Người dân cầu cứu vì mòn mỏi chờ đợi tiền bồi thường thiệt hại do việc kê biên tài sản trái Pháp Luật

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nhiều hộ dân chưa nhận được khoản bồi thường thiệt hại nào do việc kê biên tài sản trái Pháp Luật, đã làm đơn cầu cứu các cơ quan chức năng.
Người dân cầu cứu vì mòn mỏi chờ đợi tiền bồi thường thiệt hại do việc kê biên tài sản trái Pháp Luật
ảnh minh họa

Theo nội dung đơn cầu cứu của ông Nguyễn Văn Ngọ, đại diện cho các ông, bà Nguyễn Thị Hai, Nguyễn Thị Tư, Nguyễn Thị Năm, Nguyễn Thị Thất và Nguyễn Văn Hiệp thì các ông, bà đã có nhiều đơn khiếu nại, yêu cầu giải quyết bồi thường thiệt hại do Tòa án các cấp đã kê biên, phát mại tài sản là ngôi nhà gỗ 5 gian (kiểu cổ) trên diện tích đất 139m2 tại thôn Đồng Kỵ, xã Đồng Quang, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh của bố mẹ các công bà là cụ Sảng, cụ Năm để đảm bảo thi hành án trong vụ án bị cáo Nguyễn Thị Nhu phạm tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là trái Pháp Luật gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của các ông, bà.

Ngọn nguồn từ các cơ quan tố tụng

Việc làm trái quy định Pháp Luật của Cơ quan tiến hành tố tụng nêu trên đã có kết luận của Tòa án nhân dân tối cao là không có căn cứ Pháp Luật và đã bị Tòa án nhân dân tối cao hủy bỏ từ năm 2000 nhưng đến nay gia đình các ông, bà vẫn chưa nhận được khoản bồi thường thiệt hại nào do việc kê biên tài sản trái Pháp Luật nêu trên.

 

Nội dung đơn cầu cứu của đại diện các hộ dân.

Tóm tắt quá trình giải quyết của Tòa án các cấp đối với vụ án Nguyễn Thị Nhu phạm tội “lạ‌m dụn‌g tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của công dân” như sau: Tại Bản án Hình Sự sơ thẩm số 34 ngày 19/3/1998, Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh xét xử sơ thẩm vụ án Nguyễn Thị Nhu phạm tội “lạ‌m dụn‌g tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của công dân”, tuyên phạt Nguyễn Thị Nhu với mức án 10 năm tù, buộc Nguyễn Thị Nhu bồi thường toàn bộ số tiền gốc và lãi cho những người bị hại.

Tại phần quyết định về trách nhiệm dân sự, Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh quyết định tiếp tục duy trì Biên bản kê biên một ngôi nhà gỗ năm gian làm theo kiểu cổ trên diện tích 120m2 ở thôn Đồng Kỵ, xã Đồng Quang, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh thuộc quyền sở hữu của ông Nguyễn Văn Hiệp và bà Nguyễn Thị Nhu.

Tại Bản án Hình Sự phúc thẩm số 634 ngày 29/4/1999, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội (nay là Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội) đã tuyên giảm hình phạt cho Nguyễn Thị Nhu còn 08 năm tù, giữ nguyên các quyết định khác của Bản án Hình Sự sơ thẩm số 34 ngày 19/3/1998 của Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh.

 

Quyết định về việc giải quyết bồi thường đối với các ông bà Nguyễn Thị Hai, Nguyễn Thị Tư, Nguyễn Thị Năm, Nguyễn Thị Thất và ông Nguyễn Văn Hiệp 

Tại Quyết định giám đốc thẩm số 16/UBTP-HS ngày 11/7/2000, Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã hủy phần quyết định tiếp tục kê biên một ngôi nhà gỗ năm gian làm theo kiểu cổ trên diện tích đất 120m2 ở thôn Đồng Kỵ, xã Đồng Quang, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh của Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc nêu trên với nhận định: Nhà đất mà Cơ quan điều tra tiến hành kê biên nêu trên là tài sản thuộc quyền sở hữu của cụ Nguyễn Văn Sảng và cụ Vũ Thị Năm (bố mẹ của ông Nguyễn Văn Hiệp - chồng của bị cáo Nhu), không phải của vợ chồng bị cáo Nhu.

Việc Cơ quan điều tra tiến hành kê biên nhà đất nêu trên trong khi cụ Sảng, cụ Năm vẫn còn sống, chưa cho ai nhà đất này, các cụ không vi phạm Pháp Luật, cũng không liên quan đến việc phạm tội của bị cáo Nhu là không có căn cứ Pháp Luật.

Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm quyết định tiếp tục duy trì biện pháp kê biên nhà đất nêu trên để đảm bảo thi hành án cho Nguyễn Thị Nhu là không đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của những người con của cụ Sảng, cụ Năm (các ông, bà Nguyễn Thị Hai, Nguyễn Thị Tư, Nguyễn Thị Năm, Nguyễn Thị Thất và Nguyễn Văn Hiệp).

Các hộ dân bức xúc nói về sự việc Quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm đã gây thiệt hại nghiêm trọng, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các con cụ Sảng, cụ Năm (những người thừa kế của các cụ).

Tuy nhiên, trước đó (sau khi Bản án phúc thẩm có hiệu lực Pháp Luật) cơ quan thi hành án đã bán đấu giá nhà đất nêu trên để thực hiện thi hành án phần nghĩa vụ dân sự của bị cáo Nhu và người trúng đấu giá là ông Vũ Văn Tám.

Do vậy, hiện nay tài sản đã không còn. Như vậy, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm đã gây thiệt hại nghiêm trọng, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các con cụ Sảng, cụ Năm (những người thừa kế của các cụ).

Mòn mỏi đi tìm quyền lợi 

Theo nội vụ việc, từ năm 2000, sau khi có quyết định của Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, các ông, bà là Nguyễn Thị Hai, Nguyễn Thị Tư, Nguyễn Thị Năm, Nguyễn Thị Thất và ông Nguyễn Văn Hiệp (con của cụ Năm, cụ Sảng) có nhiều đơn gửi đến cơ quan có thẩm quyền đề nghị giải quyết bồi thường thiệt hại do cơ quan tiến hành tố tụng gây ra nhưng chưa được giải quyết.

Đến năm 2012, các ông, bà Nguyễn Thị Hai, Nguyễn Thị Tư, Nguyễn Thị Năm, Nguyễn Thị Thất và ông Nguyễn Văn Hiệp tiếp tục có đơn khiếu nại gửi Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà nội yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với phần giá trị nhà đất.

Do nhận thấy việc kê biên nhà đất nêu trên là không có căn cứ Pháp Luật, không đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của những người con của cụ Năm và cụ Sảng nên Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội đã thụ lý đơn khiếu nại.

Quá trình xem xét giải quyết yêu cầu bồi thường, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội đã báo cáo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc thụ lý và tiến trình giải quyết yêu cầu bồi thường của các con cụ Năm, cụ Sảng.

Tại Công văn số 619/CV-TPT1 ngày 30/3/2015, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã có ý kiến và yêu cầu Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội khẩn trương thực hiện bồi thường. Do đó, ngày 06/9/2017, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã lập Biên bản thương lượng thành với ông Nguyễn Văn Ngọ (là người đại diện theo ủy quyền của các đồng thừa kế của cụ Sảng, cụ Năm).

Ngày 14/9/2017, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã ra Quyết định số 3017/QĐ-TACC ngày 14/9/2017 về việc giải quyết bồi thường đối với các ông, bà Nguyễn Thị Hai, Nguyễn Thị Tư, Nguyễn Thị Năm, Nguyễn Thị Thất và ông Nguyễn Văn Hiệp theo Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009.

Theo đó, quyết định giải quyết bồi thường thiệt hại cho các ông, bà Nguyễn Thị Hai, Nguyễn Thị Tư, Nguyễn Thị Năm, Nguyễn Thị Thất và ông Nguyễn Văn Hiệp (do ông Hiệp đã chết nên phần của ông Hiệp sẽ do vợ và các con của ông là Nguyễn Thị Nhu, Nguyễn Thị Thuận, Nguyễn Văn Thuần, Nguyễn Thị Thanh, Nguyễn Thị Dung nhận) với tổng số tiền là 2.534.520.000 đồng (Hai tỷ năm trăm ba mươi tư triệu năm trăm hai mươi nghìn đồng).

Tuy nhiên cho đến nay (gần 05 năm kể từ ngày có quyết định của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội về việc bồi thường thiệt hại cho các ông, bà nêu trên - ngày 14/9/2017), các con của cụ Năm và cụ Sảng vẫn chưa được nhận tiền bồi thường thiệt.

"Việc chậm trễ chi trả tiền bồi thường của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã gây ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng đến cuộc sống của các con cụ Năm và cụ Sảng.

Các con của cụ Năm và cụ Sảng đã phải chịu cảnh mất nhà ở và nơi thờ cúng gia tộc một cách oan ức suốt 25 năm từ năm 1996 khi Cơ quan điều tra kê biên tài sản đến khi Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội quyết định tiếp tục kê biên tài sản để đảm bảo thi hành án cho bị cáo Nhu", ông Ngọ cho hay

"Sau khi có Quyết định của Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao năm 2000, chúng tôi đã ròng rã đi đòi quyền lợi chính đáng bị xâm phạm suốt nhiều năm, bị tổn thất nặng nề về sức khỏe, thời gian và tiền bạc nhưng đến nay vẫn chưa nhận được một khoản bồi thường nào (mặc dù đã có Quyết định bồi thường cách đây gần 05 năm).

Cuộc sống của các con cụ Năm và cụ Sảng hiện nay gặp rất nhiều khó khăn do mất nhà và nơi thờ cúng gia tiên. Nhiều người trong số họ phải đi ở nhờ, không có chỗ ở ổn định để đảm bảo cuộc sống, là hộ nghèo nhiều năm.

Chúng tôi đã rất nhiều lần gửi đơn đề nghị Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội thực hiện chi trả tiền bồi thường nhưng vẫn chưa được giải quyết".

Sự việc này đặt ra câu hỏi lớn về lẽ công bằng, trách nhiệm của Tòa án, của Nhà nước đối với sai phạm trong hoạt động tố tụng.

Hàng bao con người vẫn hằng ngày trông chờ vào khoản tiền bồi thường chính đáng mà họ được nhận, nhằm phần nào bù đắp và giảm bớt khó khăn của cuộc sống nhưng vẫn đang phải mòn mỏi chờ đợi.

"Qua Báo Pháp Luật, chúng tôi mong quyền lợi chính đáng của mình được phản ánh một cách công minh, các cơ quan chức năng sớm vào cuộc để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân", người đại diện uỷ quyền cho các hộ dân cho hay.

Báo Pháp Luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật