Âm thầm “dưới trướng” vàng miếng SJC và cú bứt phá thần tốc của vàng nhẫn

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Giá vàng nhẫn có cú bứt phá lịch sử lên hơn 77 triệu đồng/lượng sau một thập kỷ âm thầm tăng. Chuyên gia dự báo, vàng nhẫn có thể vọt lên 80 triệu đồng/lượng hoặc hơn khi cung ít còn cầu tăng mạnh.
Âm thầm “dưới trướng” vàng miếng SJC và cú bứt phá thần tốc của vàng nhẫn
Giá vàng nhẫn được dự báo có thể tăng lên 80 triệu đồng/lượng. Ảnh Phan Chí Hiếu B

Ngoài đầu tư, vàng được xem là tài sản tích lũy để phòng ngừa rủi ro, đặc biệt là vàng nhẫn. Thay vì tích cóp để có mấy chục triệu mua 1 lượng vàng miếng SJC, nhiều người chỉ cần vài triệu đã mua được 1 chỉ vàng nhẫn. Do nhẫn tròn trơn được sản xuất theo trọng lượng 0,5 chỉ, 1-5 chỉ hoặc 1 lượng.

Chưa kể, giá vàng nhẫn luôn ổn định và bám sát giá vàng thế giới hơn vàng SJC.

Thực tế, trong suốt một thập kỷ qua (2014-2023), giá vàng nhẫn âm thầm tăng và gần như không có biến động dữ dội như vàng miếng. Mức chênh mua vào – bán ra chủ yếu duy trì ở ngưỡng từ 0,5-1 triệu đồng/lượng, tùy thời điểm.

Cụ thể, trong phiên giao dịch 15/1/2014, giá vàng nhẫn tròn trơn của Bảo Tín Minh Châu ở ngưỡng 32,32 triệu đồng/lượng (mua vào) và 33,87 triệu đồng/lượng (bán ra). Năm 2015, vàng nhẫn có xu hướng giảm. Thời điểm đầu năm 2016, vàng nhẫn ghi nhận mức giá 30,62 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra, giảm 3,25 triệu đồng so với đầu năm 2014.

Ngay sau đó, vàng nhẫn quay lại chu kỳ tăng giá. Chỉ trong 1 năm, giá vàng nhẫn tăng thêm 4,19 triệu đồng/lượng, lên mức 34,81 triệu đồng/lượng chiều bán ra trong ngày 24/1/2017.

Hai năm tiếp theo, vàng nhẫn giằng co ở mức 36-37 triệu đồng/lượng rồi vọt lên 42,82 triệu đồng/lượng vào đầu năm 2020. Tức trong vòng 1 năm, giá vàng nhẫn đã tăng 6,11 triệu đồng/lượng.

Ngày 21/1/2021, giá vàng nhẫn được niêm yết ở mức 53,46 triệu đồng/lượng chiều bán ra, tăng 10,64 triệu đồng/lượng chỉ sau 1 năm. Đây cũng là năm giá mặt hàng này biến động theo chiều hướng tăng mạnh nhất trong giai đoạn 2014-2023.

Đến cuối tháng 1/2022, vàng nhẫn giảm nhẹ so với thời điểm cùng kỳ năm trước đó, về mức giá 53,12 triệu đồng/lượng. Song sau đó tăng trở lại và lên ngưỡng 55,60 triệu đồng ghi nhận vào cuối tháng 1/2023.

Nếu tính từ đầu năm 2014 đến đầu năm 2023, giá vàng nhẫn âm thầm tăng 21,73 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào, còn vàng SJC tăng tới 31,77 triệu đồng/lượng.

Những tháng cuối năm 2023, giá vàng nhẫn vào chu kỳ tăng mạnh và bứt phá ngoạn mục trong những tháng đầu năm nay.

Theo đó, giá vàng nhẫn ngày 2/1 chiều bán ra ở mức 63,38 triệu đồng/lượng thì đến chiều ngày 9/4, Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng nhẫn tròn trơn vọt lên 77,03 triệu đồng/lượng. Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI cũng nâng giá vàng nhẫn tròn trơn lên mức 77,25 triệu đồng/lượng.

So với phiên 2/1, giá vàng nhẫn đã tăng 13,65 triệu đồng/lượng, trong khi vàng miếng SJC biến động dữ dội nhưng mức tăng chỉ dừng ở ngưỡng 9,68 triệu đồng/lượng.

Hiện vàng nhẫn từ mặt hàng chủ yếu được mua để tích lũy đã thành hàng đầu cơ, lướt sóng kiếm lời của nhiều người. Trên các diễn đàn vàng, "vàng nhẫn" trở thành từ khóa hot.

Đây cũng là lý do nhiều cửa hàng vàng xuất hiện tình trạng "cháy hàng". Khách mua vàng nhẫn phải chờ 2 tuần, thậm chí 1 tháng sau mới nhận được vàng - điều chưa từng có trong lịch sử giao dịch của kim loại quý này ở nước ta.

Vàng nhẫn có thể vọt lên trên 80 triệu đồng/lượng?

Trao đổi với PV VietNamNet trước cơn “điên cuồng” của vàng nhẫn trong những ngày qua, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nhìn nhận, giá vàng nhẫn vẫn đang bám sát giá thế giới.

Từ đầu năm đến nay, giá vàng thế giới tăng sốc, theo quy đổi đã lên ngưỡng 71-72 triệu đồng/lượng. Thế nên, giá vàng nhẫn trong nước lập kỷ lục lịch sử trên 77 triệu đồng/lượng cũng nằm trong dự đoán.

Chưa kể, từ cuối năm 2023 đến nay, giá vàng miếng SJC biến động mạnh, có thời điểm chênh lệch so với giá vàng thế giới tới 18-20 triệu đồng/lượng. Đáng chú ý, Chính phủ “thúc” Ngân hàng Nhà nước sửa Nghị định sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động thị trường vàng khiến nhiều người dịch chuyển từ mua vàng miếng SJC sang vàng nhẫn để phòng ngừa rủi ro.

Cùng với đó, lãi suất đang ở “đáy”, thị trường bất động sản vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi và không phải ai cũng biết đầu tư chứng khoán. Thế nên, tiền nhàn rỗi đổ dồn vào vàng, đặc biệt là vàng nhẫn tròn trơn.

Trên thị trường, nhu cầu về vàng nhẫn tăng cao nhưng nguồn cung hạn chế càng đẩy mặt hàng này sốt giá hơn, ông Thịnh phân tích.

Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, thừa nhận có phần hơi ngạc nhiên trước mức độ tăng nhanh của giá vàng thế giới cũng như giá vàng nhẫn trong nước.

Theo ông, giá vàng thế giới tăng xuất phát từ nhiều nguyên nhân như bất ổn địa chính trị trên thế giới tác động lớn tới quyết định của các nhà đầu tư. Các ngân hàng trung ương gia tăng mua vàng...

Về nguyên nhân giá vàng SJC không biến động quá lớn mà giá vàng nhẫn trong nước tăng vùn vụt, ông Khánh cho rằng, giá vàng nhẫn trong nước theo sát giá vàng thế giới hơn.

Trước đó, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam dự báo, từ nay đến cuối năm, giá vàng thế giới có thể lên 2.600 USD/ounce. Theo đó, giá vàng nhẫn trong nước có thể tăng lên mức 78 triệu đồng/lượng và giá vàng SJC lên khoảng 90 triệu đồng/lượng.

Thực tế, giá vàng nhẫn trong phiên giao dịch ngày 9/4 đã tiến sát mốc 78 triệu đồng/lượng.

Trong khi đó, ông Đinh Trọng Thịnh dự báo rất có thể giá vàng nhẫn sẽ tăng lên ngưỡng 80 triệu đồng/lượng hoặc hơn nếu giá vàng thế giới tiếp tục tăng và nhu cầu với vàng nhẫn ở nước ta không hạ nhiệt.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật