Áp lực thép giá rẻ của Trung Quốc vẫn hiện hữu

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Các nhà sản xuất thép của Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu ra nước ngoài, gây áp lực lớn với doanh nghiệp thép Việt Nam.
Áp lực thép giá rẻ của Trung Quốc vẫn hiện hữu
Ảnh minh họa

Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu thép

Theo dữ liệu của Trading Economics, sau nhịp phục hồi nhẹ từ nửa cuối năm 2023, từ ngày 21/11/2023 đến ngày 6/3/2024, giá thép thế giới đã quay đầu giảm 9,8%, từ 4.019 nhân dân tệ (CNY)/tấn, về 3.627 CNY/tấn (mức thấp nhất trong 4 tháng trở lại đây). Nếu nhìn rộng ra, từ ngày 8/10/2021 tới nay, giá thép đã giảm 38,8%, từ đỉnh 5.925 CNY/tấn.

Thị trường bất động sản Trung Quốc chưa có dấu hiệu hồi phục. Thêm nữa, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, tiêu dùng suy giảm, nhiều lĩnh vực như sản xuất xe điện, hàng tiêu dùng… đều có dấu hiệu dư cung, buộc Trung Quốc phải đẩy mạnh xuất khẩu với giá bán thấp hơn ở nội địa. Điều này làm tăng áp lực cạnh tranh lên nhiều thị trường trong khu vực.

Đối với ngành thép, Trung Quốc áp dụng “hạn ngạch” trong sản xuất, nếu doanh nghiệp giảm sản lượng, thì năm sau sẽ không được tăng trở lại. Vì vậy, các công ty thép của Trung Quốc bằng mọi giá duy trì sản lượng, khiến hàng tồn kho gia tăng khi không thể tiêu thụ trong nước, buộc các nhà sản xuất thép phải đẩy mạnh xuất khẩu để giảm tồn kho.

Theo dữ liệu thống kê của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), thông thường, sản lượng xuất khẩu thép của Trung Quốc khoảng 60 - 70 triệu tấn/năm. Riêng năm 2023, do thị trường bất động sản nước này gặp khó khăn, nhu cầu thép tiêu thụ nội địa chậm lại, Trung Quốc đã đẩy mạnh xuất khẩu ra bên ngoài, đạt tới 91,2 triệu tấn, tăng 35% so với năm 2022.

Việc Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu đã dẫn tới giá thép giảm, khiến biên lợi nhuận gộp của nhiều doanh nghiệp sản xuất thép Việt Nam hồi phục chậm hơn dự kiến. Không những thế, Trung Quốc chủ yếu bán thép sang các quốc gia Đông Nam Á như Indonesia, Thái Lan, Philippines… cũng khiến doanh nghiệp Việt thêm áp lực cạnh tranh, bởi đây là các thị trường xuất khẩu chính của doanh nghiệp thép Việt Nam trong nhiều năm qua.

Mặc dù vậy, ông Nguyễn Đức Hoàng, Giám đốc ngành công nghiệp và vật liệu xây dựng (Công ty Chứng khoán Bảo Việt) vẫn kỳ vọng, áp lực cạnh tranh sẽ giảm, doanh nghiệp thép Việt Nam sẽ sớm hồi phục: “Chính phủ Trung Quốc đang có các động thái mạnh mẽ hơn để hỗ trợ thị trường bất động sản hồi phục như giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, giảm lãi suất. Dự báo, nửa cuối năm 2024, thị trường địa ốc nước này sẽ ấm lên, giúp cải thiện nhu cầu tiêu thụ thép. Tình trạng dư cung sẽ bớt, giảm áp lực xuất khẩu của các nhà sản xuất. Trong kịch bản này, chúng tôi kỳ vọng, cả sản lượng tiêu thụ thép và giá thép trong khu vực Đông Nam Á sẽ được cải thiện. Theo đó, biên lợi nhuận của các doanh nghiệp thép Việt Nam sẽ tốt hơn so với năm 2023”.

Doanh nghiệp thép Việt kỳ vọng hồi phục

Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo, năm 2024, bức tranh tài chính của các doanh nghiệp thép Việt sẽ sáng sủa hơn. Trong đó, ước tính doanh thu Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG) tăng 22,5%, đạt 143.709 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế dự kiến tăng 91%, đạt 10.897 tỷ đồng.

Tại Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG), dự kiến doanh thu tăng 16%, đạt 36.702 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế tăng 27,2 lần, đạt 847 tỷ đồng. Tại CTCP Thép Nam Kim (mã NKG), dự kiến doanh thu tăng 14%, đạt 29.274 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế tăng 85,6%, đạt 271 tỷ đồng.

VDSC cho biết, triển vọng hồi phục rõ ràng đến từ thị trường thép xây dựng nội địa, đồng thời giá thép điều chỉnh tăng cũng giúp cải thiện biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp thép.

Là đơn vị đầu tiên công bố kế hoạch kinh doanh của niên độ tài chính 2023-2024, Tập đoàn Hoa Sen lên kế hoạch với hai kịch bản. Trong đó, kịch bản 1, lợi nhuận tăng 12,33 lần, lên 400 tỷ đồng; kịch bản 2, lợi nhuận tăng 15,67 lần, lên 500 tỷ đồng.

Thực tế, không phải tới thời điểm hiện tại mới thấy tham vọng hồi phục của các doanh nghiệp thép. Tại Tập đoàn Hoa Sen, từ ngày 1/10/2023 đến ngày 31/12/2023, tồn kho đã tăng 5,2% so với đầu kỳ, tương ứng tăng thêm 396,7 tỷ đồng, lên 8.025,3 tỷ đồng và chiếm 42,7% tổng tài sản. Ngược lại, tổng nợ vay ngắn hạn đã tăng 59,5% so với đầu kỳ, tương ứng tăng thêm 1.748,1 tỷ đồng, lên 4.684,4 tỷ đồng và chiếm 24,9% tổng nguồn vốn.

Tương tự, tại Thép Nam Kim, từ ngày 1/10/2023 đến ngày 31/12/2023, tồn kho đã tăng thêm 78,4 tỷ đồng, lên 5.718,7 tỷ đồng và chiếm 46,7% tổng tài sản. Tổng nợ vay tăng thêm 192,4 tỷ đồng, lên 4.767,7 tỷ đồng, chiếm 38,97% tổng nguồn vốn.

Thay vì chiến lược sản xuất cầm chừng để bớt tồn kho, giảm nợ vay khi kinh doanh khó khăn, thì các công ty thép tăng tồn kho trở lại, đồng thời gia tăng sử dụng nợ vay. Điều này là tín hiệu cho thấy, các doanh nghiệp đang kỳ vọng về sự phục hồi, nên đã gia tăng sản xuất, tăng lượng hàng dự trữ.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật