng liên tục ’leo thang’, giá tuần sau ’xô đổ’ kỷ lục của tuần trước. Việc giá tăng như hiện tại được các chuyên gia, doanh nghiệp nhận định do lo ngại nguồn cung cà phê khan hiếm trên thế giới vẫn tiếp diễn. Vậy tình hình nguồn cung tại Việt Nam liệu có ổn định?
Giá cà phê xuất khẩu liên tục phá vỡ các kỷ lục, tình hình nguồn cung trong nước có ổn định?
Giá cà phê trên thị trường quốc tế không ngừng “leo thang“.

Giá cà phê trên các sàn giao dịch quốc tế đang liên tiếp phá kỷ lục, nằm ngoài dự đoán của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu.

Giá cà phê tăng “phi mã”

Trong phiên giao dịch ngày 12/4 trên sàn ICE Futures Europe, giá cà phê Robusta giao tháng 5/2024 thêm 66 USD/tấn, ở mức 3.843 USD/tấn; giao tháng 7/2024 tăng 75 USD/tấn, ở mức 3.790 USD/tấn, là mức cao nhất trong 30 tháng.

Đáng chú ý, kết thúc phiên giao dịch cuối tuần qua, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 5/2024 lại tiếp tục tăng 57 USD/tấn, ở mức 3.900 USD/tấn, giao tháng 7/2024 tăng 62 USD/tấn, ở mức 3.852 USD/tấn.

Giá cà phê Arabica vừa qua cũng ghi nhận tăng, giá giao tháng 5/2024 tăng 4,3 cent/lb, ở mức 224,65 cent/lb, giao tháng 7/2024 tăng 3,1 cent/lb, ở mức 220,45 cent/lb.

Tổng kết tuần trước, giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 5 tăng tất cả 156 USD. Giá cà phê Arabica kỳ hạn giao tháng 5 tăng 12,15 cent.

Theo các chuyên gia tính toán, chỉ trong hơn 3 tháng, giá bán Robusta đã tăng gần 50% so với mức khoảng 2.400 USD/tấn hồi cuối năm 2023, Arabica cũng tăng xấp xỉ 20%.

Giá cà phê xuất khẩu đang tăng nhanh hơn bao giờ hết, từ giai đoạn cuối năm ngoái đến nay, mỗi đợt tăng giá chỉ cách nhau trong khoảng thời gian ngắn nhưng mức tăng trung bình từ hàng chục đến vài chục USD/tấn. Xen kẽ giữa những đợt tăng vẫn có phiên giảm nhưng mức giảm không nhiều và thường không kéo dài.

Nguyên nhân tăng vẫn được các chuyên gia, doanh nghiệp nhận định bắt nguồn từ tình hình El Nino diễn biến phức tạp, làm gia tăng nắng nóng và hạn hán tại các vùng trồng lớn như Brazil, Việt Nam… dẫn đến nguy cơ suy giảm, khan hiếm nguồn cung nghiêm trọng.

Giá cà phê xuất khẩu cao kỷ lục cũng đã kéo giá thu mua cà phê thô trong nước tăng cao lên mức chưa từng có. Giá bán tại vườn cập nhật trong sáng 15/4 đang dao động ở mức 110.000 - 111.400 đồng. Tính chung trong tuần qua, giá cà phê trong nước đã tăng tới gần 8.000 đồng/kg và nếu so với cuối tháng 3/2024, hiện giá cà phê đã tăng gần 13.000 đồng/kg.

Giá cà phê liên tục tăng phi mã cùng với việc thiếu hụt nguồn cung đã khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam chuyển từ vui mừng khi bán được hàng sang lo lắng. Vì hiểm họa đứt gãy chuỗi cung ứng đang dần hiện hữu.

Nguồn cung trong nước có ổn định?

Tình hình trong nước không thực sự khả quan khi các chuyên gia nhận định, sản lượng cà phê thực tế thấp hơn tính toán. Ước tính sản lượng cà phê còn trong dân và đại lý khoảng 300.000 tấn. Trong khi đó, tính trung bình 6 tháng còn lại của niên vụ cà phê 2023 – 2024, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần khoảng 80.000 tấn.

Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA) cũng dự báo, nguồn hàng đã cạn dần, tồn kho của doanh nghiệp và nông dân không nhiều, nên lượng xuất khẩu từ nay đến cuối vụ (tháng 9/2024) sẽ giảm.

Theo dữ liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, xuất khẩu cà phê của nước ta đã có dấu hiệu giảm từ tháng 3/2024 khi sản lượng xuất đi chỉ khoảng 185.281 tấn, đạt kim ngạch khoảng 680,86 triệu USD, giảm 11,9% về lượng dù tăng 41,1% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Mùa vụ sắp tới cũng chưa cho thấy nhiều dấu hiệu khả quan khi tại khu vực Tây Nguyên tình trạng khô hạn do nắng nóng và thiếu nước tưới đang diễn ra rất nghiêm trọng. Nhiều người dân trồng cà phê cho biết, hiện nay cà phê đang độ ra quả non nên nếu thiếu nước vào dịp này, cà phê sẽ bị rụng hoặc teo nhỏ, dẫn tới năng suất giảm thấp.

Bối cảnh giá liên tục tăng nhanh trong khi nguồn cung ngày càng hẹp, liên kết với người dân, đại lý còn lỏng lẻo đang tạo ra khó khăn cho các doanh nghiệp. Tình trạng một số người dân bỏ kèo, đại lý thu mua và doanh nghiệp ở các địa phương giao thiếu hàng, không giao hàng đúng thời hạn gây nên nhiều lo ngại.

Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA) nhận định, việc giá cà phê tăng liên tục bên cạnh mặt lợi là nông dân bán được giá cao thì cũng gây ra một số vấn đề như hiện tượng đứt gãy chuỗi cung ứng. "DN xuất khẩu phản ánh một số đại lý và DN thu mua không giao hàng đúng thời hạn quy định trong hợp đồng dù các bên đã bàn bạc về việc chia sẻ rủi ro" - ông Hải thông tin.

Để tránh rủi ro, thời điểm này, nhiều doanh nghiệp chuyển sang chính sách “ăn chắc mặc bền”, tức mua được hàng rồi mới nhận đơn, ký hợp đồng xuất khẩu chứ không ký rồi giao hàng sau như trước đây.

Ông Lê Đức Huy – Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk chia sẻ: “Với tình hình giá cà phê thu mua trong nước đang ở mức cao như hiện nay, đơn vị chỉ nhận thêm đơn hàng nếu có dấu hiệu tích cực từ nguồn cung từ người nông dân. Tuy nhiên, số lượng cà phê tích trữ trong dân đã bắt đầu cạn, khan hiếm. Xét trên tình hình thời tiết chuyển biến bất lợi cho cây trồng, dự báo vụ mùa sắp tới sản lượng sẽ giảm dẫn đến nguồn cung khan hiếm, đây là mối lo lớn nhất của doanh nghiệp”.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật