Ngăn ngừa dịch Covid-19 bùng phát tại miền núi phía bắc

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Từ đầu tháng 1 đến nay, số ca mắc Covid-19 tại các tỉnh miền núi phía bắc-địa bàn là “vùng xanh“ trong nhiều tháng qua, tăng cao đột biến, nhất là số ca mắc trong cộng đồng. Ðiều này làm dấy lên lo ngại dịch sẽ bùng phát mạnh khi khách du lịch đổ về các điểm du lịch tại khu vực này trong dịp Tết Nguyên đán và lao động xa quê trở về nhà đón Tết tăng cao.
Ngăn ngừa dịch Covid-19 bùng phát tại miền núi phía bắc
Lấy mẫu truy vết F1 trên địa bàn huyện Pác Nặm (Bắc Kạn). Ảnh: VIỆT BẮC

Các tỉnh miền núi phía bắc hiện có hàng chục nghìn lao động đang làm việc ngoại tỉnh. Trở về quê đón Tết sau một năm lao động vất vả ở nơi đất khách, quê người là nhu cầu chính đáng của người dân. Tuy nhiên, nếu không có biện pháp phòng ngừa hiệu quả thì có thể những người trở về sẽ là nguồn lây, khiến dịch Covid-19 bùng phát mạnh.

Kích hoạt bệnh viện d‌ã chi‌ến, trạm y tế lưu động

Những ngày đầu năm 2022, thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn đã xuất hiện hai chùm ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng với nguồn lây nghi ngờ từ người trở về từ vùng dịch. Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Bắc Kạn Hà Cát Trúc cho biết: "Từ hai nguồn lây này đã bùng phát chùm ca bệnh lan rộng trong thành phố, với số ca mắc tính đến ngày 11/1 là 185 trường hợp". Từ ngày 27/12/2021 tới ngày 10/1/2022, tỉnh Bắc Kạn đã ghi nhận hơn 521 trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng. Nhiều trường hợp không xác định được nguồn lây. Bên cạnh đó, nguyên nhân dịch lan rộng ở Bắc Kạn còn do người dân chủ quan, không thực hiện đúng 5K. Tại thành phố Bắc Kạn, huyện Na Rì, nhiều đám cưới đông người vẫn được tổ chức; nhiều người về từ vùng dịch nhưng không khai báo y tế, xét nghiệm... Một trường hợp F0 ở phường Sông Cầu, TP Bắc Kạn cho biết, đến giờ anh vẫn không biết mình lây bệnh từ đâu sau khi đã tham dự nhiều hoạt động tập trung đông người, sau đó lại tiếp xúc với hàng trăm người khác. Tương tự như vậy, sau gần bảy tháng không có ca nhiễm Covid-19 ngoài cộng đồng, trong ba ngày liên tiếp 8, 9 và 10/1, trung bình mỗi ngày, tỉnh Yên Bái ghi nhận xấp xỉ 80 ca mắc mới.

Tại tỉnh Lào Cai, từ khi nới lỏng, mở cửa để kích cầu du lịch và thông thương hàng hóa qua cửa khẩu Kim Thành, số ca F0 tăng nhanh. Chỉ từ ngày 1 đến ngày 10/1 đã có 390 ca mắc Covid-19 tại cả 9 huyện, thị xã, thành phố; trong đó có 212 ca trong cộng đồng, chiếm 54,4% tổng số ca mắc. Trung bình mỗi ngày có 43 ca mắc mới, tăng hơn 3,3 lần so với số ca mắc/ngày trong tháng 12/2021, tập trung chủ yếu ở thị xã Sa Pa và thành phố Lào Cai, hai trung tâm du lịch và giao thương của tỉnh.

Sau khi dịch bùng phát, tỉnh Bắc Kạn đã kích hoạt các biện pháp truy vết, xét nghiệm, cách ly, điều trị. Sở Y tế thành lập các tổ công tác xuống hỗ trợ hai huyện Na Rì và Pác Nặm chống dịch. Tỉnh chỉ đạo các đơn vị thần tốc truy vết F1, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, thực hiện công tác cách ly, điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Song song với đó, tỉnh đẩy mạnh công tác tiêm vắc- xin cho các đối tượng. Từ đầu tháng 1, tỉnh bắt đầu tiêm mũi 3 cho các đối tượng đã tiêm đủ hai mũi trước đó, phấn đấu đến ngày 25/1/2022 sẽ cơ bản khống chế đợt dịch lây lan từ ngày 27/12/2021.

Thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Kế hoạch số 389/KH-UBND về phục hồi du lịch, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Theo Giám đốc Sở Y tế Lào Cai Hoàng Quốc Hương, xác định rõ khi "mở cửa" số ca F0 sẽ gia tăng, vì vậy tỉnh chủ động thực hiện đồng bộ năm giải pháp, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền thực hiện 5K, đánh giá cấp độ dịch ở phạm vi nhỏ nhất có thể; tăng cường hoạt động của Tổ Covid cộng đồng để giám sát các trường hợp F0, F1 và người về từ vùng dịch. Hiện, tỉnh đã bổ sung các trang thiết bị, thuốc, vật tư chống dịch cho 152 trạm y tế tuyến xã và 18 phòng khám đa khoa khu vực; trang bị 4 máy thở chức năng cao, 10 monitor cho bệnh viện đa khoa tỉnh, 16 máy thở cho 8 huyện, thị xã; cấp 20.000 viên Molnupiravir và 200 túi thuốc an sinh cho tuyến y tế cấp huyện để điều trị bệnh nhân Covid-19. Kích hoạt hai bệnh viện d‌ã chi‌ến để tiếp nhận điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 với 1.000 giường bệnh; kích hoạt khu điều trị cho bệnh nhân trung bình tại bệnh viện Sản Nhi.

Trong khi đó, tỉnh Yên Bái đã có kịch bản kích hoạt 90 trạm y tế lưu động, thành lập 88 đội vận chuyển y tế tại 44 xã vùng đặc biệt khó khăn, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu cao trong chống dịch.

 tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân ở Lào Cai. Ảnh: QUỐC HỒNG

Nỗ lực giữ địa bàn an toàn

Tuy nhiên, các tỉnh miền núi đang gặp nhiều khó khăn trong công tác chống dịch. bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Kạn chỉ bảo đảm đủ cơ sở vật chất điều trị người mắc Covid-19 nặng với 50 giường (ICU); trung tâm y tế các huyện, thành phố mới bố trí từ 2-10 giường điều trị và có khả năng thu dung từ 10-20 giường bệnh. Toàn tỉnh có 59 máy thở tại các cơ sở khám, chữa bệnh, trong đó chỉ có 31 máy có thể huy động cho phòng, chống dịch. Các đơn vị tuyến huyện đều không có hệ thống oxy trung tâm mà chỉ có bình oxy, trường hợp khi có nhiều bệnh nhân phải thở oxy, thì nguy cơ thiếu oxy có thể xảy ra.

Bên cạnh tình trạng thiếu thiết bị, các tỉnh miền núi còn thiếu nhân lực tham gia phòng, chống dịch. Giám đốc Sở Y tế Bắc Kạn Tạc Văn Nam cho biết, các trung tâm y tế huyện, thành phố mới chỉ có từ 15 đến 16 nhân viên y tế dự phòng, trong khi theo quy định, ít nhất phải từ 28 người trở lên. Tuyến xã chỉ có từ 3 đến 4 nhân viên y tế, trong khi cần ít nhất phải từ 5 người trở lên. Hiện tại, trung bình mỗi huyện, thành phố của Bắc Kạn thiếu khoảng 150 nhân viên y tế từ cấp xã trở lên. Tỉnh Lào Cai hiện có 846 cán bộ, nhân viên y tế (đạt 90,4% nhu cầu) chủ yếu là y sĩ, trình độ trung cấp; rất thiếu bác sĩ, mới chỉ có 33/152 (chiếm 21,7%) trạm y tế có bác sĩ.

Ðể bảo đảm giữ địa bàn an toàn trong dịp Tết Nguyên đán, ngày 10/1, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Yên Bái yêu cầu các địa phương rà soát các hộ gia đình trên địa bàn, nắm được số lượng người thân từ ngoại tỉnh về nghỉ Tết. Trạm y tế tuyến xã bảo đảm trực 24/24 giờ để tiếp nhận thông tin khai báo y tế của người dân, thực hiện lấy mẫu xét nghiệm tầm soát đối với toàn bộ người dân ngoại tỉnh về địa phương trong dịp nghỉ Tết.

Tỉnh Bắc Kạn yêu cầu tất cả mọi công dân (trong độ tuổi tiêm chủng và đủ điều kiện tiêm vắc-xin Covid-19) từ Hà Nội và các khu vực có dịch của tỉnh, thành phố khác khi đến hoặc về tỉnh phải tiêm đủ hai mũi vắc-xin; thực hiện xét nghiệm vi-rút SARS-CoV-2 (bằng phương pháp RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên) trước khi vào tỉnh, nghiêm túc khai báo y tế tại trạm y tế địa phương nơi đến.

Trước số lượng các ca mắc Covid-19 tăng nhanh, việc triển khai điều trị F0 tại nhà gia tăng, trong khi số lượng cán bộ y tế tại mỗi trạm y tế cấp xã chỉ có từ 5 đến 7 người, tỉnh Lào Cai tập trung thành lập các trạm y tế lưu động ngay tại xã, phường, thị trấn, với sự tham gia của các lực lượng y tế, quân y, tình nguyện viên… giúp người dân tiếp cận y tế ngay tại xã, phường, góp phần giảm bệnh nặng, giảm t‌ử von‌g.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật