Đông Nam Á chưa kịp giàu đã già

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đông Nam Á đang già đi nhanh chóng với tỷ lệ người trong độ tuổi lao động trong tổng dân số được dự đoán sẽ bắt đầu suy giảm trong năm nay, đảo ngược xu hướng tăng trước đó. Tình trạng xã hội già hóa là không thể tránh khỏi. Tuy vậy, người dân nhiều nước Đông Nam Á lại chưa có sự chuẩn bị tốt khi bước vào tuổi già.
Đông Nam Á chưa kịp giàu đã già
AseanAging: Với lợi tức nhân khẩu học ngày càng giảm, một số nền kinh tế ASEAN đang đối mặt với nguy cơ già trước khi kịp giàu. Ảnh: Nikkei Asia

Lợi tức nhân khẩu học (demographic dividends) được định nghĩa là “tiềm năng tăng trưởng kinh tế có thể đạt được nhờ sự thay đổi trong cơ cấu tuổi của dân số, chủ yếu khi tỷ trọng dân số trong độ tuổi lao động lớn hơn tỷ lệ người không còn ở tuổi lao động”.

Lợi tức dân số đã giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của các nước Đông Nam Á (ASEAN). Nhưng hệ thống an sinh xã hội của hầu hết các nước trong khu vực hiện vẫn chưa được hoàn thiện như các nước châu Âu hoặc Bắc Mỹ.

Về hưu khi đang còn “trẻ”

Trong khi tuổi nghỉ hưu ở các nước phương Tây thông thường là 65, thì tuổi nghỉ hưu ở ASEAN thấp hơn, hay trẻ hơn vài năm. Nhưng chỉ một phần tư tổng dân số trong độ tuổi lao động 15-65 tuổi được chủ sử dụng lao động đóng bảo hiểm hưu bổng, tức như bảo hiểm xã hội tại Việt Nam.

Tuổi nghỉ hưu theo luật định hiện nay ở Indonesia là 56-60 tuổi tùy vào khu vực nhà nước hay tư nhân, Thái Lan là 60 tuổi, Malaysia là 60 tuổi. Tuổi về hưu chính thức ở Philippines là 65, nhưng người lao động có thể chọn về hưu ở tuổi 60 hoặc thấp nhất là 56 tuổi với công chức tùy ngành.

Một vài nước ở ASEAN đang tìm cách tăng tuổi nghỉ hưu để bổ sung nguồn nhân lực, đồng thời giảm áp lực cho mạng lưới an sinh xã hội.

Năm 2022, Singapore đã nâng tuổi nghỉ hưu lên 63 và tuổi tái tuyển dụng lên 68 để mang đến cho các nhà tuyển dụng nhiều nhân tài hơn để lựa chọn. Đây là một phần trong kế hoạch của chính phủ nhằm tăng dần độ tuổi nghỉ hưu lên 65 tuổi và tái làm việc lên 70 tuổi vào năm 2030.

Việt Nam cũng có động thái tương tự. Sau vài lần điều chỉnh, độ tuổi nghỉ hưu tại Việt Nam trong năm 2024 sẽ là 61 tuổi đối với nam và 56 tuổi 4 tháng đối với nữ. Cứ mỗi năm sau đó, tuổi nghỉ hưu ở nam giới sẽ tăng thêm ba tháng, nữ giới bốn tháng. Lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu mỗi năm như trên chỉ áp dụng cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.

Ngoại trừ Singapore, năm nền kinh tế chủ chốt còn lại ở ASEAN đã kể ở trên đang đương đầu với tình trạng “chưa giàu đã già”. Hầu hết các nước đã bỏ qua cơ hội dân số vàng khi số người trong độ tuổi lao động nhiều hơn người không lao động. Một số nhà kinh tế gọi đây là “nền kinh tế bạc” (silver economy), nhưng trong chừng mực nào đó đây chính là nền kinh tế “đầu bạc” hay “bạc đầu”. Bởi khi nguồn lao động trẻ bắt đầu khan hiếm, nhiều quốc gia phải chịu áp lực cấp tốc cải tổ mạng lưới an sinh xã hội để bảo đảm phúc lợi cho người già.

Năm 2019, tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên ở ASEAN đạt mốc 7%, vượt qua ngưỡng này được coi là “xã hội đang già hóa” hay “kinh tế bạc”. Tỷ lệ này sẽ đạt 14% vào năm 2043, chính thức đóng đinh ASEAN là xã hội già, nhưng chưa kịp giàu. Quá trình lão hóa này tương tự như ở Nhật Bản khi chạm ngưỡng tuổi già năm 1970 và được xem là già vào năm 1994. Nhưng xứ hoa anh đào đã là nền kinh tế công nghiệp hiện đại từ trước giai đoạn 1970-1994.

Những thách thức khác cũng bắt đầu ló dạng. Theo khảo sát của chính phủ và các tổ chức công tư Singapore, đa số người Singapore trưởng thành muốn nâng tuổi nghỉ hơn và tái làm việc cao hơn. Nhưng thật sự, họ cũng lo ngại về “thái độ tiêu cực của người sử dụng lao động” và sự phân biệt tuổi tác ở nơi làm việc.

Chưa kịp chuẩn bị cho tuổi già

Tốc độ già hóa khác nhau giữa các nước ASEAN. Độ tuổi trung bình ở Singapore đã tăng lên 41,5, ngang bằng với Nhật Bản và các nước ở “lục địa già” châu Âu, trong khi Philippines vẫn ở mức thấp 29,3. Tình trạng xã hội già hóa là không thể tránh khỏi. Tuy vậy, nhiều nước ASEAN lại chưa có sự chuẩn bị tốt khi bước vào tuổi già.

Tại Indonesia và Việt Nam, chưa đến 30% dân số trong độ tuổi lao động được đóng bảo hiểm hưu bổng hay bảo hiểm xã hội – theo dữ liệu do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) tổng hợp năm 2021. Ngay cả ở Singapore, tỷ lệ này cũng dưới 60%, thấp hơn nhiều so với mức trung bình của OECD là 87%. Hơn nữa, nhiều nước ASEAN lại thúc đẩy tuổi nghỉ “tự chọn” từ 55-56 tuổi như đã nói ở trên.

Shotaro Kumagai thuộc viện Nghiên cứu Nhật Bản cho biết: “Các nước ASEAN cũng chậm triển khai bảo hiểm chăm sóc y tế và các chương trình khác cho người già. ASEAN sẽ cảm nhận gánh nặng tài chính đối với chính phủ và các hộ gia đình tăng mạnh trong tương lai”.

Tại Nhật Bản, chi tiêu an sinh xã hội vốn chiếm 11% GDP vào năm 1992 sau khi đã đạt đỉnh lợi tức dân số trước đó. Ba thập niên sau, tức năm 2022 chi tiêu an sinh xã hội chiếm 25% GDP. Những khoản chi như vậy vẫn chưa đến 10% GDP của khối kinh tế ASEAN. Nhưng chắc chắn gánh nặng đó sẽ tiếp tục tăng dần theo năm tháng khi ASEAN cố gắng củng cố mạng lưới an sinh xã hội. ASEAN buộc phải tìm nguồn tài trợ mới cho gánh nặng đó.

Gam màu xám không chỉ riêng ASEAN

Tình trạng thiếu lao động ở ASEAN mang tính chất cơ cấu hay bản chất, tức là chắc chắn sẽ kéo dài. Theo ước tính của Liên hiệp quốc, tỷ lệ người trong độ tuổi lao động ở 11 quốc gia ASEAN (đã bao gồm quốc gia mới thành lập Timor-Leste hay Đông Timor) đạt đỉnh 68% vào năm 2023. Tỷ lệ này đã đạt đỉnh ở Thái Lan vào năm 2013 và Việt Nam vào năm 2014. Với số dân gần 280 triệu người, Indonesia đứng đầu ở khu vực và đứng thứ tư thế giới về mặt dân số. Tỷ lệ dân số vàng sẽ leo đỉnh vào năm 2030. Tức là chấm dứt thời kỳ nền kinh tế tăng trưởng vượt bậc nhờ vào cơ cấu dân số vàng. Nói cách khác, xứ vạn đảo đã mất đi lợi tức dân số thúc đẩy cỗ máy kinh tế lao về phía trước trong nhiều thập niên qua.

ASEAN đang già đi. Gánh nặng đó không chỉ tác động đến khối này, mà còn có thể cảm nhận được ở nhiều quốc gia khác. Việt Nam là nguồn cung cấp lao động nước ngoài lớn nhất cho Nhật Bản, với khoảng 520.000 người Việt Nam làm việc tại nước này vào tháng 10-2023, chiếm hơn 25% tổng số 2 triệu lao động người nước ngoài tại Nhật Bản. Với 230.000 lao động, Philippines là nguồn lao động lớn thứ ba tại Nhật Bản sau Trung Quốc.

Hisakazu Kato, giáo sư kinh tế và phó chủ tịch Đại học Meiji, cho biết: “Các nước Đông Nam Á sẽ không có khả năng đưa người lao động đến Nhật Bản, nếu ngay chính họ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực”.

Trong tương lai, sẽ ít bóng dáng người lao động Việt Nam ở nhiều ngành khắp Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Trung Đông. Bác sĩ hay y tá hoặc người giúp việc Philippines sẽ vắng bóng dáng ở Hồng Kông, Đài Loan, Trung Đông, châu Âu… Tương tự là lao động nông nghiệp hay lao động nghề cá người Thái Lan, Indonesia ở Nhật Bản, Hàn Quốc hay Israel.

Hệ quả là nguồn kiều hối của người đi xuất khẩu lao động gửi về ASEAN sẽ không còn phong phú như trước. Dựa trên dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) và các nguồn khác, Philippines đứng đầu khu vực, và thứ tư thế giới, về nguồn kiều hối trong năm 2023 với 40 tỉ đô la Mỹ, Việt Nam xếp thứ hai ASEAN với khoảng 16 tỉ đô la, kế tiếp là Indonesia 9-10 tỉ đô la và Thái Lan 8-9 tỉ đô la.

Khi đối đầu địa chính trị Mỹ – Trung leo thang, tình trạng di dời sản xuất, chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc sang ASEAN và Ấn Độ ngày càng gia tăng. Tuy vậy, trong tương lai trung hạn, nếu ASEAN đối diện với lợi tức dân số giảm dần thì khu vực này khó lòng cạnh tranh với Ấn Độ và Trung Quốc trong việc trở thành công xưởng sản xuất của thế giới.

Tỷ lệ lão hóa dân số gia tăng cũng trì kéo tỷ lệ tăng trưởng. Ở Thái Lan, nơi dân số già hóa cao hơn so với nhiều nước trong khu vực, tỷ lệ dân số trên 65 tuổi hiện là 16%. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo kinh tế Thái Lan sẽ tăng trưởng với tốc độ trung bình hàng năm là 3% trong năm năm tới, tốc độ chậm hơn nhiều so với mức 5-6% trong nửa đầu thập niên 2000.

Trong tương lai dài hạn, các thách thức của dân số lão hóa và kinh tế suy giảm tại ASEAN ngày càng lớn hơn.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật