YouTuber trẻ vùng cao - Những sứ giả kết nối

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Không sở hữu những clip gây sốc với triệu view, chưa có tới hàng triệu người đăng ký, nhưng việc làm ý nghĩa cho quê hương của những YouTuber trẻ vùng cao để lại ấn tượng tốt đẹp cho nhiều người xem.
YouTuber trẻ vùng cao - Những sứ giả kết nối
Cô gái dân tộc Giáy Vũ Thị Ngọc Hướng. (Ảnh: NVCC)

Thời gian qua có khá nhiều YouTuber làm nội dung về văn hóa du lịch, ẩm thực ở các tỉnh miền núi vùng Tây Bắc như Lào Cai, Sơn La, Hà Giang, Yên Bái… Họ đã góp một phần công sức vào việc quảng bá du lịch, gìn giữ và bảo tồn những nét văn hóa bản địa. Rất nhiều các chủ kênh nổi tiếng được nhiều người quan tâm, theo dõi.

Tuy nhiên, bài viết này lại giới thiệu về những cô gái, chàng trai chỉ mới ’chân ướt chân ráo’ làm YouTube được 1, 2 năm với vẻ chân chất và mộc mạc...

’Bông hoa rừng’ ở Sa Pa

Nếu tình cờ xem clip trên kênh Hướng Giáy Sa Pa, người ta sẽ ấn tượng với sự giản dị, thân thiện và vẻ đẹp trong sáng của cô gái người dân tộc Giáy, sinh năm 1999. Vừa tốt nghiệp Khoa Quốc tế học, Đại học Hà Nội, cô đã quyết tâm trở về quê hương Lào Cai để nỗ lực gìn giữ và quảng bá văn hóa dân tộc mình.

Cùng với vai trò là hướng dẫn viên du lịch, Hướng đã tự lập kênh YouTube Hướng Giáy Sa Pa để đưa lên những video thú vị về ẩm thực, đọc truyện bản tiếng Giáy và tiếng Việt, video ca nhạc... Sau mỗi video đưa lên, cô đều nhận được nhiều phản hồi tích cực cùng những lời động viên, khuyến khích của đồng bào dân tộc Giáy ở nhiều nơi.

Tại ngôi nhà của mình, Hướng còn trồng cả một vườn thảo dược để giới thiệu với người xem các loại cây thuốc quý tự nhiên của người dân tộc. Cô cũng dự định tổ chức các tour du lịch hái lá thuốc và học cách nấu lá thuốc. Ngoài ra, khách sẽ còn được tắm và ăn các món ăn từ những cây dược liệu mình thu hái được trong hôm đó.

Mới đây, cô gái làm clip về bánh Chưng Đen là một món ăn quen thuộc trong cuộc sống hằng ngày của người Giáy, thường được làm để thờ cúng tổ tiên vào dịp Tết Nguyên án và được người Giáy vô cùng trân trọng.

Theo giải thích của cô, bánh được làm bằng gạo nếp truyền thống hạt to, tròn, thơm, dẻo. Màu đen của bánh được làm từ bột tro của cây núc nác. Cũng vì thế, bánh có hương vị đặc biệt hơn, khi ăn sẽ không bị nóng cổ, nóng bụng như bánh chưng thường vì tro của vỏ cây núc nác đã khử mùi chua, độ nóng của gạo nếp. Bánh Chưng Đen còn được gọi là Bánh Chưng Gù Đen - mang hình dáng đặc trưng, phần lưng gù trông giống những quả núi nối tiếp nhau là quê hương của người Giáy.

Người xem cũng rất xúc động khi nghe Hướng kể về lịch sử cây khèn của người Mông. Theo cô, có rất nhiều câu chuyện khác nhau nói về nguồn gốc của cây khèn. Tuy nhiên, một điều chung mà tất cả người Mông luôn ghi nhớ rằng, khèn Mông là một loại nhạc cụ vô cùng thiêng liêng, có thể kết nối giữa trần gian và thế giới tâm linh cũng như là phương tiện gắn kết với cộng đồng. Cây khèn gắn bó đời sống và xuất hiện hầu hết trong các dịp lễ quan trọng của người Mông trừ đám cưới.

Dù mới thành lập được hơn một năm nhưng kênh của Hướng hiện tại cũng đã có 19.000 người đăng ký. Một thành công lớn trong năm qua là cô gái đã tham gia cuộc thi ’Thách thức sáng kiến kinh doanh’ do Aide et Action Việt Nam tổ chức dành cho người dân tộc thiểu số và giành Giải Vàng với 120 triệu vốn đầu tư cho dự án ’Du lịch trải nghiệm Online cùng người bản địa Sa Pa’.

Thông qua dự án này, Hướng cho biết, cô khát khao được lan tỏa tinh thần, sự ham tìm hiểu văn hóa dân tộc mình cho các bạn trẻ người Giáy, để dù xã hội phát triển và hòa nhập đến đâu thì văn hóa Giáy vẫn lấp lánh như viên ngọc quý và là niềm tự hào của mỗi người con dân tộc Giáy.

Cô chia sẻ: ’Nghĩ về sự nỗ lực của một số người thuộc cộng đồng dân tộc Giáy trong việc bảo tồn văn hóa của dân tộc mình, tôi tin tưởng rằng, rồi đây họ sẽ phục hồi được những giá trị đã và đang có nguy cơ mai một. Giữ gìn và lan tỏa văn hóa dân tộc Giáy cũng chính là đang đóng góp, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc’.

Thầy giáo trẻ đam mê thiện nguyện

Tham gia YouTube với mục đích ban đầu là giới thiệu địa điểm du lịch, con người và nét sinh hoạt của đồng bào thiểu số tại Hà Giang, nhưng thầy giáo trẻ Hà Xuân Hiệp quê ở huyện Yên Minh lại bị cuốn vào các hoạt động thiện nguyện trên vùng cao.

Bởi vậy, hiện nay kênh YouTube mang tên Tam Giác Mạch của anh đã trở thành nhịp cầu để nối những tấm lòng của các mạnh thường quân khắp trong và ngoài nước với bà con gặp khó khăn ở vùng dân tộc thiểu số.

Trong suốt hai năm qua, Hiệp đã cùng những người bạn trên vùng cao rong ruổi khắp vùng hẻo lánh ở Hà Giang các để tìm hiểu đời sống của người dân, qua đó kết nối và giúp thay đổi cuộc sống của họ.

Xem những clip đăng tải trên YouTube của thầy giáo trẻ này sẽ hết sức ngỡ ngàng về những việc làm của chàng trai này khi hàng trăm ngôi nhà được xây mới cho những người dân tộc thiểu số gặp khó khăn.

Có lẽ, chính sự nhiệt tình và tham gia thiện nguyện bằng những clip thực tế, cập nhật của anh đã mang đến niềm tin cho các mạnh thường quân ở khắp mọi nơi chung tay hỗ trợ. Và niềm vui của anh không chỉ ở những lượt view, đăng ký, chia sẻ hay nút bạc YouTube mà lớn lao hơn là những điều tốt đẹp cho cuộc sống của đồng bào mình.

Là những người con của vùng Tây Bắc và lớn lên từ nghèo khó, họ hiểu rõ cuộc sống của người dân tộc thiểu số vất vả như thế nào. Vì thế, khi có dịp được đi nhiều, gặp nhiều, họ càng cảm thông với những mảnh đời, những khó khăn mà người dân trải qua và sẵn sàng hỗ trợ khi cần thiết.

Chàng nghệ sĩ thổi sáo A Páo. (Ảnh: NVCC)

’Chim sơn ca’ của núi rừng

Nếu như Hướng chọn nghề hướng dẫn viên du lịch để quảng bá văn hóa bản địa, hay Hiệp lựa chọn công việc thiện nguyện dựng nhà mới cho đồng bào, thì với năng khiếu ca hát, sáng tác, chơi được đàn ghi ta, thổi sáo Mèo, sáo Mông..., chàng trai A Páo đã tự mình tạo nên một điểm dừng chân vui vẻ tại vùng núi Mã Pí Lèng.

Vậy nên, khách du lịch khi đi tìm đến đỉnh Mã Pí Lèng có thể thử cảm nhận giai điệu của tiếng sáo H’Mông tên A Páo. Trên băng ghế gỗ cũ sờn nằm bên vệ đường, anh miệt mài giới thiệu những giai điệu của núi rừng để trải nghiệm của du khách trong và ngoài nước tại mảnh đất Hà Giang thêm phần trọn vẹn.

Hiện tại, trên kênh YouTube, tiếng sáo của A Páo cũng có thể sẽ khiến nhiều người đem lòng thương nhớ với nhiều video âm nhạc được A Páo chia sẻ. Dù mới được thành lập nhưng kênh của chàng trai này hiện có hơn 100.000 người đăng ký, theo dõi với những bình luận tích cực.

Thầy giáo trẻ Hà Xuân Hiệp trước một ngôi nhà mới được xây cho bà con vùng cao. (Nguồn: NVCC)

Không chỉ tập trung cho phát triển âm nhạc dân tộc miền núi, A Páo cũng là chàng trai tích cực tham gia nhiều hoạt động xã hội của vùng núi rừng Hà Giang.

Mới đây, chàng trai còn kết hợp với nhiều bạn bè YouTube giúp đỡ cho một cậu bé mù tên Di ở một bản nghèo của Hà Giang. Nhiều tháng qua, anh trực tiếp đến tận nhà cậu bé để dạy nhạc và dạy sáo với mong muốn em có thể trở thành một nghệ sĩ biểu diễn trong tương lai.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật