Tăng trưởng kinh tế tích cực nhưng vẫn tiềm ẩn những rủi ro

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tốc độ tăng trưởng kinh tế quý I/2024 đạt 5,66%, mức cao nhất từ năm 2020 đến nay. Dù đây có thể là con số lạc quan, nhưng cần nhìn sâu hơn vào bức tranh tăng trưởng để thấy được những yếu tố thuận lợi, rủi ro, cũng như tính bền vững của nền kinh tế trong bối cảnh thế giới nhiều bất định.
Tăng trưởng kinh tế tích cực nhưng vẫn tiềm ẩn những rủi ro
Bốc, xếp hàng hóa tại cảng Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: TTXVN

Thế giới "bất định, bất ổn, bất an và bất thường"

Thảo luận tại Hội thảo Khoa học thường niên với chủ đề “Kinh tế Việt Nam 2024: Nỗ lực phục hồi trong bối cảnh nhiều bất định” của viện Kinh tế Việt Nam (viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức mới đây, các chuyên gia đã chỉ ra nhiều vấn đề cần lưu ý về triển vọng kinh tế tới đây.

Theo TS. Võ Trí Thành - viện trưởng viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, thế giới đang trải qua giai đoạn có 4 điều nổi bật là “bất định, bất ổn, bất an và bất thường”. Xung đột giữa các nước lớn, chủ nghĩa dân tộc cực đoan nổi lên, dịch bệnh, an ninh phi truyền thống… đều là những vấn đề khó lường và có thể gây bất ổn.

Trong những khó khăn đó, thì tín hiệu tích cực là kinh tế thế giới năm nay và năm sau có khả năng phục hồi khả quan hơn, nguy cơ suy thoái từ các đối tác lớn của Việt Nam là thấp.

Với kinh tế Việt Nam, giai đoạn chịu áp lực lớn nhất về tài chính, tiền tệ (cuối năm 2022) đã qua, dù vậy chắc chắn vẫn còn nhiều vấn đề về tài chính, tiền tệ phải giải quyết để hỗ trợ cho phục hồi tăng trưởng.

Một số nét nổi bật của kinh tế Việt Nam thời gian gần đây được TS. Võ Trí Thành chỉ ra như là sự phục hồi của xuất khẩu, của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, đầu tư công thuận lợi, làn sóng FDI tăng tốc… Những điều này đã tạo tác động lan tỏa cho cả nền kinh tế.

Ở chiều ngược lại, vấn đề quan ngại là nhu cầu tiêu dùng giảm, đầu tư tư nhân thấp, sức khỏe doanh nghiệp yếu và tín dụng tăng rất chậm, đặc biệt là tín dụng cho thị trường bất động sản.

Mặc dù đã có sự đóng góp từ lượng khách du lịch quốc tế tăng mạnh, song tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ quý I/2024 chỉ tăng 8,1%, thấp hơn so với thời điểm trước dịch cũng như so với năm 2023. “Như vậy là tiêu dùng của người Việt giảm rất mạnh. Đó cũng là vấn đề nhiều người thắc mắc khi tăng trưởng được tới 5,66 % trong quý I, mà tiêu dùng giảm, số lượng doanh nghiệp rút lui lớn hơn nhiều số doanh nghiệp gia nhập thị trường” - TS. Võ Trí Thành nêu vấn đề.

Bên cạnh đó, đầu tư tư nhân chỉ tăng 2-3% trên danh nghĩa, nhưng nếu loại trừ yếu tố giá, có thể tăng trưởng âm. Tín dụng cũng tăng rất chậm trong quý I, chỉ đạt 0,26%, thậm chí 2 tháng đầu năm tăng trưởng âm. Tín dụng cho vay với bất động sản không tăng.

Đánh giá kỹ về chất lượng tăng trưởng

Cùng quan điểm thận trọng, TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên viện trưởng viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết nhiều người lạc quan về tốc độ tăng trưởng 5,66% củ‌ּa qu‌ּý I. Tuy nhiên, cần nhìn kỹ tăng trưởng này xuất phát từ đâu và những yếu tố này có tính bền vững như thế nào.

Phân tích cụ thể, TS. Nguyễn Đình Cung chỉ ra đầu tư xã hội rất thấp, đặc biệt là khu vực tư nhân trong nước. Điều này thể hiện ở chỉ số về tăng trưởng tín dụng thấp, nhu cầu đầu tư của doanh nghiệp cũng thấp trong khi số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường cao hơn số doanh nghiệp gia nhập thị trường.

Bên cạnh đó, lạm phát hiện trong tầm kiểm soát nhưng hàng loạt yếu tố có thể khiến lạm phát tăng trở lại như lãi suất khó giảm nữa mà sẽ tăng, tỷ giá vẫn cao, điều chỉnh giá năng lượng hay việc cải cách tiền lương…, do đó không thể chủ quan.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, giá nhà chung cư đang tăng bất thường, có nguy cơ dẫn đến bong bóng. Ảnh tư liệu

Nhìn vào khu vực doanh nghiệp trong nước, PGS.TS Trần Đình Thiên - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ bày tỏ lo ngại khi doanh nghiệp Việt đang “lép vế”, chỉ đóng góp khoảng 10% GDP, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ. Trong khi đó, khu vực FDI đóng góp tới 70% GDP.

Điều này cho thấy, sức khỏe và quy mô của khu vực doanh nghiệp Việt Nam đang rất yếu, trong khi đây đáng lẽ là khu vực chủ lực của nền kinh tế Việt Nam. Thực tế nhiều năm qua, Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, song kết quả hiện nay cho thấy dường như chưa đúng hướng, đòi hỏi phải có cách tiếp cận mới.

rủi ro bong bóng giá bất động sản

TS. Lê Xuân Nghĩa cảnh báo, hiện tượng giá nhà chung cư đang tăng bất thường, có nguy cơ dẫn đến bong bóng khiến thị trường BĐS càng khó phát triển lành mạnh. Thực tế, lượng giao dịch không tăng nhiều.

Trong khi đó, PGS.TS Lê Bộ Lĩnh - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội băn khoăn khi nền kinh tế tăng trưởng cao nhưng năng suất lao động đứng gần cuối trong khu vực. Điều này cho thấy chất lượng tăng trưởng thấp, tăng trưởng dựa vào vốn, tài nguyên mà chưa dựa trên tăng năng suất, đổi mới công nghệ.

Trong bối cảnh triển vọng kinh tế thế giới còn bất định, các chuyên gia đều đánh giá Chính phủ đã nỗ lực, quyết tâm triển khai hàng loạt các giải pháp, nhiệm vụ để khơi thông những điểm nghẽn của nền kinh tế. Hầu hết các giải pháp, nhiệm vụ cần thiết đã được nêu trong văn bản, chỉ thị của Chính phủ.

Tuy nhiên, vấn đề ở đây là triển khai thực hiện. Đồng thời, cần theo sát thực tiễn của nền kinh tế với những góc nhìn đầy đủ để có những đánh giá đúng đắn, nhận định chính xác, từ đó mới tìm ra đúng nguyên nhân, giải pháp trọng tâm cho nền kinh tế.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật