“Bão” trừng phạt không làm khó được Nga, nền kinh tế “ẩn giấu” sức mạnh nào?

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Thành công của Nga trong việc né tránh các lệnh trừng phạt của phương Tây đã giúp nền kinh tế của nước này vượt xa dự đoán của nhiều tổ chức quốc tế.
“Bão” trừng phạt không làm khó được Nga, nền kinh tế “ẩn giấu” sức mạnh nào?
Năm 2023 nền kinh tế Nga vẫn đạt tăng trưởng 3,6%. (Nguồn: Reuters)

Kể khi khi tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi tháng 2/2022, nền kinh tế Nga đã liên tục thách thức những dự đoán tồi tệ. Khả năng phục hồi đó dường như được giữ vững đến thời điểm hiện tại.

Khi bắt đầu xung đột với Ukraine, hàng loạt biện pháp trừng phạt chưa từng có tiền lệ được áp dụng lên hệ thống tài chính Nga. Liên minh châu Âu (EU), Anh, Mỹ và Canada loại hàng loạt ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã dự đoán sẽ có một cuộc suy thoái kéo dài, khi nền kinh tế sẽ giảm 8,5% vào năm 2022 và 2,3% vào năm 2023.

Tuy nhiên, nền kinh tế có sụt giảm vào năm 2022 nhưng mức giảm chỉ ở mức 1,2% và năm 2023 nền kinh tế chính thức tăng trưởng 3,6%.

Vượt trừng phạt chưa từng có tiền lệ

Trang cơ sở dữ liệu Castellum.AI chuyên theo dõi các biện pháp trừng phạt trên thế giới cho biết, Moscow đã phải hứng chịu 16.587 lệnh trừng phạt kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt, phần lớn trong số đó nhằm vào các cá nhân. Khoảng 300 tỷ USD tài sản của đất nước đã bị đóng băng.

Các hạn chế khác của Nga cũng được áp dụng tại thị trường nợ quốc tế và nhập khẩu công nghiệp. Các biện pháp trừng phạt có hậu quả nghiêm trọng nhất là hạn chế xuất khẩu khí đốt tự nhiên và đặt ra giới hạn đối với giá dầu.

Giá dầu tăng đã giúp Nga giảm thiểu phần lớn tác động của các lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, cái giá của xung đột kéo dài và khả năng có thêm nhiều biện pháp trừng phạt hơn có vẻ sẽ tác động đến thị trường dầu mỏ của Moscow trong trung hạn.

Ngành năng lượng khổng lồ của Nga cũng góp phần đã giữ tiền chảy vào kho bạc nhà nước, trong khi đó, các công ty địa phương nỗ lực thay thế hàng nhập khẩu từ phương Tây.

Konstantin Sonin, một nhà kinh tế chính trị tại Đại học Chicago cho hay, việc thay thế hoạt động nhập khẩu luôn xảy ra với những hạn chế thương mại.

Ông nhấn mạnh: “Quan trọng nhất là Nga vẫn ’giữ nhịp’ trong hoạt động xuất khẩu năng lượng. Xuất khẩu dầu và khí đốt đã giảm do các lệnh trừng phạt, nhưng giá tăng cao đã khiến tổng doanh thu vẫn giữ ở mức cao".

Ước tính, Moscow đã kiếm được 178 tỷ USD từ việc bán dầu vào năm ngoái và doanh thu có thể tăng lên 200 tỷ USD vào năm 2024 - không xa mức 218 tỷ USD kiếm được vào năm 2022.

Vào tháng 5/2022, EU đã đồng ý cắt giảm 90% lượng dầu nhập khẩu từ Nga. Sau đó, vào tháng 12/2022, Australia và Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã công bố mức trần giá đối với dầu thô của Nga để siết chặt tài chính của Moscow hơn nữa.

Theo quy định, các nhà kinh doanh dầu không thuộc G7 chỉ có thể sử dụng tàu và dịch vụ tài chính hoặc bảo hiểm của phương Tây với điều kiện họ phải trả 60 USD/thùng dầu Nga hoặc thấp hơn. Đây là mức giá thấp hơn nhiều so với giá thị trường. Tuy nhiên, Moscow có cách lách lệnh cấm khắc nghiệt này.

Nhà kinh doanh năng lượng Mohammed Yagoub cho biết, Nga đã xây dựng một "hạm đội bóng tối" lớn, gồm các tàu chở dầu có quyền sở hữu không rõ ràng và không có mối quan hệ nào với phương Tây về mặt tài chính hoặc bảo hiểm.

Ngoài ra, đất nước đã tìm được khách hàng tiềm năng mới là Trung Quốc và Ấn Độ.

Ông Mohammed Yagoub nói: “Tháng 2/2024, phần lớn dầu Urals của Nga đã được bán trên 60 USD. Tuy nhiên, các nước phương Tây đã và đang kiểm soát chặt chẽ".

Thêm vào đó, Moscow cũng đã tìm ra cách lách các hạn chế nhập khẩu hàng hóa bằng cách tìm nguồn cung ứng từ các quốc gia trung gian. Chẳng hạn, xuất khẩu điện thoại của Serbia sang Nga đã tăng từ 8.518 USD vào năm 2021 lên 37 triệu USD vào năm 2022.

Liên minh châu Âu (EU), Anh, Mỹ và Canada loại hàng loạt ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT. (nguồn: CNN)

Ổn hay không?

Còn theo Tổng thống Vladimir Putin, phát biểu tại một sự kiện ở TP. Tula (Nga) hồi đầu tháng này, ông tuyên bố, nền kinh tế Nga tiếp tục phát triển và đã trở thành nền kinh tế lớn nhất ở châu Âu và lớn thứ năm trên thế giới xét về sức mua tương đương (PPP).

PPP là một thước đo phổ biến với nhiều nhà kinh tế để so sánh năng suất kinh tế và mức sống giữa các quốc gia bằng cách điều chỉnh sự khác biệt về chi phí hàng hóa và dịch vụ.

Tuy nhiên, một số nhà quan sát phản đối ý kiến cho rằng, chiến dịch gây áp lực chống lại Moscow đã thất bại.

Liam Peach, chuyên gia kinh tế cấp cao về thị trường mới nổi tại Capital Economics nhận định: “Các biện pháp trừng phạt đang có hiệu quả".

Ông lấy dẫn chứng rằng, ngoài chi tiêu quân sự tăng cao, doanh thu từ dầu mỏ giảm sẽ khiến thâm hụt ngân sách của Moscow tăng lên 3% trong năm nay, từ mức 1,5% vào năm 2023.

Chi tiêu quân sự cho chiến dịch quân sự đặc biệt tăng cũng khiến chi tiêu trong các lĩnh vực khác như chăm sóc sức khỏe và giáo dục giảm. "Điều này sẽ làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế theo thời gian", ông Liam Peach nói.

Vị chuyên gia này cũng chỉ ra rằng, xuất khẩu giảm đã dẫn đến đồng tiền mất giá mạnh, khiến hàng nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn. Để hạn chế tình trạng giá cả tăng cao, Ngân hàng Trung ương Nga đã tăng lãi suất lên 8,5% vào năm 2023 - điều này cũng sẽ làm chậm hoạt động kinh tế.

Thiếu nhân lực lao động cũng là điều khiến tổng thống Nga phải trăn trở.

Ông Liam Peach nhận thấy, kết quả cuối cùng là Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) có thể sẽ giảm từ khoảng 3% trong năm nay xuống còn 1,5% vào cuối thập niên này.

"Tuy nhiên, Nga đã trải qua khá nhiều cuộc khủng hoảng trong những thập niên gần đây. Chừng nào lạm phát và đồng Ruble vẫn ổn định thì dường như đây không phải nỗi lo của chính phủ", chuyên gia kinh tế Liam Peach nói.

Đối với bà Zlatarev, một người dân ở Moscow, điều kiện hiện tại tốt hơn nhiều so với cuộc khủng hoảng kinh tế những năm 1990.

“So với lúc đó thì mọi chuyện vẫn ổn", bà khẳng định.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật